PN - Thành viên tổ tư vấn cộng đồng của các cơ sở Hội trên địa bàn TP.HCM thời gian qua đã góp phần hóa giải hiệu quả nhiều trường hợp mâu thuẫn trong hôn nhân, gia đình, xóm làng.
TÌNH VÀ LÝ
Tại KP.2, P.1, Q.8 có con hẻm nhỏ với năm hộ gia đình sinh sống. Rác nhà này đẩy qua, nhà kia đùn lại riết thành “đề tài nóng”. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi thành viên của một hộ “trở chứng” cự cãi, thậm chí vác dao rượt hàng xóm. Biết sự việc, dì Trần Thị Thu Hà (SN 1963) chạy đến tìm hiểu. Chuyện tồn tại đã lâu, những người liên quan ai cũng cho rằng mình đúng. Dì Hà đi khảo sát thực tế, rồi kiên trì phân tích. Mời hòa giải lần một, lần hai thất bại vì các hộ còn “nóng” thành ra cũng nặng, nhẹ với dì đủ điều. Không phiền lòng, cũng không nản, dì Hà tiếp tục tổ chức hòa giải lần ba.
Cuối cùng, sau những lần... hậm hực, cả năm hộ cũng thống nhất “chung sống hòa bình”. Dì Hà khoe: “Mới đây, năm hộ này đã hùn tiền nâng cấp hẻm để tránh tình trạng ngập nước triền miên. Thời gian gần đây, có chuyện gì liên quan đến lợi ích chung thì các hộ đều bàn bạc, thống nhất ý kiến với nhau”.
Bữa tôi ghé nhà, dì Ngô Thúy Mùi (SN 1949, P.Phước Long A, Q.9) đang phân tích, tìm hiểu mấy “ca khó” cùng ông Chương Minh Chánh, Trưởng ban công tác Mặt trận KP.2, P.Phước Long A. Không phải đợi đến khi tham gia Tổ tư vấn cộng đồng, ngót 20 năm qua, dì Mùi đã là “người hòa giải mát tay” ở cơ sở. Hầu như có mâu thuẫn nào dù lớn dù nhỏ, chị em cũng chạy qua tâm sự với dì.
Hồi tháng Bảy vừa qua, chị M. làm công nhân, chồng là bảo vệ xảy ra mâu thuẫn vì chuyện “mẹ chồng - nàng dâu”. Chị M. bảo không thể chịu nổi sự xét nét của mẹ chồng. Mẹ chồng chị thì rất giận con dâu hay cằn nhằn, cư xử thiếu tế nhị. Bên cạnh đó, hai vợ chồng đi làm về mệt, chị M. thường trách chồng cứ lo “chuyện người dưng”, không dành thời gian cho vợ, con, không phơi áo quần, nấu hộ nồi cơm… Cứ thế, không khí trong nhà “nặng như chì”.
Dì Mùi đến tận nhà chị M. thăm hỏi, động viên từng người với tư cách một người bạn, người hàng xóm ghé chơi, sẵn tiện hàn huyên chuyện nhà cửa, bếp núc. Kết quả, gia đình chị M. trở nên hòa thuận, vui vẻ. Tuy nhiên, chuyện nhà vừa giải quyết xong thì đến tháng Mười, chị M. “dính thêm cú nữa”.
Người dân trong khu phố phản ánh chị M. không bỏ rác vào bao mà thường xuyên vứt tứ tung, thức ăn thừa chị đổ ra hẻm, gây mất vệ sinh. Chị cũng có nhiều lời lẽ khiếm nhã với những người góp ý. Dì Mùi không lấy cái trọng trách “bảo vệ quyền lợi chị em” áp đặt vào mọi tình huống. Chị M. có gì sai, dì góp ý thẳng thắn. Dì cũng từ tốn, cẩn trọng chia sẻ với mọi người. Trước những phân tích thấu tình, đạt lý của dì, chị M. đã cam kết không tái phạm. Tình nghĩa xóm làng lại được hàn gắn. Có lẽ vì thế mà bao năm nay, nhiều chị em ở P.Phước Long A gọi dì Mùi là người hàn gắn nghĩa tình.
Dì Ngô Thúy Mùi đang trao đổi với ông Chương Minh Chánh về hướng hòa giải một “ca khó” ở địa phương
CHỖ DỰA CỦA CHỊ EM
Là chủ một cửa hàng liên kết Hội Phụ nữ - Co.op tại xã Long Thới, huyện Nhà Bè, dì Nguyễn Thị Hoa (còn gọi là Sáu Hoa, SN 1961) được nhiều hội viên PN gọi bằng cái tên thân mật “Dì Sáu hòa giải”.
Trong năm 2014 này, dì đã cùng lực lượng hòa giải viên cơ sở giải quyết rất nhiều “ca khó” trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, đất đai. Cách đây chưa lâu, mới tờ mờ sáng người dân đã chạy đến nhà tìm dì Hoa báo vợ chồng chị T.M. (ấp 3, xã Long Thới) đang ”chiến tranh”. Dì vội vàng chạy đến nhà chị T.M. thì thấy chẳng khác gì bãi chiến trường. Chị T.M. ngồi khóc bù lu bù loa, hai đứa con co ro trong xó nhà, còn chồng chị thì ung dung đưa võng sau khi đã đốt tất cả quần áo của vợ.
Tìm hiểu nguyên nhân, dì biết được chị T.M. không có việc làm, ở nhà lo cơm nước, giặt giũ. Chồng chị tuy không rượu chè bê tha nhưng lại mê cờ bạc. Kinh tế khó khăn dẫn đến vợ chồng gây gổ triền miên. Hòa giải mấy lần không xong, chị T.M. còn đòi ly hôn. Trong khi đó, chồng chị lại tha thiết muốn gìn giữ tổ ấm. Dì Hoa đã kề cận chuyện trò với vợ chồng chị T.M. như người nhà. Dì nhận thấy khúc mắc lớn nhất của hai vợ chồng là cái tôi của mỗi người quá lớn, không ai chịu nhường nhịn ai. Bắt được “bệnh”, dì bắt đầu “ra toa thuốc”. Dì tâm sự rất nhiều về cuộc sống gia đình, về tương lai của những đứa trẻ cho chị T.M. và chồng nghe. Đồng thời, dì còn khuyên chị T.M. nên tìm việc làm phù hợp, có thể thu nhập hàng tháng không cao, nhưng khi có một khoản nhỏ để sẻ chia cùng chồng thì chị sẽ “dễ thở” hơn. Nhờ sự kiên trì của dì Hoa, chị T.M. thay đổi nhiều, vợ chồng dần hòa thuận.
Một “ca khó” khác mà dì Hoa đã hòa giải thành công là trường hợp chị L. bị chồng “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” vì ghen vô cớ. Chị L. có dãy phòng cho công nhân thuê. Chồng chị nói chỉ được cho nữ công nhân ở còn nam thì “cấm cửa”. Vậy là sinh ra mâu thuẫn. Chị L. nhiều lần bị chồng đánh, đuổi ra khỏi nhà. Tổ hòa giải mời ra làm việc nhưng chồng chị L. không hợp tác. Dì Hoa và các thành viên trong tổ tìm đến nhà nói chuyện. Trong hai lần hòa giải, dì Hoa đều viện dẫn các quy định của Luật Hôn nhân gia đình, Luật Phòng chống bạo hành gia đình ra phân tích. Chồng chị L. thú nhận mình có phần quá đáng với vợ và hứa sửa đổi.
Dì Hà, dì Mùi, dì Hoa... là những người đã hàn gắn nghĩa tình chòm xóm, gia đình cho nhiều trường hợp, trở thành chỗ dựa tin cậy cho nhiều hội viên, phụ nữ.
MẪN NHI
tổ tư vấn cộng đồng, hòa giải cơ sở