PN - Sáng 2/12, 76 cán bộ chiến sĩ tiêu biểu bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc đã đến giao lưu với Hội LHPN và tham quan Nhà văn hóa (NVH) Phụ Nữ TP.HCM.
Không giấu được vẻ phấn khích khi tham quan NVH Phụ Nữ, quan sát các lớp học nấu ăn, cắm hoa... nhiều người lính bày tỏ sự bất ngờ, thú vị khi biết rằng để vun vén tốt cho tổ ấm, phái đẹp cũng phải tự trang bị “nội công” một cách bài bản. Cuộc chuyện trò về nữ công gia chánh trở nên rôm rả hơn khi những người lính trải lòng thêm về các… hiền thê của mình.
76 cán bộ, chiến sĩ đã trải qua nhiều tháng năm phấn đấu, hy sinh gian khó. Thượng úy Nguyễn Thế Sanh, nhân viên báo vụ Vùng 2 Hải quân (nhà giàn DK1), 22 năm khoác áo lính, thì gần một nửa thời gian lênh đênh trên sóng nước. Mỗi năm anh chỉ về thăm gia đình một lần. Vì là một trong 10 chiến sĩ có gia đình ở TP.HCM, nên anh Sanh được tách đoàn một buổi ghé qua nhà ở P.21, Q.Bình Thạnh thăm vợ con. Chuyến thăm ngoài kế hoạch và sự đợi chờ đã khiến vợ anh mừng rơi nước mắt, hai cô con gái ôm chầm lấy bố tíu tít không thôi.
Anh Sanh bồi hồi kể: “Khi cưới nhau, cô ấy là nhân viên tàu cánh ngầm, công việc khá ổn định. Hai con lần lượt ra đời, vợ tôi phải nghỉ việc, ra ngoài làm thời vụ để chủ động thời gian chăm sóc con. Thấy cô ấy một mình vừa vất vả đi làm, vừa đưa đón một lúc hai con đi học, tôi thương vợ quá...”.
Các chiến sĩ giao lưu với học viên NVH Phụ Nữ TP.HCM - Ảnh: Phùng Huy
Tương tự, Thượng úy Trương Xuân Thắng, chính trị viên nhà giàn DK1 chỉ biết mặt con gái sau khi vợ sinh bốn tháng. Vợ của anh là y sĩ ở Bệnh viện 4 thuộc Quân đoàn 4 (Bình Dương), dịp này chỉ được gặp chồng nửa ngày. Chị nói: “Anh là người lính biển, mang nhiều trọng trách. Tôi tự hào về những việc anh đang làm. Dù có khó khăn thế nào, vợ chồng tôi cũng quyết tâm vượt qua”.
Giao lưu với các hội viên, phụ nữ (HV, PN), chiến sĩ Nguyễn Thái An đang công tác tại đảo Sinh Tồn Đông thuộc Vùng 4 Hải quân bộc bạch: “Tôi sinh ra và lớn lên ở TP.HCM, khi tham gia nghĩa vụ quân sự, tôi lên đường với tâm trạng vừa háo hức vừa tò mò. Ra đến đảo Sinh Tồn Đông, tôi quá bất ngờ vì cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, vậy mà đồng đội tôi, có người từng bám các đảo lớn nhỏ ở Trường Sa hơn 10 năm liền. Các anh vẫn vui vẻ sống, rèn luyện và kiên tâm bảo vệ đảo. Nhờ những hình ảnh đó, tôi quyết tâm phải vững vàng vượt qua khó khăn để chung tay bảo vệ biển đảo”.
Không nén được xúc động, bà Trần Thị Phương Hoa, Phó chủ tịch Hội LHPN TP chia sẻ: “Biển đảo quê hương nói chung và Hoàng Sa, Trường Sa luôn là niềm tự hào của mỗi người Việt Nam. Chúng tôi rất trân trọng và biết ơn các chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ vùng biển đảo Tổ quốc. Những giọt mồ hôi và máu các anh đã thấm vào lòng biển mặn cho sự bình yên và chủ quyền biển, đảo. Đó là những đóng góp thầm lặng nhưng vẻ vang của những người chiến sĩ, là sự hy sinh quên mình của Trung úy Đinh Văn Nam khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ tàu mắc cạn tại đảo Phan Vinh B, sự hy sinh của Đại úy Dương Văn Bắc làm nhiệm vụ tuần tra tại nhà giàn DK1... Cảm ơn các anh, những người chiến sĩ, không chỉ gồng mình với điều kiện khắc nghiệt, mà còn phải chịu đựng nỗi nhớ nhà, nhớ đất liền luôn canh cánh trong lòng. Vượt lên trên tất cả những trở ngại về thời gian, không gian và điều kiện sống thiếu thốn đủ bề, là tinh thần yêu biển đảo và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cán bộ, HV, PN TP.HCM rất yêu quý, mãi tự hào về các anh, những người chiến sĩ bình dị, kiên trung, là tấm gương sáng giữa đời thường”.
Từng câu chuyện về sự lựa chọn, dấn thân và hy sinh của các chiến sĩ nơi biển đảo đã làm cả hội trường lặng trong xúc động. Nhiều giọt nước mắt đã lặng lẽ tuôn rơi trên gương mặt các dì, các chị tham dự chương trình. Chị Trương Thị Ngọc Ý, cán bộ Hội LHPN Q.Tân Phú xúc động cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với các chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ ở Biển Đông, cảm giác thật khó tả. Tôi rất mong tới đây, lãnh đạo thành phố sẽ tiếp tục tổ chức những đợt giao lưu như vậy để không chỉ riêng tôi mà cho nhiều người dân khác có thể tự nhắc mình luôn vun bồi tình yêu quê hương đất nước”.
Ngày 6/12, chuyến viếng thăm TP.HCM (30/11- 6/12) của đoàn cán bộ, chiến sĩ tiêu biểu bảo vệ lãnh hải, chủ quyền Tổ quốc sẽ kết thúc; các anh lại trở về với công việc thường nhật: bám biển, gìn giữ biển đảo thiêng liêng… Nhưng câu chuyện, tâm tình cùng những hy sinh gian khó của các anh sẽ mãi còn đọng lại với nhiều người dân thành phố.
HOA LÀI - NGHI ANH
giao lưu, chiến sĩ biển đảo