PN - Sau khi bán căn hộ, chủ đầu tư đã giữ lại hơn 2.700m2 sàn thương mại để kinh doanh nhưng hơn 4 năm qua chỉ đóng một phần nhỏ phí bảo trì trong tổng số nợ hơn 5 tỷ đồng và độc chiếm luôn tầng hầm.
Hầu hết phần diện tích tầng trệt chung cư Saigon Pearl được chủ đầu tư giữ lại kinh doanh, thu lợi nhưng đóng tiền bảo trì không đủ
Dân đóng đủ, chủ đầu tư đóng “nhỏ giọt”
Theo các cư dân, việc CĐT “quỵt” phí bảo trì được họ phát hiện khi ban quản trị (BQT) CC được bầu vào cuối năm 2013. Lúc này, CĐT phải bàn giao toàn bộ phí bảo trì cho BQT quản lý thì sự việc bắt đầu “lòi” ra. Qua kiểm tra, BQT phát hiện hàng chục tỷ đồng phí bảo trì chỉ có cư dân đóng, trong khi CĐT đang sở hữu một diện tích rất lớn trong tòa nhà để kinh doanh, thu lợi. Các cư dân đề nghị SSG đóng 2% phí bảo trì trên tổng giá trị khu vực thương mại mà họ đang sở hữu để đảm bảo công bằng với những cư dân khác.
Thế nhưng, CĐT lại phớt lờ. Sau nhiều lần bị cư dân đòi nợ gay gắt, cách nay khoảng ba tháng, SSG mới chịu đóng tiền, nhưng chỉ đóng 500 triệu đồng với lý do… nhằm thể hiện thiện chí với cư dân. SSG cho rằng, khu thương mại và tầng hầm đậu xe họ không bán, cũng không phải là nhà ở. Trong khi pháp luật chỉ quy định đóng phí bảo trì liên quan đến nhà ở. Chưa có quy định nào chỉ ra rằng CĐT phải đóng phí bảo trì đối với khu vực thương mại và tầng hầm.
Tuy nhiên, theo các cư dân, lý giải của CĐT là không đúng. Bởi Luật Nhà ở quy định rõ, mọi cư dân trong tòa nhà đều có nghĩa vụ đóng phí bảo trì. CĐT không ngoại lệ. Vì vậy, các cư dân tiếp tục yêu cầu CĐT phải đóng phí bảo trì. Vụ việc kéo dài, hai bên mâu thuẫn nghiêm trọng, đỉnh điểm, giữa tháng 8/2014, BQT ra “tối hậu thư” đề nghị trong một tuần CĐT phải đóng toàn bộ phí bảo trì đang nợ và bàn giao tầng hầm, nếu không sẽ cắt điện, nước khu vực CĐT đang sở hữu. Trước tình hình trên, UBND P.22, Q.Bình Thạnh phải tổ chức cuộc họp hòa giải. Tại cuộc họp này, hai bên thống nhất, cho thời hạn một tháng SSG xin ý kiến Sở Xây dựng (XD).
Khoảng nửa tháng sau, Sở XD có văn bản số 7653/SXD khẳng định: “CC Saigon Pearl xây dựng sau ngày Luật Nhà ở có hiệu lực. Vì vậy, nơi để xe là sở hữu chung”. Đối với việc đóng phí bảo trì, Sở XD nêu rõ: “Theo văn bản hướng dẫn số 64 của Bộ XD, văn phòng, siêu thị, dịch vụ thương mại trong tòa nhà CC đều được coi là nhà. Vì vậy, nếu CĐT không bán phần diện tích này thì vẫn phải nộp 2% phí bảo trì. Mức phí này tính theo căn hộ có giá bán cao nhất của tòa nhà CC đó”.
Các cư dân ước tính, căn hộ có giá bán cao nhất tại dự án Saigon Pearl khoảng 55 triệu đồng/m2. Như vậy, tổng số tiền phí bảo trì SSG phải nộp hơn năm tỷ đồng là hoàn toàn chính xác. Thế nhưng, SSG “lật kèo”, không đóng phí bảo trì, không bàn giao tầng hầm. BQT cả ba tòa nhà Ruby, Topaz và Sapphire đồng loạt ra văn bản đề nghị SSG phải nghiêm chỉnh thực hiện theo ý kiến của Sở XD. Lúc này SSG mới chịu đóng tiền, nhưng lại tự tính ra số tiền sẽ nộp quá ít so với thực tế phải nộp.
Theo đó, SSG chỉ nộp hơn một tỷ đồng phí bảo trì cho tòa nhà Ruby; hơn 654 triệu đồng cho tòa nhà Topaz và hơn 705 triệu đồng cho tòa nhà Sapphire. Riêng đối với việc chuyển giao tầng hầm, SSG không thực hiện. Trước tình hình trên, BQT ba tòa nhà tiếp tục ra văn bản dọa cắt điện, nước nếu SSG tiếp tục chây ì.
Cơ quan chức năng “tiền hậu bất nhất”
Trong lúc BQT ba tòa nhà chưa kịp áp dụng biện pháp cưỡng chế, cách nay khoảng một tháng, một đội thi công đường ống cấp nước không biết từ đâu đến đã tự ý đến khoan hầm, đục tường để lắp đặt đường ống nước mới, nhằm đối phó với chế tài của BQT các CC. Hàng trăm cư dân cùng với hàng chục bảo vệ của BQT kéo nhau ra đối đầu với lực lượng bảo vệ của CĐT. Vụ việc căng thẳng đến mức suýt xảy ra ẩu đả, rất may công an P.22, Q.Bình Thạnh can thiệp kịp thời.
Trong lúc các cư dân đang chờ SSG đóng tiền, bất ngờ, họ không tin vào mắt mình khi CĐT đưa ra văn bản số 8640/SXD của Sở XD có nội dung trái ngược hoàn toàn với văn bản do chính sở này trả lời trước đó chưa đầy một tháng. Trong văn bản này, Sở XD cho rằng: “Căn cứ Nghị định 71 có hiệu lực từ 8/8/2010, khu vực để xe ô tô do CĐT quyết định thuộc quyền sở hữu chung của các chủ sở hữu nhà CC hoặc sở hữu riêng”. Đồng thời, Sở XD dẫn giải thêm một số quy định khác.
Cuối cùng, Sở XD kết luận lấp lửng: “CĐT và các cư dân… tự trao đổi, thống nhất các phần diện tích với nhau. Trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì khởi kiện ra tòa”. Kết quả, CĐT chiếm toàn bộ phần diện tích tầng hầm giữ xe ô tô, chỉ trả cho cư dân phần tầng hầm giữ xe gắn máy với diện tích rất nhỏ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc có văn bản trên là do, sau khi Sở XD ra văn bản xác nhận tầng hầm giữ xe là sở hữu chung thì SSG đã có văn bản đề nghị Sở XD xác nhận lại tầng hầm của công trình là có phần diện tích thuộc quyền sở hữu riêng của CĐT. Tương tự, đối với việc đóng phí bảo trì, theo tìm hiểu của chúng tôi, SSG cũng vừa có văn bản gửi Sở XD kiến nghị có ý kiến lại đối với vấn đề này.
Trong khi đó, sau khi nhận được văn bản trả lời kiểu “ba phải” của Sở XD, các cư dân đã gửi văn bản khiếu nại đến sở này nhưng chưa nhận được câu trả lời. Theo đó, các cư dân cho rằng, căn hộ của họ được đưa vào sử dụng năm 2009, trong khi Nghị định 71 ban hành năm 2010, nên hướng dẫn của Sở XD không đúng.
Theo luật sư Nguyễn Văn Trương, Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Văn Trương, về nguyên tắc, luật bất hồi tố, nên nếu đúng các tòa nhà đưa vào hoạt động trước năm 2010 thì việc Sở XD áp dụng NĐ 71 là không chính xác. Việc áp dụng sai quy định có ảnh hưởng rất lớn trong trường hợp này. Bởi nếu áp dụng quy định thời điểm trước năm 2010 thì tầng hầm giữ xe là sở hữu chung. Nhưng nếu áp dụng quy định ban hành sau năm 2010 thì riêng phần giữ xe ô tô trong tầng hầm, CĐT có thể quyết định là sở hữu riêng của mình.
Riêng việc đóng phí bảo trì CC theo hướng dẫn của Sở XD là hoàn toàn chính xác, vấn đề là CĐT chưa thực hiện đúng theo hướng dẫn của Sở XD nên số phí bảo trì đóng chưa đủ. Trong trường hợp này, các cư dân có thể căn cứ theo trả lời của Sở XD, khiếu kiện CĐT đến tòa án buộc đóng đủ phí bảo trì.
PHAN TRÍ
Saigon Pearl, Công ty TNHH Vietnam Land, quỵt phí, chung cư, cư dân