PN - Ở nơi đó, có những con người thầm lặng gắn cuộc đời mình với “thế giới của những người
Anh Hảo dạy bệnh nhân gấp chăn màn, vệ sinh giường ngủ và trò chuyện với người bệnh.
Hai người trẻ tên Hảo
Tranh thủ buổi nghỉ ngơi hiếm hoi sau khi phát thuốc cho các bệnh nhân, anh Võ Khắc Hảo (29 tuổi, quê xã An Hòa, huyện An Lão, tỉnh Bình Định) – nhân viên trợ giúp và chăm sóc đối tượng tâm thần (NVTG&CSĐTTT) tại TTNDNTT Hoài Nhơn tiếp chuyện với chúng tôi về công việc đặc biệt của anh: “Đánh răng, rửa mặt, làm các khâu vệ sinh cho đối tượng, trò chuyện, hướng dẫn các đối tượng và dạy lại từ đầu cho họ cách sinh hoạt như một người bình thường”.
Anh hướng dẫn họ thế nào? Anh nói: “Đừng xem họ là người điên, đừng sợ hãi, cầm tay chỉ việc cho họ, thậm chí làm luôn cho họ một lần rồi sau đó dạy từ từ”.
Họ có đánh, chửi, la hét hay lên cơn làm anh khiếp sợ không? “Có chứ. Những lúc đó mình giữ họ thật chặt, đừng để họ bị thương. Khi cơn bệnh đi qua, họ trở lại bình thường, mình lại tiếp tục giúp họ”.
Chỉ với đôi ba câu trò chuyện của anh, tôi hình dung được công việc của NVTG&CSĐTTT với bao nhiêu vất vả, khó khăn.
Học chuyện ngành chăm sóc người khuyết tật (Trường đại học Lao động Xã hội cơ sở 2 tại TP. Hồ Chí Minh), ra trường anh Hảo về công tác tại TTNDNTT Hoài Nhơn từ năm 2009. Công tác một thời gian, anh Hảo dành 2 năm rưỡi học thêm lớp Chăm sóc người khuyết tật của tổ chức Caritas (tổ chức phi chính phủ Đức) để hoàn thiện và nâng cao nghiệp vụ chăm sóc người bệnh.
Ban đầu, khi nhận công việc anh Hảo cũng đắn đo, suy nghĩ. Công việc nào cũng khó, nhưng việc chăm sóc “người điên” lại càng khó. Thế nhưng, sau khi tham khảo ý kiến mọi người và được động viên, dù xác định trước vất vả, anh vẫn chọn về trung tâm làm việc.
Với những người bệnh tâm thần nữ ở đây, chị Nguyễn Thị Thu Hảo như một người mẹ, người chị luôn ân cần chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho họ. |
Theo học chuyên ngành lao động tiền lương và bảo trợ xã hội (Trường trung cấp Lao động Xã hội), ra trường, chị Nguyễn Thị Thu Hảo (28 tuổi, quê xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) về công tác tại trung tâm từ năm 2010.
Ban đầu, chị cũng e ngại như bao người khác, nhưng khi làm việc, tiếp xúc với người bệnh, hiểu được nỗi đau khổ của họ, chị lại quyết tâm bám trụ. 4 năm qua, chị cùng những nhân viên khác chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho 107 đối tượng tâm thần nữ. “Họ cô đơn lắm, họ đau, họ bệnh, thậm chí họ bị bỏ rơi nên họ cần hơi ấm tình thương. Chỉ cần mình thương yêu họ, mọi chuyện đều được vượt qua được”, chị Hảo tâm sự.
“Hãy xem họ như người nhà của mình, yêu thương họ như người thân của mình thì giữa họ và mình không rào cản nào”.
Người bệnh ở đây thuộc nhiều lứa tuổi, nhưng đa phần là những người ở độ tuổi bóng ngã xế chiều. Ban đầu vào đây, tiếp xúc với họ, chị tự nhủ dùng tình cảm của một đứa con, một người em chăm sóc cho các bà, các mẹ và các chị. Rồi đến khi lấy chồng, sinh con, làm một người mẹ, chị dùng trái tim người mẹ chăm sóc họ.
“Người bệnh cũng giống như đứa trẻ, họ làm mọi thứ để được quan tâm, để vơi đi nỗi đau… Chịu khó mở lòng giúp họ, họ sẽ hiểu”, chị Hảo nói.
Rồi chị tiếp tục câu chuyện: “NVTG&CSĐTTT là chăm sóc, trợ giúp tất cả mọi việc mà người bệnh không làm được. Có lẽ, mọi người hiểu được tâm ý của chúng tôi nên họ không mấy khi quấy phá. Có người bệnh nào nặng hơn, phát bệnh thì những người tỉnh táo cũng giúp đỡ mình. Khi tôi muốn chuyển đi, người bệnh họ la hét, họ khóc nói “không cho đi đâu, không cho chị Hảo đi đâu hết”.
Ấm áp vì tình người
Anh Võ Khắc Trực (SN 1968), Trưởng phòng Tổ chức của TTNDNTT Hoài Nhơn nhớ mãi câu chuyện về “đại ca chó vàng”, một nhân vật đặc biệt mà anh từng chăm sóc.
“Đại ca chó vàng” quê ở huyện Phù Cát, vốn là lao động chính trong gia đình, do tai nạn lao động nên phát bệnh, được gia đình đưa vào trung tâm và luôn miệng tự xưng là “đại ca chó vàng”. Thời gian đầu “đại ca chó vàng” rất hung hãn và sống cô độc, không tiếp xúc với ai. Anh Trực phải tìm mọi cách làm thân, và anh Trực là người duy nhất “đại ca chó vàng” chịu trò chuyện, chịu nghe lời.
Ngoài anh Trực, những nhân viên khác của trung tâm mỗi khi tìm cách tiếp cận lập tức bị “đại ca chó vàng” cầm đá rượt chạy tán loạn. Những lúc như thế dù anh Trực đã hết ca trực vẫn cứ phải ra mặt can thiệp. “Đang hung hăng nhưng mỗi khi tôi xuất hiện là “đại ca chó vàng” bớt manh động ngay. Nhưng khi tôi hỏi chuyện “đại ca chó vàng” nói ngay: “Tui đang nóng, đừng hỏi, tui không trả lời được đâu”. Nói xong “đại ca chó vàng” bỏ chạy về phòng, nằm vùi mặt vào gối. Hiện “đại ca chó vàng” đã bớt bệnh, được gia đình nhận về”, anh Trực kể.
Kể về công việc của mình, anh Võ Khắc Hảo nói: “Đằng sau mỗi người bệnh là một câu chuyện, một sự chia sẻ… nếu mình biết lắng nghe, biết cảm nhận sẽ rút được khoảng cách giữa người bệnh và mình. Nhờ đó người bệnh mới phục, giả dụ họ không hoàn toàn bình phục họ vẫn cảm nhận được hơi ấm tình người, bởi họ cũng là con người, họ có cảm nhận riêng”.
Tại đây, nơi “thế giới của những người điên”, anh cũng tìm được một nửa của mình là cô nhân viên y tế Đinh Thị Kim Cúc cùng xây dựng hạnh phúc gia đình.
Niềm vui của anh trong công việc là giúp được một người bệnh hòa nhập với cộng đồng. Năm 2010, anh Võ Khắc Hảo chăm sóc cho bệnh nhân Th. ở khu A1. Đọc bệnh án của Th., Hảo biết bệnh nhân từng làm thợ hồ. Trong một lần bị tai nạn lao động, mạng sống bệnh nhân được giữ lại sau 1 ca phẫu thuật. Sau đó bệnh nhân phải nằm viện điều trị một thời gian. Thế nhưng sau khi xuất viện, bệnh nhân bỗng quên hết mọi việc, hay la hét thất thường và đập phá đồ đạc trong nhà.
Gia đình đưa bệnh nhân đi khám bệnh thì được bác sĩ xác định đã bị tâm thần phân liệt. Gia đình liền đưa bệnh nhân vào trung tâm điều trị. Mới đầu, anh chỉ ngồi một mình, chơi một mình, hễ tìm anh nói chuyện là anh bỏ đi. Khoảng 1 tháng, anh tới đâu tôi theo tới đó tìm cách bắt chuyện, dần dần rồi anh cũng chịu tiếp xúc. Giúp anh điều trị, thuốc men đúng giờ cùng các trị liệu khác, bây giờ bệnh nhân Th. đã bình phục về đoàn tụ với gia đình.
“Mỗi lần có 1 bệnh nhân bớt bệnh, trở về với cộng đồng là mỗi lần lòng tôi vỡ òa một hạnh phúc”, anh Hảo tâm sự.
TTNDNTT Hoài Nhơn có 4 phòng chức năng: phòng Y tế có 26 nhân viên gồm y sĩ, điều dưỡng viên, hộ lý; phòng Chăm sóc nuôi dưỡng có 24 nhân viên chuyên đi chợ, nấu ăn, chuyển thức ăn đến bệnh nhân; phòng Nghiệp vụ trực tiếp dạy bệnh nhân tắm giặt, xếp mùng màn, cách ăn uống sinh hoạt và phòng Tư vấn chăm sóc sức khỏe người tâm thần, mới được thành lập.
Khó khăn lớn nhất của trung tâm hiện nay là ở đây chưa có bác sĩ chuyên khoa về tâm thần, và cũng mới chỉ có nhân viên chuyên môn chăm sóc người khuyết tật chứ chưa có nhân viên chăm sóc người tâm thần.
“Để giúp đỡ được bệnh nhân nhiều hơn, chúng tôi đang cho bác sĩ của trung tâm đi đào tạo thêm về chuyên môn tâm thần để nâng cao hiệu quả trong hoạt động”, ông Võ Khắc Trực, Trưởng phòng Tổ chức TTNDNTTHoài Nhơn, nói.
THU DỊU
thầy thuốc, y bác sĩ, ngày thầy thuốc, bệnh nhân tâm thần, người điên, người khuyết tật