PN - Chiến thắng Đèo Nhông – Dương Liễu đã góp phần cùng quân, dân Khu 5 và miền Nam làm phá sản hoàn toàn chiến lược Chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ.
Cách đây 50 năm, vào ngày mồng 5 tháng Giêng, tại khu vực Đèo Nhông – Dương Liễu, Trung đoàn 2 bộ đội chủ lực Quân khu 5 phối hợp với bộ đội địa phương, dân quân du kích huyện Phù Mỹ đã phục kích tiêu diệt 2 tiểu đoàn bộ binh của Việt Nam Cộng hòa, một chiến đoàn xe bọc thép, thu nhiều vũ khí và phương tiện quân sự.
Dâng hoa, dâng hương tại di tích Đèo Nhông – Dương Liễu. |
Trận đánh diễn ra tại khu vực Đèo Nhông - Dương Liễu vào giai đoạn của Chiến tranh đặc biệt (1965), khi đế quốc Mỹ đổ quân viễn chinh và chư hầu can dự trực tiếp vào chiến trường miền Nam Việt Nam. Chiến trường Bình Định trở thành mục tiêu chính trong việc đánh phá vào các căn cứ của ta. Sư đoàn Kỵ binh bay - một sư đoàn thiện chiến của Mỹ - đảm nhận nhiệm vụ đánh chiếm, càn quét vào căn cứ của ta.
Cuối tháng 12/1964, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định tập trung lực lượng mở đợt tấn công nhằm tiêu diệt một bộ phận chủ lực địch ở địa phương, phát động phong trào quần chúng nổi dậy ở nông thôn, phá “ấp chiến lược”, làm phá sản kế hoạch “bình định” của địch.
Mùa xuân 1965, nắm được tình hình địch bố trí một lực lượng lớn bộ binh và thiết giáp tái chiếm đồn Dương Liễu (con đường đến Dương Liễu phải đi qua Đèo Nhông), Bộ Tư lệnh Quân khu 5 chỉ đạo Trung đoàn 2 vạch phương án tác chiến, phục kích đánh úp địch tại Đèo Nhông.
Dựa vào địa hình khu vực Đèo Nhông đồi núi nhấp nhô, rừng cây rậm rạp, hiểm trở, lực lượng của ta bố trí một tiểu đoàn cơ động diệt xe tăng ở phía trước đỉnh đèo, đào hệ thống công sự đề phòng địch cho máy bay ném bom. Yểm trợ cho bộ đội chủ lực là hai cánh quân thuộc bộ đội địa phương ở Vân Tường và Diêm Tiêu làm nhiệm vụ chi viện.
Đúng như dự đoán, sau hai ngày thăm dò, ngày mồng 5 Tết, địch cho 2 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 41 cùng một chi đội xe bọc thép M113, có cả pháo binh và máy bay chiến đấu yểm trợ theo đường số 1A từ quận lỵ Phù Mỹ tiến ra Dương Liễu nhằm giải tỏa, tái chiếm cứ điểm.
Trên đường kéo quân đến Đèo Nhông, dù địch đã trinh sát kỹ, cho ném bom và bắn phá ác liệt dọc hai bên đường nhưng vẫn không phát hiện được lực lượng phục kích của ta. Trong khi đó bom, pháo của địch bắn phá liên tục dọc đường. Đơn vị Trung đoàn 2 (đơn vị chủ lực), phối hợp với đại đội 72 bộ đội địa phương tỉnh vẫn bình tĩnh chờ lệnh xuất kích.
Đến 15 giờ 30 phút cùng ngày, khi xe và bộ binh địch đi đầu chạm trán sát tuyến phục kích của ta tại Đèo Nhông, lực lượng của ta đã nhanh chóng khép kín vòng vây bằng cách khóa đuôi tại Đá Dốc (Diêm Tiêu), toàn bộ lực lượng của địch đều nằm gọn trong đội hình phục kích và bị tấn công. Từ trên các cao điểm, hỏa lực của ta cấp tập nhả đạn vào đúng đội hình trung tâm của đối phương.
Trận đánh diễn ra quyết liệt, cho đến 17 giờ chiều cùng ngày, quân ta đã tiêu diệt hoàn toàn lực lượng ứng cứu của địch. Kết quả, ta đã tiêu diệt và bắt 858 tên địch, bắn cháy 10 chiếc xe bọc thép M113, thu 391 khẩu súng các loại.
Chiến thắng Đèo Nhông – Dương Liễu đã góp phần cùng quân, dân Khu 5 và miền Nam làm phá sản hoàn toàn chiến lược Chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ.
Chiến thắng này đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng vũ trang Quân khu 5, bẻ gãy chiến lược “trực thăng vận, thiết xa vận” của địch.
Ngày kỷ niệm chiến thắng Đèo Nhông – Dương Liễu hàng năm trở thành ngày hội xuân của người dân Phù Mỹ. Sau phần lễ trang trọng tưởng nhớ những người đã khuất, đông đảo người dân tham gia vào các trò chơi giải trí như đua thuyền trên đầm Trà Ổ, hát bài chòi, chơi thể thao…
THU DỊU – HOA KHÁ
chiến thắng, Đèo Nhông – Dương Liễu, kháng chiến chống Mỹ, Phù Mỹ, Bình Định, chiến tranh