PN - “Ngày 5/1, tôi đến trường tiểu học xã Phước Mỹ trình quyết định nhận nhiệm vụ mới nhưng việc điều chuyển giáo viên ở đây chưa xong nên tôi về” - thầy giáo Mai Văn Tòng, có thâm niên gần 22 năm làm hiệu trưởng, nói.
Thầy Tòng kể: “Tôi bắt đầu đi dạy học từ năm 1987, đến hết năm 1988 dạy ở xã Phước Kim. Năm 1989, tôi về dạy ở xã Phước Năng, đến năm 1993, tôi làm quyền hiệu trưởng rồi hiệu trưởng Trường tiểu học Phước Năng, sau đó là hiệu trưởng trường bán trú cụm xã vùng trung. Đến 2009, tôi làm hiệu trưởng Trường Tô Vĩnh Diện, xã Phước Năng. Tháng 8/2014, được điều về làm hiệu trưởng Trường Nguyễn Bá Ngọc ở thị trấn Khâm Đức thì tôi từ chức”.
“Vì nguyên nhân gì?”. “Tôi không ưng làm. Ông bà nói không sai “ngắn cổ kêu không thấu trời”, ở trong ngành xấu hổ, nói không ai nghe, nhiều khi tôi tức quá đi hỏi lãnh đạo huyện thì được trả lời là "xã hội nó rứa". Không ai giải thích được cho mình những vấn đề bức xúc. Tôi làm hiệu trưởng, bao nhiêu vấn đề giáo viên hỏi tôi không giải thích được, nên tôi chấp nhận nghỉ, không để anh em không tin tưởng mình”.
“Cụ thể anh bức xúc gì?”. “Tôi không nói được, lắm chuyện. Điều chuyển là bình thường, tôi chấp hành, nhưng Phòng GD-ĐT yêu cầu làm bản tự kiểm điểm, ghi rõ nguyện vọng, tôi ghi là: 1) Cho tôi ở lại làm hiệu trưởng trường Tô Vĩnh Diện để xây dựng trường này thành trường chuẩn quốc gia, bởi đây là nơi tôi gắn bó nhiều nhất, bỏ bao công sức xây dựng nhiều năm, giờ chỉ còn thủ tục giấy tờ là thành trường chuẩn. 2) Nếu không được, tôi xin lên xã vùng cao Phước Công làm hiệu trưởng bởi tính tôi thích ở rừng. 3) Nếu không được thì tôi xin từ chức. Một tháng sau, lãnh đạo phòng, công đoàn ngành kêu lên động viên, nhưng tôi không chịu, gửi đơn lần nữa. Từ ngày 1/1, tôi chính thức trở về làm giáo viên, thôi quản lý”.
“Anh thanh thản không?”. “Có, nhưng cũng bực, mà bực cũng chẳng giải quyết được chi. Theo điều lệ, hiệu trưởng làm không quá hai nhiệm kỳ/trường. Ở trường Tô Vĩnh Diện, tôi mới chỉ một nhiệm kỳ, cũng chẳng tha hóa, không gây mất đoàn kết nội bộ, không bị kỷ luật”.
“Bao nhiêu người tìm cách chạy chức hiệu trưởng, sao anh đã 22 năm làm hiệu trưởng, lại từ chức?”. “Tôi nghỉ làm hiệu trưởng, anh em nói tôi... khùng, nhưng tôi nói hãy làm đi, sẽ biết. Hiệu trưởng có trách nhiệm khác với vô trách nhiệm. Nhiều đêm không ngủ được, ai biết cho? Anh em nói ra làm giáo viên, khó lắm. Thật ra, tôi không phải trên trời rơi xuống, từng gùi 40kg gạo đi bộ cả ngày đường những ngày mới đi dạy, từng là giáo viên dạy giỏi, sướng khổ đã từng. Tôi quay về đúng nghĩa người thầy giáo, đi dạy rồi nghỉ hưu”.
Ông Lê Hà, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phước Sơn cho biết: “Ngày 6/9/2014, thầy Mai Văn Tòng có đơn từ chức, chúng tôi động viên, thuyết phục nhiều lần, nhưng thầy không chịu. Việc điều chuyển cán bộ quản lý là bình thường, thầy Tòng nằm trong nhóm đó. Nguyện vọng thầy xin ở trường Tô Vĩnh Diện là không được, lên Phước Công cũng không được vì xã vùng cao và nhiều vấn đề phức tạp, đưa thầy về trường Nguyễn Bá Ngọc ở trung tâm huyện là hợp lý. Thầy xin nghỉ thì đành cho nghỉ, chứ không phải kỷ luật gì, chúng tôi đưa về làm giáo viên xã Phước Mỹ”.
TRUNG VIỆT
làm hiệu trưởng, từ chức, nghề giáo