Xã hội

Tuổi hai mươi và những suất cơm nghĩa tình

PN - Hơn một năm qua, cứ vào ngày Chủ nhật cuối tháng, nhóm phát cơm từ thiện Hạt giống tâm hồn - Chi hội Phụ nữ KP.5, P.17, Q.Gò Vấp, TP.HCM

Từ ngày 20 của tháng, nhóm đã lên kế hoạch. Dũng và một vài hội viên, phụ nữ (HV, PN) của chi hội đến từng khoa, vào từng phòng của Bệnh viện Ung Bướu để phát phiếu ăn cho bệnh nhân hay thân nhân người bệnh. Các thành viên khác của nhóm lo đi chợ, nấu ăn. Nhóm có từ 10-15 người làm việc thường xuyên, đôi khi có thêm nhiều bạn sinh viên góp sức. Để có thể phát cơm vào lúc 8g30 ngày Chủ nhật, nhóm phải mất cả đêm để sơ chế, nấu cơm và thức ăn, chia thành từng suất. Mỗi suất từ 15.000-20.000đ, bao gồm cơm, thức ăn, một gói mì và một bịch sữa.

Bà Nguyễn Thị Túc, 72 tuổi, thành viên của nhóm cho biết: “Trước đây, Dũng dạy thêm miễn phí cho một nhóm học sinh nghèo trong khu phố. Dũng và nhóm học trò thường dùng tiền tiết kiệm mua bánh kẹo tặng cho trẻ em mồ côi ở chùa Kỳ Quang, Q.Gò Vấp. Thời điểm đó, chi hội Phụ nữ cũng có nhiều hoạt động tương tự. Chi hội đã bàn với Dũng, kết hợp nấu và phát cơm cho người nghèo. Vậy là nhóm phát cơm từ thiện Hạt giống tâm hồn của Chi hội Phụ nữ KP.5 ra đời”.

Dũng (bìa phải) và các thành viên chính trong nhóm Hạt giống tâm hồn

Lúc đầu chưa có nồi lớn, nhóm phải nấu nhiều lần bằng nồi cơm điện gia đình, mất khá nhiều thời gian. “Giao lưu” với các nhóm từ thiện khác, Dũng điều chỉnh ngày phát cơm không trùng với lịch của nhóm bạn để mượn nồi nấu. Nhiều sinh viên rất tích cực tham gia công việc thiện nguyện, tuy nhiên, những ngày cuối tháng thường rơi vào đợt thi. Các dì bên Hội Phụ nữ sẵn sàng “viện binh” ngay. Những lúc trời mưa, các thành viên của nhóm phải nghĩ ra nhiều cách để đảm bảo cơm đến tay bệnh nhân còn ấm nóng: ôm phần cơm vào lòng, phủ bạt lên thay vì che áo mưa... Khó khăn nhất của nhóm vẫn là vấn đề tài chính. Hiện, nguồn kinh phí để duy trì hoạt động, chủ yếu là vận động người thân, bạn bè, hàng xóm đóng góp.

Những suất cơm đã đến tay người khó khăn

Chị Phương Minh Dân, 47 tuổi, phụ trách đi chợ và nấu ăn vừa nói vừa giở quyển sổ ghi chép danh sách những Mạnh Thường Quân, cho biết: “Ngoài cuốn sổ này, Dũng lưu vào máy tính danh sách những người đóng góp từ khi thành lập nhóm đến nay. Việc thu chi hàng tháng rõ ràng nên các thành viên đều hài lòng về cách tổ chức của Dũng”.

Vào mùa thi đại học, nhóm còn được các dì, chị trong chi hội đóng góp kinh phí để tăng suất ăn, tiếp sức cho thí sinh. Khi được hỏi công việc ở nhóm có ảnh hưởng đến việc học, Dũng vui vẻ trả lời, nhóm có nhiều người, các dì các chị sẵn sàng “đứng mũi chịu sào” nên sắp xếp khá thuận lợi. Dũng cho biết, anh đang liên hệ với một công ty xin hỗ trợ để tăng số lượng suất ăn và tăng số lần phát cơm trong tháng (có thể hai-ba lần/tháng). Hiện, mỗi tháng nhóm phát khoảng 350-500 suất cơm, nhưng thường phải nấu thêm khoảng 20-50 suất dự phòng. Tổ chức công việc bài bản, kế hoạch cụ thể, người “đầu tàu” nhóm thiện nguyện Hạt giống tâm hồn được nhiều HV, PN tin tưởng, ủng hộ nhiệt tình.

 KIM CHI

www.phunuonline.com.vn

Tuổi hai mươi, suất cơm nghĩa tình, từ thiện


      © 2021 FAP
        809,410       1,871