Xã hội

Thân chính khách, phong cách… giang hồ

PN - Người ta bảo ở đâu có Tư Huy, ở đó có tiếng cười. Không sai. Người ta cũng có lúc thấy anh... cáu nhưng liền sau đó là một giọng cười khà khà rặt Nam bộ. Má anh cũng thấy như vậy. Chỉ có anh mới biết lúc nào mình rơi nước mắt…

1. Thấy con đã nghỉ hưu mà ngồi nhà không yên, hết trả lời điện thoại chỗ này, rồi gợi ý, tư vấn cho chỗ kia, bà mẹ chín mươi tuổi xót ruột: Con ơi, tối ngày cứ ý kiến này nọ hoài làm gì cho mệt vậy con. Liệu có còn ai chịu nghe con không? Nói rồi bà thở dài, còn thằng con trai nhìn mẹ, cười khà khà: má biết tính con má rồi mà còn hỏi... khó!

Tư Huy (tức Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM) khởi đầu cuộc trò chuyện như vậy khi được hỏi cái gì là của riêng Nguyễn Thành Tài với tư cách là một chính khách trong suốt chặng đường 40 năm Sài Gòn được giải phóng.

Anh bảo “Bà già ở Đồng Tháp, ông già ở An Giang, còn tao được ổng bả cho ra đời trên bước đường mưu sinh loạn lạc tới Sài Gòn làm cơ sở cách mạng. Vì vậy, cái máu của người Nam bộ và Sài Gòn ngấm vô tao từ nhỏ.

Thẳng thắn, bộc trực, nghĩ sao nói vậy. Nói được thì làm được. Nếu tóm tắt, thì Tư Huy này giác ngộ lý tưởng sớm, tham gia cách mạng sớm, làm việc bằng cái tâm của mình, suy nghĩ bằng chính cái đầu của mình chứ tao không có ô dù từ nhỏ đến lớn và không hề nuối tiếc về con đường mình đã chọn. Đến bây giờ, tức là lúc đã nghỉ hưu, anh không chỉ đam mê mà còn nhiệt tâm với những điều mình đang làm. Tao hãnh diện vì đã sống, suy nghĩ, chiến đấu và làm việc hết mình vì lý tưởng. Điều anh cảm thấy hạnh phúc nhất của một người đã nghỉ hưu là vẫn còn rất nhiều đồng đội, đồng chí của anh có cùng suy nghĩ như anh, mặc dù bây giờ tiêu cực nhiều lắm, có những điều muốn… chửi thề lắm... nhưng tao cũng như nhiều người khác không mất niềm tin...”.

Tư Huy là vậy. Lúc xưng tao mày như... giang hồ thứ thiệt, lúc anh em như bằng hữu thân quen. Lúc “nóng trong người”, cũng buột miệng chửi thề, nhưng khi nguội, anh biết ngay rằng mình có lỗi. Có lỗi thì xin lỗi, có người giận tím mặt vì những lời nói sốc của anh trước đó, nghe lời xin lỗi của Tư Huy, họ cũng xí xóa bỏ qua. Họ quá biết con người của Tư Huy bộc trực, thẳng thắn, không để bụng mà tất cả vì nhiệm vụ, vì công việc.
Nhưng chính sự bộc trực đã giữ anh lại trên con đường thăng tiến.

Dư luận từng đồn thổi ghế bộ trưởng này, thứ trưởng nọ đang dành cho anh và nếu anh là người quan tâm đến chức tước, hẳn anh thừa sức leo lên, chỉ cần “bớt dập chút, chịu dạ chút và né những việc khó một chút”.

Với Tư Huy, cái ghế cũng chỉ để… ngồi mà làm việc, làm việc vì cuộc sống, vì hạnh phúc của nhân dân mình. Thế thôi!

Ông Nguyễn Thành Tài (bìa phải) trao đổi với các đồng chí lãnh đạo TP.HCM.

2. Khi miền Nam giải phóng, Tư Huy được điều về tiếp quản một địa bàn không chỉ nghèo nhất thành phố mà còn “nổi tiếng” qua câu vè bất hủ: “Ăn quận năm, nằm quận ba, hát ca quận một, trấn lột quận tư”. Anh bảo, mình sinh ra đâu phải làm quan mà vốn chỉ là thằng học sinh sinh viên xuống đường đấu tranh nên lo lắm. Một là có làm được không với cái địa bàn phức tạp khét tiếng từ thời trước giải phóng? Hai là làm như thế nào để quận không những hết nghèo mà còn phải trở thành một quận văn minh, văn hóa để chứng tỏ tính ưu việt của chế độ cách mạng? Không nhận thì thôi, còn nhận thì phải làm hết trách nhiệm. Vừa lắng nghe, học hỏi, nghĩ ngợi, tìm tòi và quan trọng hơn hết là tập hợp sức mạnh tập thể, đồng lòng chung tay, chung sức.

Dân ở đây là dân tứ xứ, tha phương cầu thực, nghèo sát đất nên chẳng còn gì để mất, mà đã… điếc (thế) thì còn gì sợ súng! Nói vậy thôi, chứ dân quận 4 tuy nghèo, tuy có vẻ “Lương Sơn Bạc”, nhưng rất biết trọng chữ tín. Bởi khi khảo sát, có đến 65% người dân… thờ Quan Công! Vì vậy, để bà con nghe mình thì điều đầu tiên là phải giữ chữ tín. Hứa là làm, nói phải thực hiện.

Nói xây nhà là xây nhà, xây trường là xây trường. Làm sao để người dân ở đây tin chính quyền và tự hào là quận có văn hóa. Hai nhiệm kỳ làm chủ tịch, quận 4 đã thay đổi thiệt. Không chỉ quận đã thoát nghèo, trở thành niềm tự hào cho người dân mà còn là quận đi đầu được nhiều người biết đến trong việc sử dụng bố trí cán bộ theo năng lực chứ không theo cơ cấu, vùng miền. Anh nửa đùa nửa thật: “Bắc, Trung, Nam ở đâu cũng có người tốt người xấu. Anh em Nam bộ có tiếng là bộc trực thoải mái, nhưng cũng có thằng cà chớn bỏ mẹ...”.

Ông Tư Huy đi thăm điểm cai nghiện tập trung.

3. “Về hưu cái gì cũng có thể xuống, nhưng cái đầu nhất định không để tụt hậu. Khi đánh giá sự việc đừng nhìn con số mà hãy nhìn bản chất vấn đề”, anh nói. Trong tham luận “Thành phố Hồ chí Minh - 40 năm hành trình đổi mới” đọc trong hội thảo khoa học được tổ chức tại Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ vừa rồi, Tư Huy nhắc lại một hành trình tự hào của người dân thành phố được Bộ Chính trị xác định là một đô thị đặc biệt, một trung tâm về nhiều mặt: kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế… TP.HCM là đầu tàu, là động lực phát triển có sức lan tỏa rất lớn cho cả khu vực phía Nam. Còn nhớ, sau giải phóng, cả nước bị cấm vận 20 năm, lạm phát tăng lên mức khủng đến ba con số, mà cơ chế thì bao cấp, quan liêu, giáo điều, ngân khố rỗng. Tình hình biên giới vô cùng nguy cấp. “Trong tình hình ấy, không đổi mới, mình (TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung) chết chắc”.

Lo cho dân nhiều hơn, làm cho dân không còn nghèo chính là phẩm hạnh lớn nhất của một đảng cầm quyền.

Nhưng ý tưởng khởi xướng đổi mới không phải do tài năng của một cá nhân nào mà chính nhờ sự năng động, sáng tạo của người dân TP. Hồ Chí Minh đã chỉ ra con đường đổi mới hiệu quả để phát triển. Trong hành trình 40 năm ấy, kinh tế thành phố và cả nước năm 2014 được đánh giá khá nhất. GDP đạt 5,93% trong khi chỉ tiêu đặt ra là 5,8%. Xuất khẩu đạt 150 tỷ USD. Tỷ giá ổn định. Lãi suất ngân hàng giảm. Chính trị ổn định, tiềm lực phòng thủ của đất nước được tăng cường, công tác đối ngoại gặt hái được những thành quả nổi bật. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận sự phát triển này chưa bền vững. Năng suất lao động thấp.

Trên cả nước có gần 400.000 doanh nghiệp còn hoạt động (số đăng ký gấp đôi), nhưng 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí rất nhỏ, sao đủ sức cạnh tranh trong điều kiện hội nhập với kinh tế thế giới. Ngân sách thu vượt nhưng chi thiếu vững chắc. Nhu cầu chi lớn, năng lực chi có hạn. Chi đầu tư phát triển giảm (16%), chi thường xuyên, an sinh xã hội tăng, chiếm hơn 60%.

Theo anh, như vậy là không ổn. Năm 2015, tròn 40 năm thống nhất đất nước, nhiều sự kiện chính trị, văn hóa - xã hội quan trọng diễn ra, cũng kéo theo nhiều chi phí, e rằng sẽ tốn kém không ít. Tư Huy trầm ngâm: Món quà kỷ niệm có ý nghĩa lớn nhất, sâu sắc nhất, nhân bản nhất cho các sự kiện này chính là tiết kiệm. Tiết kiệm để lo cho dân nhiều hơn, làm cho dân không còn nghèo chính là phẩm hạnh lớn nhất của một đảng cầm quyền. Thành phố này, đất nước này cũng cần, rất cần những tư duy đột phá về cơ chế chính sách, tháo dỡ mọi ràng buộc bất hợp lý để mọi người và mọi doanh nghiệp được tự do làm ăn.

Ông Tư Huy với cán bộ nữ TP.HCM.

4. “Trong một lần anh đi nước ngoài tham quan học tập mô hình cai nghiện ma túy, mới bước chân vô khách sạn, có cậu thanh niên chạy tới kêu: bố! bố! Bụng bảo dạ chết mẹ, mình có thằng con nào mà lang thang ở đây. Rồi chắc nó cũng hiểu nên nhanh nhảu giải thích: bố không nhớ con hả, con ở trường (cai nghiện) của bố nè. Ra trường xong con sang đây... Nghe nó nói mà mình hạnh phúc dễ sợ. Ít ra đề án tập trung cai nghiện của thành phố đã không làm cho nó mặc cảm, không làm cho nó ghét mình...”.

Tư Huy vẫn rất hồ hởi khi nói về đề án tổ chức, quản lý, dạy nghề cho người sau cai nghiện do cả Đảng bộ và nhân dân thành phố đề xuất, bảo vệ và được Quốc hội thông qua cho TP.HCM thí điểm thực hiện từ năm 2004. Với anh, thành phố không chỉ lo cho đời sống người dân về vật chất mà cùng với phát triển kinh tế, phải thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội. Đề án ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu bức bách của một thành phố có trên 30.000 người nghiện, trong đó hơn 80% người nghiện ở độ tuổi lao động (18 - 30).

Anh nói, nếu tính bình quân mỗi người nghiện xài 50.000đ/1 tép/1 ngày thì với 32 ngàn người nghiện mỗi ngày họ xài bao nhiêu tiền? Hơn nữa có đến 90% người nghiện không có nghề nghiệp thì họ lấy tiền đâu ra để mà “phê”, nếu không trộm cắp, cướp giật… Anh tâm sự, lúc trình đề án trước Quốc hội anh lo lắm, sợ mọi người không đồng ý vì luật phòng chống ma túy không cho phép. Nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, kết quả đã có 84% ý kiến thông qua. Điều này khiến nhiều người đã nói đùa, lẽ ra phải phong ông Tài là viện sĩ mới đúng. Luận án tiến sĩ chỉ cần sáu ông giáo sư phản biện, còn đề án này cả Quốc hội phản biện!

Bốn năm thực hiện thí điểm cai nghiện tập trung, được dạy nghề, được dạy văn hóa, kết quả không chỉ tội phạm giảm rõ rệt, tình hình an ninh trật tự ổn định mà có mười mấy học viên trong trường theo học đại học từ xa, có mười đôi nghiện và nhiễm HIV yêu nhau được tổ chức cưới tập thể, có vài em sau cai nghiện tìm được việc làm ở nước ngoài… tuy kết quả chưa được nhiều, nhưng ít ra đó cũng là hướng đi đúng. Anh tâm sự, chớ nên nói tiền ít hay nhiều cho một cuộc đấu tranh giành lại sự sống, giành lại nhân cách con người.

***

Người ta bảo ở đâu có Tư Huy, ở đó có tiếng cười. Không sai. Người ta cũng có lúc thấy anh... cáu nhưng liền sau đó là một giọng cười khà khà rặt Nam bộ. Má anh cũng thấy như vậy. Chỉ có anh mới biết lúc nào mình rơi nước mắt…

NGUYỄN THIỆN

www.phunuonline.com.vn

Nguyễn Thành Tài, ông Nguyễn Thành Tài, ông Tư Huy, chính trị gia, giang hồ, cốt cách Nam bộ, phó chủ tịch thường trực, cán bộ


      © 2021 FAP
        838,189       162