Xã hội

‘Bó rau muống’ của thầy tôi

PNO - Năm ấy, chủ nhiệm tôi là thầy Đặng Thành Nguyên, dạy môn toán. Tôi ghét toán nên tôi cũng ghét lây cả thầy, giờ toán với tôi chán, ngán và cực hình dễ sợ. Thế nhưng mọi chuyện thay đổi khi một biến loạn xảy ra trong lớp.

Tôi dùng từ “biến loạn” vì ai đời đi học mà hơn nửa lớp không làm bài tập, số còn lại chỉ làm đối phó một hoặc hai bài, không phải lũ học sinh chúng tôi đang làm loạn thì còn gọi là gì nữa?

Như thường lệ, thầy kiểm tra bài tập chúng tôi trước khi bắt đầu bài mới. Kết quả, hơn nửa lớp không làm bài tập. Thầy trút một tiếng thở dài, nỗi thất vọng chảy tràn qua gương mặt.

Thầy im lặng. Thầy cho chúng tôi học bài mới. Thầy quay lưng ghi tựa đề lên bảng, chúng tôi ngồi dưới nói chuyện xì xào như tằm ăn rỗi. Thầy quay xuống đưa mắt nhìn một lượt “cái chợ” vẫn không ngớt.

Thầy đặt mạnh cuốn sách xuống bàn, nhìn 45 cô cậu học trò. Tiếng xì xào nhỏ dần và im hẳn. Đứa nhìn thầy, đứa cúi đầu nhìn vào mấy trang sách. Không khí nặng nề bao trùm. Tôi cúi gằm mặt xuống bàn. Một nửa không làm bài tập, lớp trong đó có tôi.

Tôi làm gì mà không làm bài tập? Tôi phải ngủ sớm để 1 giờ sáng còn phải đi cạo mủ cao su. Cao su khi ấy có giá lắm, không học về cạo mủ cũng có tiền sống phà phà, lo gì. Vì vậy mà tôi lẹt đẹt lắm mới bò lên lớp được lớp 12.

Tôi cũng có ước mơ đấy chứ, ước mơ tôi thành một nhà báo. Thế nhưng, tôi lại học dốt đặc nên ước mơ ấy quả là xa xỉ. Xa xỉ kiểu như một đứa con nhà nghèo xơ xác, cơm còn không có ăn mà mơ vàng bạc, châu báu vậy.

Thầy đi xuống lối giữa lớp: “Các em làm gì mà không làm bài tập”?

Mấy chục cái miệng vài phút trước còn hăng hái nói chuyện bỗng nhiên im như hến, cạy miệng cũng không nói một câu. Thầy tiếp: “Thầy biết các em còn phải phụ ba mẹ gặt lúa, nhặt tiêu, nhặt điều, cạo mủ cao su, thậm chí có em còn đi làm mướn. Các em có thể không cần học vẫn có thể kiếm được tiền để sống. Không học các em có thể về cuốc vườn, trồng cây. Nhưng muốn trồng cây, các em cũng phải hiểu cách chăm sóc thế nào để cây cho quả ngọt. Các em muốn cạo mủ cao su thì các em cũng phải cạo thế nào để không vào xương (gỗ), mủ nhiều, không chỉ cạo miệng ngửa mà cả miệng úp nữa. Các em đi làm công nhân, người ta cũng ưu tiên tốt nghiệp THPT…Để hiểu được người ta nói thì bản thân cần hiểu biết và có kiến thức các em ạ. Kiến thức không ai vứt sẵn cho các em lượm mà phải học”.

Thầy bước về bàn giáo viên, gấp cuốn sách toán cho vào cặp, đưa mắt nhìn một lượt học sinh, nén tiếng thở dài… Thầy tiếp: “Khi thầy còn đi học, thầy cũng phải đi làm như các em bây giờ. Nhưng khác một điều là thầy nghèo hơn các em bây giờ rất nhiều (thầy nhấn mạnh chữ rất). Buổi chiều thầy lội xuống ao rau muống bỏ hoang hái loại rau muống tím, chát và khó ăn. Người ta thấy thầy ngày nào cũng hái nên hỏi: “Cháu hái về cho lợn ăn hả”? Các em biết thầy trả lời sao không? Thầy nói: “Dạ, cháu hái về cho lợn ăn. Đã mười mấy năm trôi qua thầy vẫn nhớ như in câu hỏi và câu trả lời ấy, và thầy sẽ còn nhớ mãi các em ạ. Sự thật, những bó rau muống ấy chính là bữa cơm chiều của cả gia đình thầy”…

Đến đây, thầy dừng lại. Tôi thấy nghẹn ứ ở cổ họng, và thầy cũng vậy. Không khí im lặng bao trùm. Mãi một lúc sau thầy mới nói tiếp, giọng thầy lạc đi: “Các em may mắn hơn thầy nên các em cần ráng học. Tiết này thầy cho các em nghỉ, thầy sẽ xin phép nhà trường dạy bù lại cho các em”.

Thầy bước ra khỏi lớp, trong lớp vẫn im lặng khác thường. Lòng tôi nặng trĩu. Câu chuyện thầy vừa kể một lần nữa tái hiện trong đầu, tôi may mắn hơn thầy. Sự thật mười mươi là vậy. Không ai đánh, không ai chửi mà tôi lại ứa nước mắt.

Câu chuyện thầy kể đã tác động đến tôi thật dữ dội. Sáu tháng nữa là đến kì thi tốt nghiệp, có kịp không? Tôi là học sinh dốt của một lớp được đánh giá là lớp yếu nhất trong khối 12.

Xem toàn bộ diễn đàn “Giáo dục trong mắt tôi” tại đây.

Tôi lao vào học điên cuồng, không mong mình sẽ khá, chỉ mong tôi tìm lại những thứ căn bản đã bị bỏ qua.

Ngày nhìn vào cột điểm thi tốt nghiệp tôi không tin vào mắt mình khi được 39,5 điểm và môn toán được 8,5 điểm. Tôi đậu tiếp vào trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình II. Hết 3 năm cao đẳng, tôi liên thông lên đại học.

Dẫu tôi còn đang non nớt, chỉ là tập sự nhưng hơn ai hết, tôi biết mình đã chọn đúng con đường. Ước mơ không còn là xa xỉ, nó đang từng bước trở thành sự thật.

Đã gần 6 năm rồi còn gì, không chắc thầy còn nhớ tôi? Nhưng nhìn thấy tôi từ xa thầy đã gọi: “Quyên hả”?

Thầy vẫn nhớ cô học trò ngồi trong lớp chỉ biết làm dáng làm duyên, không lo học. Thầy vẫn gọi đúng tên tôi: “Quyên, ngồi bàn thứ ba, bàn thứ hai bên dãy bàn giáo viên nhìn xuống”.

Như thế, với tôi, là quá đủ. Có biết bao năm qua với bao thế hệ học sinh phía sau, ngoan hơn tôi, giỏi hơn tôi…nhưng thầy vẫn nhớ tên và cả vị trí ngồi của tôi.

Thế đấy các bạn ạ, đôi khi chỉ một điều nhỏ nhoi cũng đủ để làm thay đổi cả một con người, cả một thế hệ. Tôi đã ăn hết “bó rau muống” đắng chát nghẹn ứ cổ họng, ngấu nghiến nó với lòng biết ơn vô hạn dành cho thầy.

Không hẳn lúc nào cũng đòn roi, không hẳn lúc nào cũng phải đánh đập, chửi mắng thì những đứa học sinh như tôi mới nên người.

PHẠM QUYÊN (Tân Khai, Hớn Quản, Bình Phước)

Thông qua những trải nghiệm, chứng kiến, suy tư của mình về trường lớp, mối quan hệ thầy – trò, quan hệ giữa các nhà giáo, chương trình dạy – học, chính sách giáo dục, công tác quản lý, sách giáo khoa, dịch vụ giáo dục, sản phẩm giáo dục… hãy viết và gửi bài cho diễn đàn “Giáo dục trong mắt tôi” của phunuonline.com.vn.

Kính mời bạn đọc gửi bài, ý kiến qua các địa chỉ:

- Mở trang chủ phunuonline.com.vn, vào mục Gửi bài ở cuối trang
- Hoặc theo địa chỉ email: xahoi.phunuonline@gmail.com
- Hoặc viết vào phần bình luận phía dưới mỗi bài viết của diễn đàn.

Cuối bài ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản (nếu ở ngoài TP.HCM - để tiện gửi nhuận bút).

Phụ Nữ Online trân trọng cảm ơn sự cộng tác của bạn đọc.

www.phunuonline.com.vn

diễn đàn giáo dục, tôn sư trọng đạo, tình nghĩa thầy trò, thầy và trò


      © 2021 FAP
        864,150       617