Xã hội

10 năm miệt mài và vinh quang với giải thưởng Kovalevskaia 2014

PN - Với việc ứng dụng thành công kỹ thuật sử dụng tế bào gốc vào điều trị, nhóm nghiên cứu gồm 16 nhà khoa học và kỹ thuật viên - trong số đó có tới 13 thành viên nữ, đã mở ra phương pháp điều trị mới

 

Tập thể nữ này cùng các đồng nghiệp nam đã mang lại tin vui cho bệnh nhân tổn thương mắt

Quyết tìm hướng đi mới

Tổn thương mắt do bị bỏng, di truyền, tai nạn… là những trường hợp thường gặp tại Việt Nam. Hiện, tại các bệnh viện, phương pháp điều trị đang được sử dụng là ghép màng ối, ghép giác mạc tự thân với bệnh nhân (BN) tổn thương một bên mắt, ghép giác mạc dị thân.

Song, ghép màng ối chỉ mang tính chất tạm thời, ghép giác mạc tự thân phải lấy mảnh mô có kích thước lớn từ mắt lành để ghép sang mắt tổn thương nên cũng ảnh hưởng tới mắt lành. Còn với phương pháp ghép giác mạc dị thân (lấy mảnh mô từ mắt người thân để ghép), BN phải uống thuốc chống thải ghép suốt đời và mảnh ghép này rất dễ có nguy cơ bị thải loại.

Trước thực tế ấy, năm 2004, PGS-TS Nguyễn Thị Bình, giảng viên bộ môn Mô-phôi, Trường ĐH Y Hà Nội cùng các đồng nghiệp thuộc Bệnh viện Mắt Trung ương đã thực hiện nghiên cứu công nghệ tế bào để điều trị tổn thương bề mặt nhãn cầu. Theo PGS-TS Nguyễn Thị Bình, đây là phương pháp đang được áp dụng tại nhiều quốc gia, nhưng ở Việt Nam chưa có đơn vị nào nghiên cứu và áp dụng.

Vấn đề khó khăn đầu tiên mà nhóm đối mặt không phải nằm ở kỹ thuật mà là kinh phí. Nhớ lại những ngày đầu, PGS-TS Nguyễn Thị Bình nói: "Nếu không có đam mê nghiên cứu khoa học thì có lẽ nhóm đã không thể vượt qua". Họ phải tự bỏ tiền để mua hóa chất, dụng cụ, có khi phải đi vay chỗ nọ, mượn chỗ kia để có thể nuôi cấy, thử nghiệm.

Khi triển khai đề tài nhánh “Nghiên cứu quy trình công nghệ tạo tấm biểu mô giác mạc người để điều trị tổn thương bề mặt giác mạc do bỏng”, một cán bộ trong nhóm được cử đi học tập công nghệ tại Nhật Bản. Tuy nhiên, khi công thức được mang về Việt Nam, nhóm lại áp dụng thì gặp thất bại.

“Do thiếu một số hóa chất không thể mua được nên khi nuôi theo công thức có sẵn, các tế bào không thể phát triển. Sau này, thay vì cứ pha 500ml dung dịch môi trường như hướng dẫn, chúng tôi chỉ pha 100ml rồi tự mày mò, thêm hóa chất nọ, bớt hóa chất kia và kết quả cũng thành công”, PGS-TS Bình chia sẻ.

Sau bốn năm nghiên cứu, năm 2007, lần đầu tiên tập thể đã nuôi tạo thành công tấm biểu mô từ nguồn tế bào gốc vùng rìa giác mạc của thỏ. Năm 2008, ca phẫu thuật, cấy ghép cho BN bị tổn thương giác mạc đầu tiên được thực hiện thành công.

Không dừng lại ở việc điều trị cho BN tổn thương một bên mắt, từ năm 2010, nhóm mở rộng đề tài nghiên cứu quy trình nuôi tạo và cấy ghép tấm biểu mô nuôi cấy từ tế bào gốc biểu mô niêm mạc miệng để điều trị BN tổn thương hai mắt. Trên thế giới, việc điều trị cho BN bị tổn thương hai mắt thường dùng phương pháp nuôi cấy bằng mô chuột. Nhưng ở Việt Nam, do không đủ điều kiện để mua máy móc đắt tiền, dễ gây ra nguy cơ bị nhiễm protein từ chuột nên nhóm đã lấy mô từ chính niêm mạc miệng của BN và áp dụng thành công. Đây là phương pháp hoàn toàn mới trên thế giới nên nhóm nghiên cứu quyết định đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.

Rút ngắn thời gian phục hồi mắt

BN được điều trị tổn thương giác mạc đầu tiên theo phương pháp ghép tế bào gốc là anh Nguyễn Văn Tiến (SN 1977). TS-BS Vũ Tuệ Khanh, thành viên của nhóm, cũng là người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật nhớ lại: “BN Tiến là công nhân xây dựng, do sơ suất nên bị bắn vôi vào một bên mắt, gây bỏng. Khi đến bệnh viện, mắt tổn thương bị loét, đỏ kéo dài khiến BN chảy nước mắt, chói mắt và có cảm giác rất khó chịu.

Sau ba tháng điều trị, mắt của anh Tiến đã hồi phục và dần ổn định sau sáu tháng theo dõi”. Thời gian phục hồi mắt bị tổn thương nhanh hơn so với các phương pháp truyền thống từ ba-sáu tháng, theo TS-BS Khanh, chính là ưu điểm của việc sử dụng tế bào gốc. Bên cạnh đó, miếng biểu mô được cấy ghép có tế bào gốc nên có khả năng sinh sản, tồn tại lâu trong cơ thể, tránh tình trạng BN phải thực hiện phẫu thuật, cấy ghép nhiều lần.

Bà Nguyễn Thị Hon (SN 1964) cũng bị tổn thương mắt do bỏng vôi và được phẫu thuật năm 2008. Bà Hon chia sẻ: “Trước đây mắt tôi bị mờ không nhìn thấy gì. Hiện tại đã nhìn thấy tương đối rõ, dù không được sáng như lúc chưa xảy ra tai nạn. Đặc biệt mắt không bị khó chịu nên mọi sinh hoạt đến nay vẫn bình thường và tôi đạp xe đi chợ… vô tư”.

Tính đến nay, phương pháp mới này đã điều trị thành công cho 37 BN, trong đó có 15 BN bị tổn thương một mắt, 22 BN bị tổn thương hai mắt. Trong số ấy, nhỏ tuổi nhất là trường hợp của BN tên Cường. Cường bị bỏng vôi khi mới bốn tuổi, mỗi lần phẫu thuật, BN đều phải gây mê. Với cách điều trị mới, do thời gian điều trị và phục hồi được rút ngắn nên phần nào giúp được bố mẹ BN sớm trở lại công việc sau khi phải nghỉ làm chăm con.

Tại Nhật Bản, phương pháp sử dụng tế bào gốc để điều trị tổn thương mắt có mức giá khoảng 5.000 USD. Còn ở Việt Nam, phương pháp này đang được nhóm nghiên cứu xin phép Bộ Y tế ứng dụng vào các bệnh viện. Theo hạch toán bước đầu, chi phí cho mỗi ca mổ là 10 - 15 triệu đồng.

PGS-TS Nguyễn Thị Bình cho biết thêm: “Ở Nhật Bản, các nhà khoa học không nghĩ phương pháp này hiệu quả với BN mắc bệnh do di truyền, nhưng chúng tôi đã áp dụng và kết quả rất khả quan. Tuy không thể khiến mắt BN có thể nhìn được, nhưng phương pháp này có thể khắc phục những điểm như mắt không trong, xù xì… khiến BN không còn bị cộm, chói”.

Với kết quả khả quan và mang tính ứng dụng cao, sáng mai, ngày 7/3, tập thể nghiên cứu sử dụng công nghệ tế bào điều trị tổn thương bề mặt nhãn cầu sẽ được nhận giải thưởng Kovalevskaia. Công trình nghiên cứu này đã đoạt hai giải xuất sắc của Hội nghị Khoa học công nghệ tuổi trẻ các trường y - dược Việt Nam lần thứ XV (năm 2010) và lần thứ XVI (năm 2012). Tập thể 13 thành viên nữ với sự phối hợp, trợ giúp của ba đồng nghiệp nam vẫn đang tiếp tục nghiên cứu quy trình nuôi cấy tế bào gốc để điều trị bệnh Parkinson, bước đầu đã có kết quả tốt, mang lại niềm hy vọng cho các BN.

HUYỀN ANH

www.phunuonline.com.vn

tế bào gốc, điều trị, nhãn cầu, giải thưởng, Kovalevskaia


      © 2021 FAP
        857,900       754