Xã hội

Chung tay thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm

PN - An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đang là vấn đề đau đầu của các ngành chức năng và người tiêu dùng, đặc biệt là với các bà nội trợ.

Từ những việc nhỏ

Tờ mờ sáng, dì Võ Thị Tuyết Hoa - Chi hội trưởng Chi hội PN KP.2, P.6, Q.10, TP.HCM đã cắp nón lá, cuốc bộ một vòng dọc các con đường xung quanh chợ Nguyễn Tri Phương để… tìm đồ ăn sáng. Nhà có đứa cháu bán đồ ăn, nước giải khát trước cửa, nhưng dì hay đi ăn bên ngoài. Dì lân la hết hàng này đến hàng khác. Người trong khu phố quen gọi dì là “bà Hoa ăn hàng”.

Dẫn chúng tôi đến một gánh xôi bên đường, dì nói: “Làm một chân rết tuyên truyền ATVSTP, muốn người ta nghe hướng dẫn của mình, trước hết mình phải mua ăn thử để biết thức ăn họ bán ra sao. Nếu phát hiện họ dùng phẩm màu, không đảm bảo vệ sinh... với tư cách một khách hàng, mình góp ý cho họ sẽ hiệu quả hơn một tuyên truyền viên chỉ đứng nói suông”.

Dì Hoa cho biết, nhiều năm nay, các chân rết tuyên truyền ATVSTP trên địa bàn phường đã áp dụng cách bắt chuyện, tạo thiện cảm với người bán rồi mới góp ý, tuyên truyền. Nhờ vậy, những người kinh doanh nhỏ lẻ tại khu phố nói riêng và P.6 nói chung luôn đảm bảo ATVSTP.

Đến Hội LHPN Q.Gò Vấp, ập vào mắt mọi người là giàn mướp, dưa leo lúc lỉu quả. Bà Trần Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch Hội LHPN Q.Gò Vấp khoe: “Hàng tháng vườn rau này thu hoạch hơn 10kg mướp cùng với dưa leo, cà chua, cải xanh và rau các loại phục vụ bếp ăn của cơ quan. Các cơ sở Hội cũng đã thành lập 12 câu lạc bộ “Vườn rau dinh dưỡng” với 217 thành viên, nhằm phục vụ nhu cầu dinh dưỡng và an toàn sức khỏe gia đình”.

Trên địa bàn quận có hàng ngàn cơ sở kinh doanh thực phẩm chế biến, nhiều nơi sử dụng các loại thuốc tăng trưởng, hóa chất bảo quản, tạo màu, mùi vị… Hằng năm, Hội LHPN Q.Gò Vấp đều tổ chức “Tháng hành động vì chất lượng VSATTP” đến 22 cơ sở Hội bằng cách treo băng rôn, panô tuyên truyền về ATVSTP ở nơi đông người, các tuyến đường chính; vận động chủ quán ăn tại địa bàn dân cư đăng ký quán ăn an toàn; hướng dẫn cơ sở sản xuất, kinh doanh đăng ký cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP… Trong năm 2014, các cấp Hội đã vận động 73 quán ăn đăng ký quán ăn an toàn và 61 ngành hàng ăn uống kiểu mẫu tại năm chợ…

Đến một số chợ tại Q.6 như Phú Lâm, Phú Định, Hồ Trọng Quý, Bình Tiên… khách hàng sẽ nghe nhiều chuyên đề về ATVSTP phát qua loa phóng thanh hoặc nhận được những tờ bướm tuyên truyền về ATVSTP và phòng chống dịch bệnh. Hội PN các chợ còn tổ chức thực hiện phong trào “Người kinh doanh mới” để các tiểu thương đăng ký thực hiện.

Hội PN các cấp, các địa phương cùng thực hiện VSATTP từ những việc rất nhỏ như kiểm tra các điểm nấu ăn dịch vụ đường phố, tuyên truyền đến các hàng quán...

Kiên trì tuyên truyền

Bà Nguyễn Huỳnh Như Oanh - Phó chủ tịch Thường trực Hội LHPN Q.6 cho biết, theo quy định, không được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ (chỉ có hai lao động trở xuống); bán hàng rong; kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn không yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt theo quy định…

Nhưng thực tế, trong 1.000 cơ sở, sản xuất kinh doanh trên địa bàn thì có phân nửa cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ. Điều này gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý, hướng dẫn chủ cơ sở làm giấy chứng nhận đúng theo quy định hiện hành. Nhiệm vụ của Hội PN là tập trung tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ này. Tuy nhiên, để tất cả các hộ kinh doanh nhỏ lẻ chấp hành là việc không dễ.

Dì Võ Thị Tuyết Hoa cho biết, với các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, cửa hàng ăn uống, việc tiếp cận của những tuyên truyền viên như dì Hoa gặp không ít khó khăn. “Nhiều lúc đến nơi thì không gặp được chủ, chỉ gặp được nhân viên nên nói không hiệu quả. Đối với những người bán hàng rong, muốn tiếp cận, tạo thiện cảm để vận động, tuyên truyền thì trước hết phải bỏ tiền ra ăn uống, cho dù đó là món mình không muốn ăn, không muốn mua” - dì Hoa trăn trở.

Bà Trần Thị Thanh Nhàn băn khoăn: “Địa bàn Q.Gò Vấp có tỷ lệ dân nhập cư cao, thường xuyên biến động, hầu hết những người buôn bán hàng rong, xe đẩy đều từ địa phương khác đến. Mặc dù Hội luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác tập hợp, vận động. Các chị bận mưu sinh, không có thời gian tham gia. Bên cạnh đó, nhận thức người dân chưa cao, chưa quan tâm đến chất lượng hàng hóa, thực phẩm. Người tiêu dùng lại quá dễ dãi trong việc lựa chọn đồ ăn, thức uống cho mình, cứ nhìn bề ngoài bắt mắt là mua, mà không quan tâm đến nguồn gốc, chất lượng của sản phẩm.

Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của cán bộ Hội trong công tác tuyên truyền, vận động người kinh doanh ăn uống, thực phẩm... rất cần ý thức tự bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng”.

 HOA LÀI

www.phunuonline.com.vn

an toàn, vệ sinh thực phẩm


      © 2021 FAP
        809,088       1,587