Xã hội

Nhiều học sinh bị đòn oan vì mắc bệnh…sợ môn học

PN - Dù chỉ số thông minh và các kỹ năng tương tác xã hội bình thường, nhưng trẻ lại “vật vã” với việc đánh vần, đọc hiểu, làm toán, phân biệt màu sắc… do rối loạn chuyên biệt trong học tập.

Khả năng học bị giới hạn

TS Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM, kiêm cố vấn chuyên môn Trường chuyên biệt Bim Bim TP.HCM cho biết, cách đây vài ngày đã tiếp nhận bé trai T.S. (học lớp 2) bị rối loạn chuyên biệt về học môn toán. Theo lời bà của bé, từ lúc học lớp 1, mỗi lần đến giờ học “bé làm quen với toán” thì cháu đã không tập trung, không thích học và thường khều các bạn bên cạnh để nói chuyện riêng.

Nhiều lần bị cô giáo phạt đứng trước lớp, nhưng rồi S. vẫn chứng nào tật nấy. Để S. tập trung học tập, cô giáo xếp bé ngồi dãy bàn đầu. Dù bé cố gắng nghe giảng bài, nhưng vẫn không hiểu và kiểu “dị ứng” này chỉ xuất hiện khi gặp môn toán. Nhiều lần cô giáo phàn nàn với ba mẹ bé S., nhưng do công việc bận rộn nên chỉ có dì hoặc bà của bé đến gặp cô giáo.

Trong phiếu liên lạc gửi gia đình, cô giáo phê: “Học sinh S. luôn nói chuyện trong giờ học môn toán nên không hiểu bài. Khi cô giáo nhắc nhở, em cũng không hợp tác, thậm chí tỏ thái độ chống đối. Đề nghị gia đình quan tâm, nhắc nhở”.

Dì của bé S. cho biết, bé rất ngoan và lễ phép, nhưng thấy cô giáo nhắc nhở nhiều lần nên đã đưa bé đi khám. Sau khi kiểm tra chỉ số thông minh, các bác sĩ cho biết bé hoàn toàn bình thường, không mắc bệnh tăng động khiến mất tập trung với môn toán. Sau nhiều lần kiểm tra, các chuyên viên phát hiện, khi tập hát, tô màu, đánh vần, ghép chữ… bé đều tập trung và rất ngoan, nhưng khi học môn toán thì bé… “dội ngược”, trở thành một đứa trẻ hoàn toàn khác.

Các chuyên viên tâm lý tiếp tục cho bé học môn toán của lớp 1 (thấp hơn trình độ môn toán bé đang học) nhưng bé vẫn khó khăn và chậm chạp. Các bác sĩ chẩn đoán, bé S. bị chứng rối loạn đặc hiệu học tập với môn toán và tư vấn phụ huynh trình bày với nhà trường cho bé học môn toán phù hợp với khả năng, các môn khác học theo chương trình bình thường. Tuy nhiên, cô giáo không được “tiết lộ” với các bạn cùng lớp, tránh để bé mặc cảm.

Đầu tháng 12, mẹ của bé gái T.P.V. (bảy tuổi, Q.Tân Bình) đã đến Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM xin cấp giấy xác nhận là bé V. hoàn toàn bình thường, chứ không bị khó khăn về vấn đề đánh vần như chẩn đoán trước đây. Đề nghị này bị các bác sĩ từ chối vì phải ghi đúng tình trạng tâm lý để bé V. có chương trình học tập phù hợp ở trường.

Trao đổi với bác sĩ, mẹ của bé V. cho biết: “Tôi biết con bị rối loạn chuyên biệt học tập với môn đánh vần, nhưng khi cô giáo cho bé học môn đánh vần “nhẹ” hơn các bạn cùng lớp thì bé bị bạn bè phân biệt. Cô giáo giải thích V. bị rối loạn về học tập thì cả lớp ồ lên và từ đó hay chọc ghẹo khiến con tôi mặc cảm. Vì vậy, tôi tìm đến các bác sĩ xin xác nhận giấy khám sức khỏe khác”. Không chỉ có bé V., mỗi tháng, BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận hai-ba trẻ bị rối loạn chuyên biệt về học tập.

TS Ngô Xuân Điệp đang điều trị hỗ trợ cho trẻ khó khăn về học tập

Do “cấu trúc não bộ trục trặc”

Rối loạn chuyên biệt trong học tập là rối loạn phức tạp thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau như: rối loạn ngôn ngữ nói, rối loạn đọc, rối loạn học viết, rối loạn học toán…, chiếm từ 4-5% trẻ trong độ tuổi bắt đầu đi học. Trẻ bị rối loạn chuyên biệt trong học tập là do cấu trúc não bộ bị trục trặc, dù chỉ số thông minh hoàn toàn bình thường. Bệnh này thường gặp ở trẻ sinh non, trẻ có mẹ hút thuốc lá, sử dụng ma túy, nghiện rượu trong quá trình mang thai, nhiễm rubella...

TS Ngô Xuân Điệp cho biết, trẻ mắc bệnh này có chỉ số thông mình bình thường nhưng lại khó khăn về học tập và thường bị “yếu” ở một môn nhất định; trong khi mọi kỹ năng sinh hoạt, mối quan hệ xã hội đều tương đối bình thường. Trẻ bị rối loạn học tập môn toán sẽ rất khó khăn khi thực hiện phép tính, nhất là tính nhẩm; chậm chạp để xác định được con số, cộng trừ nhân chia bị hạn chế…

Rối loạn về học viết thì trẻ thường không phân biệt được bên phải bên trái, không phân biệt được chữ d và chữ b. Những trẻ bị rối loạn viết thường hay viết mất dấu, mất chữ, hay đặt câu không đúng trình tự: “mẹ đi vắng” thành “vắng đi mẹ”, “bóc chuối” thành “cởi chuối”. Rối loạn về đánh vần thì trẻ không đánh vần được, không ráp được các chữ dù hiểu ý nghĩa của chữ viết.

Rối loạn về đọc tức là trẻ đọc được nhưng không hiểu… Do đó, gặp những môn học mà mình bị rối loạn chuyên biệt, trẻ sẽ không muốn nghe thầy cô giảng bài, bị ức chế tâm lý và không tập trung. Thế nhưng vì trẻ không thuộc nhóm chậm phát triển nên thầy cô cho rằng trẻ không hợp tác, thậm chí chống đối.

ThS-BS Phạm Minh Triết, Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1 khuyến cáo: trẻ ít khi được phát hiện ra bệnh rối loạn chuyên biệt, trừ khi thầy cô giáo phàn nàn với phụ huynh về môn học của trẻ. Khi đến khám, bác sĩ sẽ kiểm tra chỉ số thông minh, nếu chỉ số thông minh thấp thì được chẩn đoán mắc bệnh chậm phát triển tâm thần.

Ở trẻ bị chậm phát triển tâm thần thì môn nào học cũng yếu. Với trẻ không bị chậm phát triển tâm thần, chỉ số thông minh hoàn toàn bình thường, nhưng không tập trung ở tất cả các môn học là do mắc chứng tăng động kém tập trung. Nếu trẻ chỉ yếu một môn học, các môn còn lại đều học bình thường thì có nguy cơ bị rối loạn chuyên biệt trong học tập.

Theo ThS-BS Triết, trẻ rối loạn chuyên biệt trong học tập vẫn cho học ở các lớp hòa nhập bình thường, nhưng với môn học bị hạn chế thì nhà trường nên có chương trình riêng phù hợp. Các bậc cha mẹ, thầy cô thấy trẻ học không tập trung, không nên cho rằng trẻ lười biếng, la mắng, đánh đòn trẻ. Tình trạng này kéo dài sẽ làm trẻ bị rối nhiễu tâm lý, ảnh hưởng đến sự hình thành tính cách của trẻ sau này.

VĂN THANH 

TS Ngô Xuân Điệp khuyến cáo, cha mẹ nên cho trẻ mắc bệnh rối loạn chuyên biệt trong học tập gặp các bác sĩ, chuyên viên tâm lý để được giúp cách học tập thích hợp hơn. Việc này rất quan trọng, giúp trẻ không thường xuyên đối mặt với thất bại. Nếu trẻ chỉ khó khăn đơn thuần trong học tập do yếu tố: gia đình, văn hóa xã hội, kinh tế, quá trình dạy - học thì chỉ mang tính tạm thời và dễ thay đổi; trong khi rối loạn chuyên biệt thì khả năng học tập của trẻ bị hạn chế, cần có sự điều chỉnh việc học phù hợp cùng với điều trị hỗ trợ thời gian dài. Trẻ hai-ba tuổi có thể tầm soát chứng rối loạn chuyên biệt trong học tập bằng cách kiểm tra khả năng phân biệt màu sắc cơ bản, phân biệt trên dưới, to nhỏ, nặng nhẹ, kim đồng hồ dài ngắn…
www.phunuonline.com.vn

rối nhiễu tâm lý, bị đòn oan, sợ môn học, học sinh


      © 2021 FAP
        857,472       718