PN - Sài Gòn là thành phố trẻ, nhất là từ ngày mang tên TP. Hồ Chí Minh. Một trong những nét trẻ đẹp của TP. Hồ Chí Minh là thảm hoa tươi cứ mỗi năm một thêm rực rỡ.
Tượng đài Bác Hồ trước UBND TP.HCM ngập tràn hoa mai (2009)
Có thể nói, trước năm 1975, Sài Gòn không có thế mạnh về hoa. Ngay cả trong ca khúc Sài Gòn đẹp lắm rất thịnh hành của nhạc sĩ Y Vân cũng chỉ ca ngợi cảnh “ngựa xe như nước, áo quần như nêm” chứ không hề có tên một loài hoa nào. Muốn tìm cảm hứng cho những câu hát như Ai lên xứ hoa đào, Hoa lưu ly không về, Mimosa, từ đâu em tới… thì các nhạc sĩ phải lên Đà Lạt.
Còn nếu muốn có chút cảm nhận về văn hóa hoa ở Sài Gòn thì chỉ có thể lắng nghe từ trong tâm thức tiếng vó ngựa và tiếng nhạc chuông vội vã của những chiếc xe thổ mộ chất đầy hoa vạn thọ từ ngoại ô hướng về chợ Bến Thành vào khoảng nửa đêm về sáng.
Mùa Xuân năm Bính Thìn 1976, TP. Hồ Chí Minh bỗng tràn ngập một loài hoa mới xuất hiện lần đầu. Đó là hoa mãn đình hồng với các chủng màu trắng, vàng và đỏ thắm mọc kín từ dưới gốc dài đến tận ngọn, như những cánh tay vươn thẳng lên giữa trời xanh. Đây là một loại danh hoa của miền Bắc đến TP. Hồ Chí Minh nhanh chân nhất để vươn tay chào đón mùa Xuân đầu tiên của đất nước Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất. Năm ấy hoa đào cũng đã đến nhưng với số lượng rất ít, chỉ dăm mười cành thấp thoáng trong phòng khách của giới thượng lưu.
Chợ hoa Nguyễn Huệ năm 1990
Phải thêm vài ba mùa Xuân nữa, hoa đào mới hội nhập được vào thế giới hoa Xuân của các tỉnh thành phía Nam. Nay thì loại danh hoa số một này của miền Bắc đã có mặt ở khắp các hội hoa Xuân và chiếm lĩnh mặt tiền của công viên Hoàng Văn Thụ. Tuy vậy đối với người Sài Gòn, hoa đào vẫn chỉ được xem là một cô nàng đại sứ xinh đẹp của dòng hoa Xuân miền Bắc, không thể tranh giành được ngôi vị chủ nhà của cây mai vàng ở miền Nam.
Trước 1975, phần lớn các gia đình ở thành phố miền Nam chỉ có khả năng chơi mai vàng cắt cành vì nó gọn nhẹ và ít tốn tiền. Vào khoảng thập niên 1960 có giống mai Nhật, thường gọi là mai tứ quý vì nó có thể nở hoa cả bốn mùa. Đây là giống mai vàng có thể trồng trong chậu theo kiểu bonsai, thích hợp với không gian nhỏ hẹp của nhà cửa ở các thành phố lớn. Lúc đầu mai tứ quý rất quý hiếm nhưng vì nó rất dễ nhân giống, lại không đặc trưng cho mùa Xuân nên dần dần giảm giá trị. Mỗi năm một giảm, cho đến nay loài hoa này đã bị loại ra khỏi thị trường hoa Xuân.
Tuy cây mai tứ quý bị loại nhưng trường phái bonsai - tức là kỹ thuật trồng hoa kiểng lưu niên thu nhỏ trong chậu của người Nhật - lại được người trồng hoa Việt Nam tiếp thu và phát huy triệt để. Người ta trồng mai tứ quý của Nhật để lấy gốc ghép vào các giống mai của Việt Nam. Dần dần trong làng hoa mai nổi lên những nghệ nhân ghép mai có tên tuổi như Huỳnh Tỷ, Hai Thọ, Năm Đông, Bảy Nên, Ba Sơn, Huỳnh Văn Thới…
Hoa mãn đình hồng
Năm 1980, Hội Hoa Xuân lần đầu tiên được tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh. Đây là cơ hội bằng vàng để các nghệ nhân giới thiệu những thành quả lao động của mình như: mai vàng, mai trắng, mai xanh, mai gião, mai Huỳnh Tỷ 24 cánh, mai cúc 100 cánh… Từ đó, nghệ thuật trồng hoa kiểng bonsai lên ngôi và phát triển thành một mũi nhọn kinh tế rất đáng kể.
TP. Hồ Chí Minh còn có thế mạnh về lan nhiệt đới. Hoa phong lan ở xứ lạnh như Đà Lạt chẳng hạn, đem về TP. Hồ Chí Minh sẽ rất khó phát triển. Theo nhà văn Sơn Nam, một trong những người đầu tiên đem các giống lan nhiệt đới từ Thái Lan về nuôi trồng thành công ở Việt Nam là ông Dương Văn Minh, vị tổng thống sau cùng của chế độ Sài Gòn. Ngôi nhà của ông nằm trên đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai) thường gọi là biệt thự Hoa Lan. Nhiều chính khách và thân hữu đã được ông Minh truyền thụ và phổ biến nghề chơi này.
Năm 1978, Việt Nam tham gia khối SEV (Hội đồng tương trợ kinh tế các nước xã hội chủ nghĩa) và có kế hoạch xuất khẩu hằng năm sang khối này một triệu cành hoa lan nhiệt đới. Một số công ty phong lan và nhiều cơ sở vệ tinh ra đời ở TP. Hồ Chí Minh để đáp ứng nhu cầu này. TP. Hồ Chí Minh còn có cơ sở sản xuất lan cấy mô để cung cấp cây giống cho người nuôi trồng. Công việc làm ăn đang thuận lợi cho đến năm 1991 khối Đông Âu tan rã và hợp đồng xuất khẩu bị phá sản. Nhưng ngành trồng lan không chết mà vẫn tiếp tục phát triển bền vững để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Đường hoa Nguyễn Huệ năm 2014
Có một giống lan rừng Việt Nam rất được những chiến binh giải phóng ưa thích. Đó là lan Ngọc Điểm, có mùi hương nhè nhẹ như son phấn và chỉ nở vào mùa Xuân nên còn có tên là Nghênh Xuân. Nếu lúc đầu loài hoa này chỉ nằm trong hoài niệm của những người kháng chiến thì nay lan Nghênh Xuân đã giành được ưu thế cạnh tranh bên cạnh các giống lan ngoại nhập như Dendro, Catlaya, Phalenopsis… Theo tin từ Hội Phong lan và cây cảnh TP.HCM thì mùa Xuân năm tới sẽ có một hội thi lan Ngọc Điểm toàn quốc với giải thưởng rất xứng đáng.
Nước ta và Trung Quốc vốn có chung một dòng văn hóa hoa. Nhưng những sóng gió trong quan hệ giữa hai nước đã ảnh hưởng tới cả số phận của cỏ cây hoa lá. Kể từ khi hai nước khôi phục lại quan hệ bình thường vào năm 1992, tại các hội hoa xuân ở công viên 23/9 xuất hiện nhiều hoa mới du nhập từ Vân Nam như: đỗ quyên, trà mi, hải đường, cẩm chướng… đặc biệt có cả hoa thủy tiên châu Á với bộ rễ trắng xóa trồng trong bình thủy tinh. Nếu biết chăm sóc đúng cách, hoa có thể nở đúng vào khoảng giờ Tý đêm ba mươi Tết nên được xem là sứ giả của đêm giao thừa.
Năm 1994, Công ty Dalat Hasfarm, thành viên của Hiệp hội Hoa quốc tế Interflowers do một người Hà Lan là ông Thomas Hooft đến xứ sương mù mở trang trại trồng hoa. Ông đã gặt hái nhiều thành công trong việc di thực hầu hết các loài hoa xứ lạnh sang Việt Nam và cung cấp cho thị trường TP. Hồ Chí Minh những loài hoa mới như tulip, thủy tiên trồng đất, cát tường, lyly, caliméro, baby…
Đêm 30 Tết - đón hoa về nhà
Hơn hai mươi năm qua, mỗi năm một lần thành phố đều tổ chức Hội Hoa Xuân ở các công viên lớn và một hội thi giữa các nghệ nhân trồng hoa. Năm 2004, lần đầu tiên đại lộ Nguyễn Huệ ở trung tâm thành phố được trang trí thành đường hoa rực rỡ mang nhiều chủ đề văn hóa, lịch sử và kinh tế. Ngoài ra còn 130 chợ hoa trên bến dưới thuyền ở các quận huyện nội ngoại thành.
Tết Ất Mùi năm nay, khu vực trung tâm thành phố đang vướng công trình làm nhà ga metro nên đường hoa Nguyễn Huệ sẽ tạm dời sang đường Hàm Nghi, chắc là có phần hạn chế. Nhưng không sao. Một khi văn hóa hoa đã thành truyền thống thì tình yêu mà chúng ta dành cho thành phố mang tên Bác Hồ vẫn là những mùa Xuân bất tận.
HOÀNG PHỦ NGỌC PHAN
hoa xuân, đường hoa, mùa xuân, ngày Tết, thành phố, Sài Gòn, mai vàng, mãn đình hồng