Xã hội

Cán bộ tiêm chủng đọc thiếu chữ nên tiêm nhầm vắc-xin

PNO - Ông Thắng trực tiếp đến tủ lấy vắc-xin, nhưng chỉ để ý đến chữ uốn ván mà không để ý chữ khác. Sau khi tiêm cho 31 thai phụ, chỉ đến khi thu dọn bàn tiêm, cán bộ này mới phát hiện sai sót.

Chiều 27/12, Bộ Y tế, UBND tỉnh Bắc Ninh, Trung tâm Chẩn đoán và sàng lọc trước sinh - Bệnh viện Phụ sản Trung ương, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có buổi làm việc với Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh. Các chuyên gia đều khẳng định: vắc-xin ngừa ho gà - uốn ván - bại liệt an toàn với thai phụ.

Sớm xử lý nghiêm sai phạm

Ông Nguyễn Hạnh Chung, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh cho rằng, vụ tiêm nhầm vắc-xin cho thai phụ vừa qua có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Về chủ quan, cản bộ y tế thực hiện tiêm đã không tuân thủ đúng quy trình. Buổi tiêm chủng hôm đó, cán bộ tiêm chủng chính có việc gia đình nên nghỉ, Phó trưởng y tế xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn là Nguyễn Quyết Thắng tiêm thay.

Theo tường trình, ông Thắng trực tiếp đến tủ lấy vắc-xin, nhưng chỉ để ý đến chữ uốn ván mà không để ý chữ khác. Sau khi tiêm cho 31 thai phụ, cán bộ này cũng không phát hiện, chỉ đến khi thu dọn bàn tiêm thì mới phát hiện sai sót.

Cũng theo ông Chung, ngay sau khi sự việc xảy ra, Sở đã yêu cầu Giám đốc Trung tâm y tế thị xã Từ Sơn thực hiện quy trình xử lý nghiêm đối với ông Nguyễn Quyết Thắng, là người đã tiêm nhầm vắc-xin cho 31 sản phụ vào ngày 20/12 vừa qua. Kết quả xử lý sẽ báo cáo về sở chậm nhất vào ngày 9/1/2015.

Đứng về chuyên môn, TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tỏ ra lo lắng về trách nhiệm của cán bộ y tế: “Tinh thần trách nhiệm của cán bộ tiêm chủng quá thấp, lơ đãng, chủ quan, không tập trung. Đây là trách nhiệm của cá nhân cán bộ y tế. Sự nhầm lẫn này là điều không thể chấp nhận được, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của người dân vào ngành y tế nói chung và công tác tiêm chủng nói riêng. Theo quy trình tiêm chủng, khi tiêm cho bất kỳ ai, nhân viên tiêm chủng phải đối chiếu tên mẹ, tên con, tên vắc-xin, liều lượng đường tiêm... Vì thế, tôi đề nghị tỉnh xử lý nghiêm minh lỗi lầm trong tiêm chủng”.

Nhiều bằng chứng chứng minh vắc-xin tiêm an toàn

TS Hiển cũng đưa ra khuyến cáo để người dân yên tâm, vắc-xin DPT (bạch hầu - ho gà - uốn ván) mà các thai phụ bị tiêm nhầm không ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của bà mẹ và sự phát triển của thai nhi.

Theo khuyến cáo của WHO, nhiều nước châu Âu và Mỹ đã tiêm-vắc xin DPT phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván cho phụ nữ mang thai từ 3 tháng trở lên. Tại Việt Nam, đã có nghiên cứu đánh giá tính sinh miễn dịch của vắc-xin này cho 50 phụ nữ mang thai 20 - 32 tuần ở huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Kết quả cũng cho thấy vắc-xin an toàn khi tiêm cho thai phụ.

Năm 2011, Ủy ban tư vấn về thực hành tiêm chủng Mỹ đã khuyến cáo tất cả phụ nữ có thai trước đây không tiêm phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván nên được tiêm ở giai đoạn sau tuần thứ 20 của thai kỳ để truyền kháng thể thụ động đến thai nhi/trẻ sơ sinh nhằm tăng cường khả năng phòng bệnh cho trẻ, đặc biêt trong 3 tháng đầu của tuổi đời.

Vắc-xin DPT không qua nhau thai nên không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Hơn nữa, vắc xin này được tiêm cho phụ nữ mang thai từ 14 tuần trở đi, khi đó thai đã qua 3 tháng - giai đoạn phát triển thành hình, nên cũng không ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

TS Nguyễn Danh Cường, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán trước sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã trực tiếp khám, sàng lọc trước sinh cho các thai phụ bị tiêm nhầm vắc-xin. Các thai phụ và thai nhi ổn định, không có bất thường về thai nhi.

Sở Y tế cũng thành lập tổ tư vấn, theo dõi quản lý thai nghén cho các thai phụ đến khi sinh. Nếu thai phụ có nhu cầu đi khám, thậm chí là lên tuyến trên, nếu có bất kỳ vấn đề gì bất thường, cũng sẽ được miễn phí.

Như Phụ Nữ Online đã đưa tin, vào ngày 20/12 vừa qua, thay vì tiêm vắc-xin AT (uốn ván), nhân viên Trạm y tế xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã tiêm vắc-xin DPT (bạch hầu - ho gà - uốn ván) cho 31 phụ nữ đang mang thai.

BẢO THOA

www.phunuonline.com.vn

tiêm nhầm vắcxin, tiêm phòng uốn ván, vacxin DPT


      © 2021 FAP
        809,250       2,041