PN - Nhìn nụ cười hôm nay của con, mẹ biết mình đã quyết định đúng. Mẹ chỉ mong rằng, những người làm thầy, xin hãy tin con trẻ, nhất là khi đứa trẻ không hề nói dối.
Hai tháng làm quen với trường mới, bạn mới, con đã bắt đầu thích nghi. Mỗi buổi chiều đón con về, nghe con líu ríu kể chuyện bạn bè, cô giáo… mẹ thấy như mình được trở về với tuổi thơ. Và mẹ lại muốn rơi nước mắt vì những tháng ngày đã qua.
Năm lớp 1, con được vào học một ngôi trường nổi tiếng, ngay địa bàn Q.1, là mơ ước của không ít phụ huynh. Năm học đầu tiên trôi qua suôn sẻ. Con hào hứng với rất nhiều hoạt động ngoại khóa của trường. Năm lớp 2 con được học cô giáo mới, vốn là giáo viên của một trường quốc tế. Thông tin này khiến mẹ và không ít phụ huynh khấp khởi mừng thầm vì nghĩ cô sẽ có cách tiếp cận và giáo dục học sinh theo chuẩn của môi trường giáo dục quốc tế. Nhưng niềm vui của mẹ không kéo dài được bao lâu.
Nhà xa, đường đến trường thường xuyên kẹt xe nên thỉnh thoảng con lại trễ học. Mẹ không thể quên ánh mắt hoảng loạn của con những lúc xe nhích từng bước trên đường và giọng mếu máo: “Hay mẹ cho con nghỉ học hôm nay đi mẹ!”. Mỗi lần con đi học trễ, cô lại bắt con đứng giữa lớp và hỏi một câu giống nhau: “Tại sao hôm nay con đi học trễ?”. Mười lần như một, nếu con trả lời : “Dạ con bị kẹt xe”, cô đều xẵng giọng: “Khi nào cũng có lý do!”.
Có lần đi giữa đường, chị Hai quên tập nên mẹ phải chở cả hai chị em quay về. Lần này câu trả lời của con về lý do đi trễ là “Tại chị Hai quên tập…”. và đến chiều, khi mẹ nhờ chị Hai vào lớp đón con, cô gọi hai chị em lại nghiêm giọng hỏi: “Có phải con quên tập nên sáng nay em đi học trễ?”. Con buồn vì cô đã không tin mình.
Nhưng đỉnh điểm của sự sợ hãi là một lần sau câu trả lời của con, cô quay mặt xuống lớp hỏi: “Bạn nào nói cho cô biết vì sao bạn T. lại bị kẹt xe?”. Khoảng mười cánh tay giơ lên, và một bạn trả lời: “Tại vì đi học trễ nên ra đường bị kẹt xe”. Bạn khác tiếp lời “Vì T. không chịu dậy sớm”… Cứ thế, con bị các bạn lần lượt lên án. Buổi chiều mẹ đón, con khóc òa.
Kể từ bữa đó, mỗi buổi sáng con ra đường đều trong trạng thái căng thẳng. Nhìn thấy phía trước đông xe, con hốt hoảng: “Mẹ ơi, có phải kẹt xe không?”. Nụ cười của con nhiều lúc cũng không trọn vẹn nếu tiếng chuông vang lên trước khi con kịp bước qua cánh cổng trường.
Không chỉ sợ bị cô phạt khi đi trễ, con còn ấm ức vì bị cô đối xử không công bằng. Trong lớp cô không bao giờ chịu nghe con nói bất kỳ điều gì. Bạn ngồi sau bị hư bút, con quay lại giúp bạn thì cô cho rằng con nói chuyện. Con đứng lên, chưa kịp thanh minh thì cô đã quát: không được giải thích! Bạn hỏi bài con, con trả lời thì cô la con làm ồn và phán: “Cấm các bạn ngồi bên cạnh nói chuyện với bạn T.”.
Tuần lễ nào cũng có ít nhất một lần mẹ đón con về trong nước mắt. Từ một đứa trẻ năng động, con trở nên sợ hãi, sống thu mình. Năm lớp 1 con hào hứng đến trường bao nhiêu thì lên lớp 2, mỗi ngày đến trường với con như một cực hình. Con đếm từng ngày, mong năm học kết thúc. Con ám ảnh đến mức cuối năm học, thấy con quyến luyến các bạn, mẹ hỏi con có muốn học lại với các bạn không, con hốt hoảng quay nhìn mẹ: “Con muốn học với các bạn, nhưng lỡ con phải học lại với cô H. thì sao?”. Dù biết điều đó khó xảy ra, nhưng mẹ vẫn quyết định chuyển trường cho con vì không muốn con bị ám ảnh bởi những ký ức đầy nước mắt.
Nhìn nụ cười hôm nay của con, mẹ biết mình đã quyết định đúng. Mẹ chỉ mong rằng, những người làm thầy, xin hãy tin con trẻ, nhất là khi đứa trẻ không hề nói dối. Xin hãy bảo ban học trò của mình, thay vì mượn bạn bè của chúng, khiến trẻ nảy sinh mặc cảm không đáng có.
HOA HUYỀN
(Q.10, TP.HCM)
Người trong cuộc, học hành, học sinh, thầy cô, con trẻ, trẻ ngán học, trẻ chán học