PN - Cách đây 49 năm, có 1.004 dân vô tội tại huyện Tây Sơn và thị xã An Nhơn (Bình Định) đã bị lính đánh thuê Nam Triều Tiên giết hại trong các ngày từ 23 đến 26/2/1966.
Dâng hoa, dâng hương tưởng niệm nạn nhân vụ thảm sát Gò Dài.
Ngày 26/2, hàng trăm người trong đó có 28 người Hàn Quốc đã tập trung về Khu chứng tích lịch sử Gò Dài tại thôn Gò Dài, xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định để tưởng nhớ thường dân vô tội ngã xuống trong vụ thảm sát năm 1966. Trong đoàn người, về tưởng niệm tại đây.
Cách đây 49 năm, có 1.004 dân vô tội tại xã Bình An cũ (nay là các xã Tây Vinh, Tây Bình, Tây An, huyện Tây Sơn và xã Nhơn Phúc, Nhơn Mỹ, Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn) đã bị lính đánh thuê Nam Triều Tiên giết hại trong các ngày từ 23 đến 26/2/1966.
Trong đó, chỉ trong 1 giờ ngày 26/2/1966, hơn 380 dân thường tại Gò Dài bị giết; 1.925 ngôi nhà bị phá hủy. Các nạn nhân được chôn chung trong một hố và người dân lấy ngày này là ngày giỗ chung của làng.
Cụ Nguyễn Đình Phong, thân nhân của một trong 380 nạn nhân vô tội trong vụ thảm sát năm xưa.
Hàng năm, UBND tỉnh Bình Định và người dân tại các xã trên tập trung về Đài tưởng niệm Gò Dài (Di tích lịch sử Gò Dài) thắp hương tưởng nhớ đến đồng bào ngã xuống trong chiến tranh.
49 năm qua là 49 lần, cụ Nguyễn Đình Phong (80 tuổi, thôn An Chánh, xã Tây Bình, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) cùng con cháu về đây thắp hương cho người mẹ Nguyễn Thị Kim Hương, một trong 380 dân thường vô tội bị sát hại trong ngày 26/2/1966.
“Không nói lại vết thương ngày cũ, chúng tôi chỉ nhắc con cháu đời sau ghi nhớ công ơn những người đi trước, những người đã ngã xuống trên mảnh đất quê mình”, cụ Phong nói.
Đài tưởng niệm trong Khu chứng tích lịch sử Gò Dài.
Trong dòng người tưởng niệm những nạn nhân thảm sát Gò Dài, năm nào cũng có những người trẻ Hàn Quốc về đây dâng hoa, dâng hương và chia sẻ nỗi đau chiến tranh với người dân nơi này.
Anh Won Chun Nam, một người trẻ trong đoàn Hàn Quốc, nói: “Đây là lần thứ hai tôi tới tưởng niệm nạn nhân trong vụ thảm sát Gò Dài. Lần đầu tiên là vào năm 2006. Chín năm trở lại nơi này, tôi đã nhận ra sự thay đổi mới của mảnh đất này. Tôi biết đến thảm sát Gò Dài qua sách nói về chiến tranh Việt Nam. Điều mà tôi đang chứng kiến ở đây làm cho tôi rất buồn, tôi thành thật xin lỗi các bạn”.
28 người trẻ Hàn Quốc ở trong các đoàn hữu nghị Việt Hàn, Bảo tàng Hòa bình Hàn Quốc, Liên minh vì hòa bình châu Á đồng hành cùng người nhập cư có mặt tại đây tưởng niệm nạn nhân vụ thảm sát Gò Dài.
Còn tiến sĩ sử học Ku Su Jeong, người khởi đầu cho phong trào “Thành thật xin lỗi Việt Nam”, hiện đang hoạt công tác xã hội tại Việt Nam, chia sẻ: “Tôi đến Việt Nam năm 1993, khi đó tôi đang theo học thạc sĩ chuyên ngành lịch sử Việt Nam tại Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, sau đó học lên tiến sĩ. Trong thời gian đó, tôi tìm hiểu về những vụ thảm sát mà lính Nam Hàn thực hiện tại Việt Nam trong chiến tranh, tôi viết những sự kiện đó cho tờ The Hankyoreh21 (một trong những tờ nhật báo ở Hàn Quốc).
Sau đó, tôi quyết định ở lại Việt Nam, hoạt động cộng đồng tại các tỉnh miền Trung, đặc biệt là 5 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa - nơi có những tội ác chiến tranh mà lính Nam Hàn gây ra. Tôi cùng các bạn trẻ khác bắc nhịp cầu nối, tuyên truyền cho nhiều người Hàn Quốc về Việt Nam, tưởng niệm và chia sẻ với người dân nơi đây bằng các hoạt động như hỗ trợ học bổng, xây phòng học, hỗ trợ máy vi tính…”.
Anh Won Chun Nam cùng đoàn người dâng hoa, dâng hương.
Phó chủ tịch UBND xã Tây Vinh, ông Dương Ngọc Hiến, cho biết, hàng năm, có rất đoàn hữu nghị của Hàn Quốc đến thăm Khu chứng tích lịch sử Gò Dài. Mới đây, Đoàn hữu nghị Việt Hàn trao 25 suất học bổng trị giá 1 triệu đồng/ suất cho 25 học sinh là thân nhân của nạn nhân vụ thảm sát, xây phòng học, hỗ trợ 12 dàn máy vi tính cho trường học và trung tâm học tập cộng đồng xã…
THU DỊU
vụ thảm sát Gò Dài, tưởng niệm, nạn nhân chiến tranh, thường dân vô tội, thảm sát, giết hại, đồng bào