PN - Tôi mang điều này hỏi một sư thầy, ông bảo: “Có bệnh, cầu an có khi bệnh nặng hơn. An hay không là do tự mình tạo ra, cầu cạnh chẳng được gì”.
Đầu năm, là dịp để người ta khởi động lại cuộc sống, tin chờ vào một sự mới mẻ. Nên, đầu làng cuối phố đâu đâu cũng râm ran chuyện đi chùa cầu an.
Tôi mang điều này hỏi một sư thầy, ông bảo: “Có bệnh, cầu an có khi bệnh nặng hơn. An hay không là do tự mình tạo ra, cầu cạnh chẳng được gì”. Dẫu, ai ai cũng biết như thế, nhưng để hiểu đúng lại là một việc rất khác. Nên, đến hẹn lại lên, mùa lễ hội chùa chiền hàng năm lại gây ra biết bao chuyện dở khóc dở cười. Gần đây là hỗn chiến ở lễ hội đền Gióng, là hình ảnh người tiếp người trong ngày khai hội Yên Tử. Là hình ảnh xô bồ trong lễ khai ấn đền Trần mọi năm. Nhà nhà, người người ai cũng mong cho chính mình an yên, thăng quan, tiến chức, tiền bạc dồi dào.
Có lần, trong một cuộc trà đạo, sư thầy nói: “Phàm làm điều gì phải suy xét, vì ta làm ta hưởng, chứ không phải người khác. Nghiệp có thể được tạo từ kiếp trước, nhưng đôi khi cũng có ngay kiếp này. Mới vào chùa cầu an xong, xin đức Phật mọi sự an lành, quay ra ngoài đã gây gổ đánh nhau, dẫn đến phạm luật. Những việc đó, lòng từ bi của Phật không cứu được ta, cũng chẳng chuyển tù tội sang cho người khác được”.
Tôi nghe mà nghiệm lại xung quanh mình. Chính mình cũng luôn cầu nguyện, nhưng khi đối diện với một sự việc, cũng nóng nảy, sân si. Một va chạm nhỏ trên đường cũng ngừng lại sừng sộ, một hiểu lầm trong công ty cũng nổi giận đùng đùng, đập bàn đập ghế. Một câu nói đùa không đúng lúc của cậu bạn cũng để lại nỗi ấm ức trong lòng.
Thực ra, trong giáo lý nhà Phật có chuyện cầu an không? Tôi hỏi rất nhiều người và nhận thấy một điều, Phật dạy người ta hành động cụ thể, không có giáo điều. Người ta đến chùa cầu an thật ra là để tạo tác hoặc củng cố niềm tin, nương theo lòng từ bi của Phật. Niềm tin đó là vừa đủ, không quá, không cố. Bởi ta tin là cho ta, không phải cho Phật. Tin phải vừa đủ để còn chỗ mà điều khiển hành vi. Đạo lý của Phật quan tâm đến hành vi chứ không tin hão, mê muội.
Vì thế, hãy luôn tâm niệm rằng, đi cầu an là điều tốt, nhưng hãy xuất phát từ thiện tâm, do chính mình mong muốn, tự nguyện. Hãy luôn luôn nhớ rằng, cầu an là cầu cho sức khỏe, cầu niềm tin trong sáng vượt khó, chứ đừng bao giờ đi chùa do bị lôi kéo, rủ rê để xin lộc, xin xăm. Quẻ chùa đầu năm cũng chỉ là một thú vui, bởi lời giải trong các quẻ, cũng chỉ khuyên con người hạn chế tham sân hận, tránh dữ, làm lành. Còn cơ trời, chẳng ai đoán định trước được.
Cuộc sống giờ, nhìn đâu cũng đầy nghi hoặc. Cộng thêm chúng ta tự đặt ra quá nhiều mục tiêu vượt tầm khiến con người luôn sống trong trạng thái chực chờ nổ tung. Nếu không lao vô tội vạ vào thần thánh để dựa dẫm, thì cũng dùng bạo lực để khoe mẽ, khẳng định sự tồn tại. Đó cũng là cách lý giải tại sao ngày càng nhiều người bám víu vào thần thánh.
Mà con người đã quên nhìn lại, tại sao ta lại bị ngoại cảnh chi phối mà không chịu đào bới bản thể, nhìn vào chính ta. Đáng lẽ con người phải tự nghiệm ra rằng, tự ta phải học bài vỡ lòng về sức mạnh, niềm tin ở chính mình, phải nỗ lực đến bật máu để vượt lên chính mình, lấy tử tế và sự chân thành đối đãi nhau. Còn tất cả những việc khác, tai ương, đến ắt đến, chẳng có thần thánh nào cứu được, y như có sinh ắt có tử. Vì thế, đừng tốn tiền và mất công cho sự cầu cạnh đâu đó, khi thâm tâm bị chính mình lung lạc có chủ ý.
Nếu có cầu an, hãy cầu chính mình.
MỘC MIÊN
cầu an, lễ hội, lên chùa, cầu may mắn, lễ hội dân gian