PNO – Mọi sự dặn dò, nhắc nhở trong Di chúc của Bác đều thắm đượm tinh thần phục vụ dân. Điều quan trọng là Đảng phải củng cố và xây dựng lòng tin đối với dân, phục vụ dân ngày càng tốt hơn.
Các đại biểu phát biểu tại tọa đàm.
Sáng 13/12, tại Hội trường TP.HCM, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức Tọa đàm khoa học Kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với chủ đề “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Nguồn sáng dẫn đường” với sự tham dự của đông đảo nhà nghiên cứu, nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn, các nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ.
Vấn đề được nhân dân kỳ vọng là phải xử lý cho được tình trạng tham nhũng, lãng phí, đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, lợi dụng chức quyền của những người chưa thấm nhuần tinh thần phục vụ nhân dân. Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo |
Hơn 80 bài tham luận gửi về cùng gần 15 tham luận, ý kiến trình bày trực tiếp tại tọa đàm tập trung vào 5 nhóm vấn đề cơ bản, đó là những giá trị trường tồn của bản Di chúc; về tinh thần phục vụ nhân dân; giải pháp xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, âm mưu và hoạt động của các thế lực thù địch; bồi dưỡng lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.
Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm, bà Thân Thị Thư, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh: Di chúc của Bác là văn kiện lịch sử vô giá, là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Bác với Tổ quốc, với nhân dân, thực sự là "nguồn sáng dẫn đường" cho chúng ta đi. Di chúc của Bác là công trình lý luận về xây dựng và củng cố Đảng cầm quyền, là những lời dặn dò, vạch đường, chỉ lối cho chúng ta xây dựng đất nước theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Di chúc của Bác như là một kế hoạch, một chương trình hành động của toàn Đảng, toàn dân về sự nghiệp xây dựng đất nước sau chiến tranh. Di chúc còn là tác phẩm nghệ thuật mang tính nhân văn cao cả, làm lay động lòng người.
Phân tích những lời căn dặn của Bác Hồ về công tác xây dựng Đảng, nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua cho rằng: Cốt lõi vẫn là cán bộ, đảng viên sát dân, hiểu dân, lo cho dân, luôn vì dân, phục vụ dân, "nói đi đôi với làm", nói ít làm nhiều, khi đó thuyết phục, lôi cuốn được, vận động được đông đảo nhân dân cùng thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Các quan điểm sai trái xuất hiện không ngẫu nhiên, mà từ chính những điều kiện hiện thực, từ khiếm khuyết của hệ thống. Do đó, tin vào dân, mở rộng dân chủ, tạo nên môi trường xã hội phổ biến trong đấu tranh chống tham nhũng cũng là cách phòng chống tích cực các quan điểm sai trái, nghĩa là chống từ trong cội nguồn. PGS.TS Đinh Ngọc Thạch, Giám đốc Trung tâm Lý luận chính trị, Đại học Quốc gia TP.HCM. |
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM cho rằng mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân nước Việt như thấy mình được Bác gửi gắm, dặn dò. Mọi sự dặn dò, nhắc nhở đều thắm đượm tinh thần phục vụ dân. Điều quan trọng là việc củng cố và xây dựng lòng tin đối với dân, phục vụ dân ngày càng tốt hơn… Cần có cơ chế kiểm soát quyền lực và chế độ trách nhiệm cá nhân minh bạch. Cần làm cho bộ máy bớt cồng kềnh, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Cần tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính gây phiền hà cho dân. Cần khắc phục cho được bệnh thành tích, hoàng tráng, lễ lạt rình rang, đi nước ngoài rình rang... Cần nói nhiều, làm ít.
Trăn trở với câu hỏi làm thế nào để lời dạy của Bác trở thành hiện thực, tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên (Viện Ngiên cứu phát triển TP.HCM) cho rằng, những lời dạy của Bác về lối sống, đạo đức là dành cho tất cả mọi người, ai cũng có thể làm được. Nhưng lời dạy về tinh thần phục vụ nhân dân thì chủ yếu phải dành cho những người có chức quyền, có trách nhiệm quản lý và điều hành những công việc liên quan gián tiếp và trực tiếp đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Đồng tình, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa, Trưởng bộ phận chuyên trách Chỉ thị 03 – Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân trước hết thuộc về cán bộ, đảng viên của Đảng, công chức của Nhà nước, những người có trách nhiệm phục vụ nhân dân. “Trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, nếu không xuất phát từ lợi ích của nhân dân, thì các chủ trương, chính sách sẽ không được nhân dân ủng hộ và thực hiện. Ngược lại, khi hết lòng vì nhân dân, thì luôn luôn được dân kính trọng, tôn vinh”, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa nêu rõ quan điểm của mình.
NHẬT THỤY
di chúc Bác Hồ, thực hiện Di chúc