Xã hội

Một tấm lá lành

PN - Từ ngày 28/12, trên địa bàn TP.HCM, những người ăn xin, người sống lang thang trong các khu vực công cộng không có nơi cư trú nhất định, sẽ được đưa vào các cơ sở xã hội.

Sự đồng thuận này cũng có một nguồn gốc sâu xa: người ta ghê sợ những đường dây chăn dắt trẻ em, người già, người tàn tật. Những đường dây này đã gom một lượng “quân” lớn, tập trung, phân công dàn cảnh, đóng giả có, và lợi dụng những tật nguyền thật của con người cũng có, phơi bày vết thương, căn bệnh, nỗi khốn khổ của mình nơi góc ngã tư ngã năm, nơi lề đường, trong công viên… nhằm đánh động, lợi dụng lòng trắc ẩn của người đi đường.

Những đồng bạc mà vì không thể nhắm mắt, không thể làm ngơ bỏ qua, người ta thương tình bỏ vào chiếc thau ăn xin cho họ, thì sau đó lại được thu gom để vào túi bọn đầu nậu, lại thành bia bọt, hút xách. Lòng tốt đã bị lợi dụng. Nên nay, khi có chủ trương này, người ta sẵn sàng hưởng ứng.

Sự đồng thuận này không phải ngẫu nhiên. Nó bắt nguồn từ một thử nghiệm đã thành công cách đây gần 10 năm ở một thành phố miền Trung - Đà Nẵng. Những ngày Đà Nẵng khởi công hàng loạt những dự án lớn chỉnh trang đô thị, làm cầu, làm đường, giải tỏa, quy hoạch, thành phố này cũng đã đồng thời tiến hành những chỉnh trang về bộ mặt dân cư. Việc tập họp người ăn xin, người vô gia cư được làm khá quyết liệt. Kết quả là những con đường mới, rộng, đẹp, thẳng tắp của Đà Nẵng đã bớt hẳn những hình ảnh lê la nhếch nhác, du khách đến tham quan không bị chèo kéo, van vỉ, xin xỏ, ép mua hàng...

Người dân thành phố mong muốn nơi mình sống cũng sẽ được như vậy, mong muốn mỗi buổi sáng buổi chiều trên đường đi làm không còn phải thấy cảnh những đứa trẻ bị phơi nắng nằm thiêm thiếp trước một chiếc nón ngửa ra, những người bệnh tật lê vết thương của mình chìa tay trước mặt người qua lại. Quay mặt bỏ đi thì không nỡ, mà rút tiền ra lại nghĩ đến những kẻ chăn người, nghĩ đến ngày mai ngày kia rồi sẽ nhiều hơn những người khốn khổ ấy, góc phố nào, đèn đỏ nào cũng có hình ảnh bần cùng, xin mà buộc người ta không thể không cho…

Sự đồng thuận này cũng được đảm bảo bằng một cách làm “có hậu” của thành phố: một mặt kêu gọi không cho tiền người ăn xin, một mặt tạo cho họ những mái ấm để được nuôi dưỡng, tạo cho họ những công việc phù hợp, giáo dục, kêu gọi mưu sinh bằng lao động chân chính, và làm rõ nguồn gốc để có thể cùng với địa phương nơi họ cư trú giải quyết tận gốc tình trạng người vô gia cư. Người bệnh sẽ được đưa về cơ sở y tế để có sự chăm sóc điều trị phù hợp. Người già cả sẽ được đưa về cơ sở nuôi dưỡng. Trẻ em sẽ được nuôi dạy. Vậy là họ đã không còn là một tập hợp những “người ăn xin” chung chung, không phải đại diện cho những khốn cùng cần được đối xử bằng lòng thương hại.

Họ đã được nhận diện cá nhân hơn với những chính sách phù hợp cho từng nhóm người. Những khó khăn được giải quyết một cách căn cơ, bền vững trên năng lực của thành phố và sự hảo tâm thực lòng của những người muốn làm từ thiện đến nơi đến chốn. Những người đang làm việc, đang lao động mỗi ngày trong thành phố sẽ yên lòng, sẽ bớt áy náy khi quyết định không cho tiền người ăn xin trên hè phố, bởi họ biết những đóng góp của mình qua những kênh như thuế, phí… sẽ được dùng một phần cho an sinh xã hội, để những người cơ nhỡ có nơi đón nhận và giúp đỡ thật lòng.

Đây có thể coi là một tấm lá lành được chủ động dành riêng để đùm lá rách, theo kiểu không phải rách đâu đùm đó, mà được làm bài bản hơn, sâu hơn, nhân văn hơn.

Thành phố Hồ Chí Minh vốn nổi tiếng cưu mang và nuôi dưỡng những giấc mơ lập nghiệp của tất cả mọi người đến từ mọi nơi, dù tay trắng. Nơi đây, nhiều người có được niềm tin rằng, ai chịu khó làm việc, chịu khó lao động và vươn lên bằng chính khả năng của mình đều có thể đạt tới thành công. Thành phố đang cố gắng biến tình thương, lòng nhân ái, sự chia sẻ của mọi người dành cho nhau thành một nền tảng vững vàng hơn, đồng thời động viên được những người còn có thể làm việc, còn có thể lao động để tự nuôi sống bản thân. Thành phố không ngoảnh mặt với những phận đời khốn khổ. Đấy chính là cơ sở của niềm tin, cơ sở của sự đồng thuận đang lan nhanh trong lòng người dân, trước một chủ trương xã hội được đưa ra đúng lúc, đúng với mong đợi của mọi người.

 HẰNG PHƯƠNG

www.phunuonline.com.vn

ăn xin, tập trung người lang thang, đưa vào cơ sở xã hội


      © 2021 FAP
        864,064       314