Xã hội

'“Xẻ thịt' đất công lập… chợ trời

PN - Chợ trời này mọc lên nhờ sự hậu thuẫn của BQL chợ Hạnh Thông Tây. Đầu nậu ngang nhiên chiếm đất, chia ô sang lại cho người buôn bán hàng tự phát. BQL thì thu phí để … giữ trật tự cho chợ trời.

Tiểu thương điêu đứng

Chợ Hạnh Thông Tây có diện tích hơn 2.000m2, được xem là một trong những chợ lớn của Q.Gò Vấp. Nhìn từ xa, chợ có vẻ xôm tụ. Tuy nhiên, đó chỉ là vòng ngoài. Trong chợ, không dưới 100 sạp đang “trùm mền”. Những sạp mở cửa, chủ sạp chủ yếu ngồi “ngáp ruồi” vì ế ẩm. Chị L. (bán hàng quần áo) có ba sạp, nhưng buôn bán hàng tháng không nuôi nổi ba đứa con ăn học. Vừa qua, chị mang một sạp cho thuê làm kho giá 500.000đ/tháng; hai sạp còn lại cho thuê bán hàng quần áo giá một triệu đồng/sạp/tháng.

Cách sạp của chị L. không xa, chị H. cũng có ba sạp bán hàng giày dép. Khoảng hai năm trước, mỗi tháng chị H. lãi trên dưới 15 triệu đồng, nhưng khoảng một năm gần đây, càng bán càng lỗ. Vì vậy, hai vợ chồng chị quyết định mở một tiệm tạp hóa nhỏ ở nhà. Ba sạp trong chợ đang treo biển cho thuê giá 1,5 triệu đồng/tháng, nhưng đã hơn bốn tháng vẫn chưa ai thuê. Cạnh đó, chị T. có một sạp bán vải, nhưng cũng đang cho thuê làm kho.

Theo các tiểu thương, nguyên nhân do khoảng một năm gần đây, quán xá tự phát quanh chợ mọc lên như nấm, đã giành hết khách từ vòng ngoài. Chợ Hạnh Thông Tây lâu nay hoạt động mạnh chủ yếu từ khoảng 17g - 22g. Thế nhưng, cứ khoảng 17g hàng ngày, hàng trăm người từ nhiều nơi kéo đến buôn bán trên vỉa hè các tuyến đường xung quanh chợ. Trước đây, đa số những người này chỉ trải bạt bán trên vỉa hè, nhưng khoảng một năm gần đây họ ngang nhiên dựng sạp, lập ki-ốt.

Tiểu thương phản ánh, BQL chợ và UBND P.11 ra không biết bao nhiêu văn bản hứa hẹn sẽ dẹp, nhưng thực tế chỉ “bắt cóc bỏ đĩa”. Tiểu thương khiếu nại, các cơ quan chức năng than khó đủ đường. Vừa qua, nhiều tiểu thương bất ngờ phát hiện, “chợ trời” không thể dẹp được là do có sự hậu thuẫn của BQL chợ Hạnh Thông Tây thông qua việc thu phí chợ và phí đảm bảo an ninh trật tự hàng đêm cho chợ trời hoạt động.

Chợ trời hoạt động rầm rộ xung quanh chợ Hạnh Thông Tây

“Đầu nậu” lộng hành

Chúng tôi đã thu thập được nhiều bằng chứng cho thấy phản ánh của tiểu thương là có cơ sở. Buổi tối, các tuyến đường xung quanh chợ có trên dưới 400 người bán hàng tự phát. Phần lớn những người này đều lập thành sạp, ki-ốt, thậm chí có bàn ghế hẳn hoi. Hàng đêm, một nhân viên thuộc BQL chợ đều đặn đi thu phí. Mức phí vô tội vạ, có người 8.000đ/ngày, người 12.000đ/ngày…

Nhiều người bán xe đẩy hoặc chỉ đeo vài món hàng trước ngực cũng phải đóng từ 3.000 - 5.000đ/ngày. Tất cả người bán hầu như chỉ biết bị thu bao nhiêu, đóng bấy nhiêu, không ai dám phản ứng. Ngoài ra, hàng tháng, mỗi sạp còn phải đóng 150.000đ tiền phí đảm bảo an ninh trật tự. Người nhiều đóng tiền nguyên tháng, người khó khăn thì góp theo ngày.

Chính việc thu phí của BQL chợ Hạnh Thông Tây khiến những người bán tự phát ở đây luôn cho rằng mình buôn bán hợp pháp. Vì vậy, mỗi khi trật tự đô thị P.11 đến dẹp, họ phản ứng gay gắt. Chưa hết, việc thu phí của BQL chợ Hạnh Thông Tây còn khiến hàng loạt các vỉa hè, công viên các tuyến đường xung quanh chợ trở thành những dải “đất vàng”. Nhiều vỉa hè trên một số tuyến đường bị một số “đầu nậu” thâu tóm, chia mỗi ô từ 2m2 - 3m2 bán lại cho người kinh doanh để kiếm lời.

Trong vai người bán tự phát, chúng tôi thử chen chân chiếm một khoảng lề đường công viên phía sau chợ. Chưa đầy năm phút, có hai thanh niên đến đòi “xử” chúng tôi và cho biết ở đây đã có chủ rồi. “Đây là lề đường, ai giành được trước thì bán, sao lại đuổi tôi?”, tôi nói. Một thanh niên trợn mắt: “Muốn bán thì phải bỏ tiền ra, hàng tháng đóng phí đầy đủ. Mày không biết luật à?”. Chúng tôi đề nghị được gặp chủ để mua. Thanh niên này đề nghị phải đưa trước 50% tiền cọc mới được gặp chủ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dù là đất công, nhưng mỗi ô trên vỉa hè, lề đường ở đây được các đầu nậu hét giá từ 30 triệu - 45 triệu đồng. Người nào muốn kinh doanh phải bỏ tiền mua “chỗ”. Ngoài ra, hàng tháng còn phải đóng bốn triệu đồng “hụi chết” cho đầu nậu. Đó là chưa kể tiền phí phải đóng cho BQL chợ. Phần lớn những người bán hàng “chồm hổm” rất nghèo, nhưng do không có chỗ bán vẫn phải bỏ tiền ra mua.

Chị X. (bán quần áo trên lề đường phía sau chợ Hạnh Thông Tây) than: “Ngày nào tôi cũng bán đến gần 12 giờ khuya. Hàng tháng đóng phí cho chủ và BQL chợ, tôi chỉ còn lời khoảng hai triệu - ba triệu đồng. Nhưng được cái bán yên ổn, ít bị đuổi”. Nói về những “đầu nậu” mang đất vỉa hè cho thuê lại hiện nay, theo những người bán tự phát, ngoài một số người dân trong khu vực bỏ tiền ra thâu tóm rồi cho thuê lại, còn có một số cán bộ của BQL chợ Hạnh Thông Tây.

Nhân viên Ban quản lý chợ thu phí một người buôn bán tự phát

“Đẻ” phí để… giữ trật tự cho “chợ trời”

Đối với việc thu phí chợ, ông Phan Văn Sang - Trưởng BQL chợ Hạnh Thông Tây thừa nhận có thu hai loại phí: phí đất công và phí giữ gìn an ninh trật tự chợ. Trong đó, với những người bán lấn chiếm thềm xung quanh chợ, thu phí đất công theo quy định của thành phố là 4.000đ/m2/ngày, đêm. Những người bán lấn chiếm vỉa hè các tuyến đường xung quanh chợ thì thu phí an ninh trật tự theo thỏa thuận giữa BQL chợ và người bán.

Việc thu phí này được thực hiện theo sự phân định quản lý địa bàn tại công văn số 36/TB của UBND P.11. Theo đó, BQL chợ có nhiệm vụ quản lý các dãy phố nằm dọc hai bên và sau lưng chợ. Vì vậy, BQL đã thu phí hơn một năm nay nhằm đảm bảo an ninh trật tự cho họ bán.

Ông Sang còn cung cấp cho chúng tôi một số biên bản họp với giữa BQL chợ và các tiểu thương buôn bán tự phát bàn việc thu phí chợ. Tại biên bản này, ông Sang cho biết, việc BQL chợ quản lý những người bán tự phát là thực hiện theo chỉ đạo của UBND Q.Gò Vấp.

“BQL chợ thu phí người bán tự phát, đồng nghĩa với việc đồng tình cho họ bán, làm sao tiểu thương bên trong chợ buôn bán được?”, chúng tôi hỏi. Ông Sang nói: “Chợ tự phát đã hình thành rất lâu và ngày càng bành trướng, nên họ phải… sống chung với “lũ” thôi. Ban đầu họ cũng phản ứng lắm, nhưng sau đó nhiều tiểu thương còn đề nghị tôi thu người bán tự phát nặng hơn trong chợ, vì họ bán bên ngoài có lợi thế hơn trong chợ”.

Theo ông Sang, tiền thu được từ những người bán tự phát được nộp vào ngân sách của chợ, dùng để chi cho lực lượng bảo vệ chợ, công an phường, bảo vệ dân phố…

Tuy nhiên, ông Trương Thái Tân - Phó Chủ tịch UBND P.11, Q.Gò Vấp phản đối: “Lực lượng của phường không nhận bất kỳ đồng bồi dưỡng nào từ việc thu phí của BQL chợ Hạnh Thông Tây. Anh em làm việc chỉ nhận kinh phí hỗ trợ xăng xe từ ngân sách phường”.

Đối với việc thỏa thuận phân ranh quản lý địa bàn tại văn bản số 35/TB, ông Tân cho rằng, trong nội dung văn bản chỉ phân định, BQL chợ quản lý ngành hàng, hỗ trợ các hộ dân lập thủ tục kinh doanh khi có nhu cầu, thu thuế… Không có điều khoản nào cho phép BQL chợ thu phí. Việc BQL chợ thu phí không phải là chủ trương của phường. “Với thông tin một số đối tượng là cán bộ, người dân trong khu vực thâu tóm đất vỉa hè, phân lô buôn bán, chúng tôi sẽ kiểm tra, xử lý. Riêng chợ Hạnh Thông Tây do trực thuộc quận quản lý nên quận xử lý”, ông Tân nói.

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo UBND Q.Gò Vấp khẳng định: “Quận không có chủ trương thu phí đối với những người bán trên vỉa hè. Chúng tôi sẽ kiểm tra, xử lý”.

PHAN TRÍ

www.phunuonline.com.vn

chợ Hạnh Thông Tây, thu phí, chợ trời, chợ chồm hổm, tiểu thương điêu đứng


      © 2021 FAP
        861,052       392