PNO – Tôi phải chen chân trong hội chợ sách cũ của Hà Nội hai ngày cuối tuần vừa rồi để tìm mấy cuốn văn học Nga. Mười mấy gian hàng trong không gian tổ chức hơi chật khiến khách nào cũng toát mồ hôi tìm sách.
Nhưng điều đó không khiến tôi bực mình mà ngược lại, rất vui vẻ và hứng khởi cùng chen chân, cùng tìm, cùng hỏi giá và cùng rút ví.
Độc giả chen chân tìm sách cũ ở đại hội sách cũ Hà Nội, diễn ra ở 176 Thái Hà hai ngày cuối tuần vừa qua - Ảnh: N.T.H.
Đến hội chợ sách là độc giả đủ mọi lứa tuổi, từ các cháu đang tuổi đọc truyện tranh Doraemon đến các cụ ông tóc bạc trắng, nhất định chỉ tìm sách Lenin toàn tập và sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Giá sách rất dễ chịu, không nhìn theo giá bìa nữa (vì có cuốn xuất bản từ những năm 70 thế kỷ trước, tiền còn theo đơn vị đồng). Sách chỉ bán từ 5.000 đồng đến 30.000 - 40.000 đồng một cuốn, đủ các chủng loại sách văn học, khoa học, lịch sử, địa lý, kinh doanh…
“Sách cũ Chiến”- một tấm biển vài chữ sơ sài, chữ được xếp kín 3 chiếc bàn tạo thành một hình chữ U, cả sách, cả khách hàng quây lấy ông chủ tên Chiến, tầm ngoài 50 tuổi, người mới bán sách cũ từ tháng 9 năm ngoái.
Khách hàng quen của ông Chiến gọi sách cũ nhà ông là sách 3 không: không cửa hàng, không người bán hàng và không túi nylon. “Như thế thì sách cũ càng rẻ hơn khi đến tay người đọc”, ông Chiến lý giải.
Nhà ông ở 27/28 Ông Ích Khiêm, không biển hiệu quảng cáo. Căn nhà nhỏ chất đầy sách, chủ với khách như người nhà, có khách đến ngồi đọc từ sáng đến tối mịt, đến khi chủ nhà đóng cửa mới về. “Khách quen đều là sinh viên, tôi thuộc làu sở thích của mỗi cô mỗi cậu. Người chuyên sách văn học, người chuyên sách kinh doanh”, chủ của Sách cũ Chiến cho hay.
Nhiều người thích sách cũ vì nó rẻ. Nhiều người thích sách cũ vì nó quý - nhiều cuốn không tái bản nữa từ hàng chục năm nay, hoặc giả sử có tái bản thì bị cắt xén, sửa chữa khác với những bản in đầu.
Tôi nghe một cô bé lùng sách cũ ở hội chợ: “Em thích ngửi mùi sách cũ. Những tờ giấy ố vàng, chữ thì mờ nhòe, có khi nhìn mãi mới ra nhưng cảm giác lật từng trang sách cũ, đọc lời tựa của ai đó từng viết lên, thấy là lạ”.
Ở Hà Nội có cả một con đường chuyện về sách cũ: đường Láng. Những cửa hiệu nho nhỏ, sách có khi nhiều quá, chủ nhà không xếp xuể trên giá. Khách vẫn thích đến những hiệu sách cũ như thế hơn là vào những hiệu sách mới, kính sáng choang, nhạc véo von, tính tiền bằng máy. Những người làm nghề như ông Chiến vẫn sống tốt ở giữa Hà Nội, bằng sách cũ, là nhờ thế.
Gọi là hội chợ sách cũ nhưng lần đầu tiên tổ chức ở Hà Nội, không gian còn nhỏ quá, gian hàng cũng ít quá, số người muốn đến đông, mà không gian chưa cho phép. Nếu tổ chức được mỗi năm một lần, mỗi lần cả tuần, cho các đơn vị kinh doanh hoặc tư nhân, miễn là có sách cũ đến để trao đổi sách, mua bán sách, thì thật là một lễ hội quá hay ở Hà Nội.
Người ta bảo văn hóa đọc của giới trẻ đang bị khủng hoảng, người ta thấy giới trẻ lên Facebook, YouTube nhiều hơn cầm cuốn sách, nhưng đến hội chợ sách cũ một lần thôi, ít nhiều ta nhận ra, những người vẫn yêu sách và ngày ngày tìm cuốn sách mình yêu và say mê nghiền ngẫm nó vẫn còn nhiều lắm.
NGUYỄN THÚY HẰNG
sách cũ, đaị hội sách cũ, văn hóa đọc