PN - Ngay khi tôi đang rơi vào từ trường của những ngày nắng đông Hà Nội, cái thứ nắng trong vắt man dại mà trời vẫn buốt lạnh như ánh nhìn của một người điên,
Cô ấy còn có bút danh là Di. Và cô ấy mới 19 tuổi. Tập truyện ngắn đầu tay của Di gợi nhớ nhiều đến những nhân vật của Rừng Na Uy, những người trẻ mong manh, lơ lửng, lúc nào cũng thấy đau và sẵn sàng chết! Trong tập truyện có trích câu thơ của Lưu Quang Vũ:
"Thành phố thời anh mười bảy tuổi
Viển vông cay đắng u buồn"
Tôi chợt nhận ra "thành phố thời 17 tuổi" của thời đại nào hóa ra cũng thế thôi, thời thắp đèn dầu, trả lương bằng lốp xe của Lưu Quang Vũ hay thời đi xe mui trần, nhấn nút like để nhận ra nhau của Di, đều "viển vông cay đắng u buồn".
Ảnh: Ngọc Hồ |
Tôi nhớ thuở thiếu thời tôi cũng thường mong mỗi ngày qua đi cho cái chết tới, chấm dứt mọi khổ nạn, chán chường, đen bạc và dối trá ở đời... Ấy thế rồi bản năng sống khiến tôi phải chối bỏ mọi viển vông, không được phép đau buồn. Thậm chí có thời tôi rất xấu hổ khi nói đến nỗi buồn, sự đau khổ, cô đơn. Tôi cho rằng đấy là dấu hiệu của người chưa lớn, thiếu hiểu biết và yếu đuối, không làm được tích sự gì...
Ngay lúc này đây tôi biết, bạn tôi đang một mình rong ruổi trên những đỉnh núi sương giá để mang áo ấm, gạo và sách vở đến cho những trẻ em vùng cao nghèo, đói, lạnh.
Ngay lúc này đây tôi biết, trước khi được cứu, 12 công nhân gặp nạn dưới đáy sâu hầm lò muốn đánh đổi tất cả chỉ để được nhìn thấy bầu trời. Bạn có thể bảo với Di rằng hãy đứng dậy mà lên núi, xuống lò, đi thì sẽ hết muốn chết, sẽ hết viển vông và sống cho ý nghĩa hơn.
Nhưng tôi muốn nói một lời thanh minh cho Lưu Quang Vũ, cho Di, cho những giống loài "viển vông cay đắng u buồn".
Hãy nghe lời tựa tập truyện ngắn đầu tay do Di viết, một nhà văn "thời 17 tuổi": "... một nhà văn giỏi là một nhà văn có thể dùng câu chữ của họ để cứu một vài người khác... Tôi thực mong những điều này sẽ xoa dịu mỗi chúng ta một chút. Bởi thế giới này chắc chắn sẽ khiến chúng ta đau lòng. Đó là điều chắc chắn. Không phải hy vọng, không phải tuyệt vọng. Nó rõ ràng như ánh sáng và bóng tối, những vì sao. Nó rõ như bạn, như tôi, như người lớn, như trẻ nhỏ. Như cái sự sáng rồi lại tối rồi lại sáng và vĩnh hằng."
Các bạn thấy đấy, họ đau buồn và muốn chết không phải vì họ không biết yêu, không biết quan tâm, không muốn làm điều thiện mà đơn giản chỉ vì họ quá yêu đời sống này, quá lý tưởng, mơ mộng, họ chưa bị tôi rèn để có thể chịu được những tục trần của cuộc sống. Họ là một giống loài trong sáng, mong manh. Ẩn trong nỗi đau buồn cay đắng viển vông của họ là cái thiện, là tấm lòng trong trắng, là sự thủy chung ngay ngắn với những xác tín về phẩm giá của mình.
Ở vào lứa tuổi đôi mươi mọi thứ đều quá đẹp. Với những trái tim nhạy cảm thì những rung động về cái sự "quá đẹp" ấy trở nên sắc như lưỡi dao lam! Đẹp thường đi với buồn. Sống là mặt kia của sự chết. Bằng vào nỗi buồn và ý nghĩ về cái chết, những người trẻ mong manh ấy thực ra đã tôn vinh cái đẹp của sự sống này và những giá trị chân thiện mỹ mà loài người hằng lưu giữ, đeo đuổi...
Rồi họ cũng sẽ như tôi, như nhiều người trong chúng ta, lớn lên, già đi, chai sạn, không còn khả năng đau buồn tới muốn chết. Rất có thể rồi họ sẽ tập làm người bình thường, biết lo toan, chấp nhận những gì đang diễn ra, nói những điều phải chăng, giấu mình đi để sống sót, không bị mọi người coi là dở hơi hay dị biệt, cuộc sống trở nên dễ thở hơn nhiều.
Thế nhưng, trong thẳm sâu họ vẫn sẽ thấy mình là một loài cá khác. Cho dù có luôn cẩn thận để trái tim không phát sáng giữa ban ngày làm cho họ trở nên có màu sắc khác biệt với bầy đàn thì thực sự là họ vẫn khác biệt. Sự khác biệt của một loại cá thân trong suốt, thích rong chơi trong cuộc đời này với trái tim phát sáng.
Có phải thế chăng mà vào những ngày nắng đông, tôi thường đột nhiên buồn nhớ một cái gì to lớn lắm, như thể trong tôi một con tàu Titanic đã bị đánh chìm xuống đáy đại dương.
HÀM ANH
Ngọn lửa nhỏ, Nắng đông, mong manh, viển vông, tâm hồn