PN - Nếu đóng học phí trễ thì sẽ bị thu thêm phụ phí trễ hạn, thậm chí còn bị đuổi học… là những hình thức “phạt” mà nhiều trường tư thục đang áp dụng khiến học sinh bị tổn thương, phụ huynh thì ngao ngán.
Phạt tiền và cho thôi học…
“Buổi chiều, khi tôi đi làm về, đứa con năm tuổi chạy ra phụng phịu: Ai bảo mẹ không đóng tiền, nên cô Hà, cô Thảo không cho con vào học nữa. Rồi bé ôm riết lấy tôi mà khóc”, một phụ huynh (PH) của trường mầm non H.L. (P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân, TP.HCM) bức xúc.
Vị PH này chọn gửi con theo học tại trường mầm non H.L. suốt ba năm qua. Trường quy định PH phải đóng học phí từ ngày 1 đến ngày 5 hàng tháng, cứ đến ngày 30 là trường gửi giấy báo đóng tiền về. Chị T. cho biết: “Tháng 12 này, vì những lý do của cơ quan nên tôi lãnh lương hơi trễ và không kịp đóng học phí cho con đúng hạn. Vì vậy, chiều ngày 8/12, khi đến đón con, tôi được cô giáo nhắc nhở. Tôi có nhờ cô giáo nhắn lại với nhà trường là đến ngày 10 tôi sẽ đóng, vì ngày 9 tôi mới được lĩnh lương. Tuy nhiên vào sáng hôm sau, 9/12, khi chồng tôi đưa con đến lớp thì các cô nhất quyết không nhận cháu vào học vì lý do chưa đóng học phí”.
Chị Hồng Thảo (Q.Tân Phú) kể, khi đến tìm hiểu đăng ký cho con học tại trường mầm non A.H. (Ba Vân, P.14, Q.Tân Bình) chị đã “dội ngược” từ phòng ghi danh. Thay vì tận tình tư vấn về chất lượng nuôi dạy trẻ, nhân viên của trường lại đặc biệt chú trọng vào chuyện tiền nong.
Theo đó, tiền học bán trú mỗi tháng dao động từ 3,1-3,9 triệu đồng tùy vào độ tuổi. Nếu trẻ được nhận vào học, PH phải đóng phí cơ sở vật chất hai triệu đồng/năm, khoản tiền này sẽ không được hoàn lại trong bất kỳ trường hợp nào. Đáng nói, nếu đóng học phí trễ quá 10 ngày, PH phải chịu thêm 5% phụ phí trễ hạn trên tổng số tiền chưa thanh toán.
Nếu chậm trễ sau 15 ngày, trường có quyền từ chối nhận bé tiếp tục học tại trường. Không chỉ đóng "lãi" trễ hạn học phí, trường này còn thu tiền học thử chứ không như các trường khác, trẻ có thể vào chơi thử vài ngày để tập thích nghi với môi trường trước khi học thật. Học phí học thử là 150.000-180.000đ tùy theo lứa tuổi.
Nhiều PH cho biết họ cảm thấy ngao ngán với kiểu cách kinh doanh giáo dục như trên. Ở nhiều trường mầm non, khi PH đến tìm hiểu thông tin để gửi con vào học, thì thông tin đầu tiên mà họ nhận được là “những quy định về học phí”. Có trường còn ràng buộc PH sẽ phải chịu phạt lãi suất ở mức cao hay thấp tùy thuộc vào việc đóng học phí trễ nhiều hay ít. Cũng từng xảy ra trường hợp các cô đuổi trò ra khỏi phòng ăn vì PH chưa kịp đóng tiền. Chuyện sinh viên không được dự thi hết môn vì chưa hoàn thành nghĩa vụ học phí cũng diễn ra nhan nhản ở các trường đại học…
Nhà trường đừng làm tổn thương học sinh vì đối xử sòng phẳng như kinh doanh thuần túy - Ảnh minh họa: Phùng Huy
Giáo dục là hàng hóa đặc biệt
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bị thu thêm phụ phí trễ hạn, thậm chí là nhà trường từ chối cho trẻ học tiếp, là do lỗi PH nộp học phí trễ hạn - điều này thì ai cũng biết. Nhưng ai cũng cảm thấy ngậm ngùi khi môi trường giáo dục đậm “mùi” tiền bạc, cư xử sòng phẳng đến mức vô cảm.
ThS Hà Thị Kim Sa, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Hồng Hà (Q.Gò Vấp) chia sẻ: Chậm đóng học phí đúng là sẽ khó cho nhà trường, nhưng làm giáo dục không thể đẩy học trò ra khỏi trường. Các em sẽ mặc cảm thế nào nếu bạn bè biết được em đó bị cho thôi học vì không đóng tiền? Mỗi học kỳ, trường có trên 15% học sinh (HS) nợ học phí, tiền ăn, nhưng vẫn phải gánh.
Có nhiều trường hợp nợ lâu quá, trường phải chuyển sang miễn giảm học phí cho các em luôn nên số tiền miễn giảm học phí năm nào cũng lên đến hơn một tỷ đồng. Các trường sẽ có những khoản quỹ, khuyến học… để hỗ trợ HS.
Tương tự, năm nào Trường THCS-THPT Thái Bình (Q.Tân Bình) cũng có năm-bảy HS nợ học phí. Trường chấp nhận cho nợ đến khi nào có thì trả. Nếu quá khó khăn thì trường vận động những PH khá giả tài trợ, thậm chí hiệu trưởng và chủ trường cũng tài trợ cho các em. Có trường hợp nợ học phí đến 70 triệu đồng nhà trường vẫn cho rút hồ sơ mà không làm khó.
Cũng thế, tại trường Quốc tế Á Châu, khi PH đóng học phí trễ, nhà trường sẽ khéo léo nhắc nhở bằng thư gửi riêng cho PH, chứ không thu thêm tiền lãi hay đuổi học HS.
Hiệu trưởng một trường THPT ở Q.Phú Nhuận phân tích: Đóng học phí là trách nhiệm của người đi học, nhà trường, nhất là trường tư, dù không tính đến yếu tố lợi nhuận thì cũng cần kinh phí để hoạt động. Hơn nữa, trường tư được quyền định ra mức học phí và được quyền từ chối những “khách hàng” không làm tròn trách nhiệm học phí.
Nhưng, với môi trường giáo dục, thật khó sòng phẳng như kinh doanh thuần túy, bởi khách hàng là trẻ em. Các em đến trường không chỉ học chữ mà còn học nhân cách từ thầy cô và những cá nhân ở ngôi trường đó. Vì vậy, các trường cũng hết sức cân nhắc, tránh làm tổn thương tinh thần của HS, nhất là các em ở lứa tuổi mầm non.
MINH NHẬT - TIÊU HÀ
chậm đóng học phí, chậm đóng tiền, nhà trường, hình phạt