Xã hội

Khi con đi học, tôi sẽ chọn trường tư

PNO – Khi con đi học, tôi sẽ chọn trường tư mà không phải trường công lập. Tôi nói điều này sau khi đã tham khảo nhiều phụ huynh và học sinh.

Một phụ huynh có con 2 tuổi nói với tôi: “Thoạt nhìn, khoản tiền đóng đầu vào ở trường tư cao hơn mức đóng trường công, nhưng ở trường tư, phụ huynh không phải lo đủ khoản đóng góp sau đó”.

Phụ huynh này cũng nêu các lý do, anh đã tìm hiểu và so sánh cách giáo dục của các trường mầm non công lập và dân lập: sĩ số các trường mầm non tư thục thấp hơn, các con được quan tâm nhiều hơn, ăn uống cũng không bị thúc ép mà được dạy cách ăn uống tự lập, không bắt buộc phải đón trẻ trước 17 giờ…

Trường học phải là nơi trẻ thích đến mỗi ngày - Nguồn ảnh: internet.

Một phụ huynh khác có con gái lớn học lớp 10 và con trai 5 tuổi đều được học ở một trường quốc tế liên cấp cho biết mức học phí qua các năm học của con không thay đổi đáng kể. So với trường công, mức phí này nếu nhìn vào thấy cao, nhưng thay vào đó, các con không phải học thêm, không áp lực bài vở, không phải đóng đủ các “lệ phí” khác, có xe buýt đưa đón nên tính ra bố mẹ rất nhàn.

Nhưng quan trọng, phụ huynh này thích cách giáo dục ở trường học các con: thường xuyên tổ chức hoạt động ngoại khóa để các con học các kỹ năng mềm. Ví dụ để các con tự ứng cử vào các vị trí trưởng nhóm, trưởng ban truyền thông, trưởng ban tổ chức các hoạt động tình nguyện… của lớp, trường. Các con được tổ chức các hoạt động vận động hành lang, thuyết trình để tranh cử…

- Xem toàn bộ diễn đàn "Giáo dục trong mắt tôi" tại đây.

Nhiều sinh viên ở một trường đại học dân lập tại Hà Nội tỏ ra rất thích môi trường mình đang theo học vì sự dân chủ: “Sinh viên có thể gõ cửa phòng thầy hiệu trưởng vào mỗi ngày thứ tư hàng tuần, nói với thầy bất cứ điều gì mình thấy chưa hài lòng hoặc đề nghị nhà trường cần thay đổi. Cả lớp có thể viết đơn xin đổi giáo viên bộ môn nếu thấy giáo viên đó chưa đáp ứng nhu cầu của sinh viên. Các môn học cũng được niêm yết rõ tên giáo viên; thầy cô giảng dạy hay sẽ có hàng trăm học viên đăng ký, còn có lớp giáo viên trình độ thấp hơn chỉ lèo tèo vài ba người”.

Những ý kiến trên cho thấy, trong mắt nhiều phụ huynh, học sinh, trường công lập không còn là một mẫu hình lý tưởng ở hiện tại và có lẽ cả trong tương lai.

Sĩ số học sinh, sinh viên quá đông, giáo dục đại trà theo kiểu nhồi ép kiến thức, bài giảng nặng lý thuyết, “nặn” học trò thành những sản phẩm “rập khuôn”… đó là một số trong vô vàn lý do khiến phụ huynh và học sinh chê trường công.

Không phải mọi trường công lập đều có những điểm trừ trên, cũng như không phải bất cứ trường dân lập nào cũng hội tụ những điểm cộng để phụ huynh, học sinh tin tưởng.

Bài được xem nhiều nhất trong diễn đàn: Dạy toán hay là đánh bẫy học sinh?

Không phải ngôi trường theo học sẽ quyết định được tất cả sự thành công của học sinh, nhưng hiển nhiên, đang có nhiều người hơn ý thức được trường học phải là môi trường để học trò được đào tạo trở thành người có chính kiến, được thể hiện những năng khiếu cá nhân, được sống theo ước mơ và đam mê của bản thân mình.

Trường học đó cho phép học sinh có thể thoải mái kể về ông bố thích chơi bida giờ giải lao, bà ngoại mặc quần jeans áo thun đi xe tay ga… chứ không phải rập theo một cái khuôn có sẵn.

Trường học không phải là một “nhà tù” chỉ để làm đủ các bài tập, đỗ đại học, tốt nghiệp đại học… rồi tự “đập cánh giữa không trung” vì thất nghiệp.

Nếu giáo dục công lập không thay đổi, hiển nhiên sẽ tự tạo ra những dòng chảy học sinh từ trường công sang trường tư, từ học trong nước sang du học nước ngoài, tình trạng “chảy máu chất xám” sẽ là không tránh khỏi.

THÚY NGUYỄN (Hà Nội)

Thông qua những trải nghiệm, chứng kiến, suy tư của mình về trường lớp, mối quan hệ thầy – trò, quan hệ giữa các nhà giáo, chương trình dạy – học, chính sách giáo dục, công tác quản lý, sách giáo khoa, dịch vụ giáo dục, sản phẩm giáo dục… hãy viết và gửi bài cho diễn đàn “Giáo dục trong mắt tôi” của phunuonline.com.vn. 

Kính mời các bạn gửi bài, ý kiến qua các địa chỉ:

- Mở trang chủ phunuonline.com.vn, vào mục Gửi bài ở cuối trang
- Hoặc theo địa chỉ email: xahoi.phunuonline@gmail.com
- Hoặc viết vào phần bình luận phía dưới mỗi bài viết của diễn đàn.

Cuối bài ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản (nếu ở ngoài TP.HCM - để tiện gửi nhuận bút).

Phụ Nữ Online trân trọng cảm ơn sự cộng tác của bạn đọc.

www.phunuonline.com.vn

diễn đàn giáo dục, trường công, trường tư


      © 2021 FAP
        810,000       1,870