Xã hội

Quảng Nam tìm hướng bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh

PNO – Cây sâm Ngọc Linh được kỳ vọng sẽ trở thành cây xóa nghèo bền vững cho người dân, nhất là người dân tộc thiểu số ở vùng cao huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Đề án về cơ chế khuyến khích bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh đã được UBND tỉnh đưa ra HĐND xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa VIII diễn ra ngày 10/7.

Người dân vùng cao tỉnh Quảng Nam trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, sâm Ngọc Linh là loại sâm quý, có giá trị dược liệu và kinh tế cao. Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát triển giống sâm ở Quảng Nam bộc lộ nhiều hạn chế: cơ quan chức năng chưa thực sự vào cuộc, nhất là phối hợp với UBND huyện Nam Trà My trong việc điều tra, khảo sát, quy hoạch khu vực sâm Ngọc Linh; công tác bảo vệ, phát triển sâm chưa được chú trọng…

Theo thông kế của UBND tỉnh Quảng Nam, từ năm 2002 đến năm 2013, tổng diện tích quản lý, trồng sâm là hơn 7ha với trên 160.000 cây. Trong đó, số lượng sâm có thể cho hạt ươm giống khoảng 63.000 cây. UBND tỉnh đã phối hợp với Viện Dược liệu (Bộ Y tế) trồng vườn cây giống 2 ha với 60.000 cây theo đề tài trồng sâm dưới giàn mái che, ươm giống trong khay, đồng thời đã cử cán bộ kỹ thuật tham gia hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân trong vùng tổ chức gieo ươm, nuôi trồng, chăm sóc, phát triển cây sâm Ngọc Linh…

Số lượng sâm được khai thác từ năm 2001 đến nay là trên 100.000 cây. Một số sản phẩm đặc hữu từ sâm Ngọc Linh đã ra đời nhưng còn khá khiêm tốn như: rượu ngâm từ lá (rượu Diệp Linh Sâm) hoặc củ (rượu Sâm Ngọc Linh), viên ngậm Sâm Ngọc Linh, trà túi lọc Sâm Ngọc Linh, nước bổ dưỡng Sâm Ngọc Linh.

Tại các xã Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang (huyện Nam Trà My), hiện có khoảng 653.500 cây được trồng. Mô hình trồng sâm trong nhân dân đã giúp cho các hộ có cuộc sống khá ổn định, giải quyết một phần thu nhạp và tạo công ăn việc làm cho người dân tại địa phương. Nhiều hộ gia đình không những thoát nghèo mà đã vươn lên làm giàu từ sâm Ngọc Linh…

Củ và rễ sâm Ngọc Linh. 

Để bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh, sắp tới UBND tỉnh Quảng Nam sẽ xây dựng vườn bảo tồn nguồn gen kết hợp sản xuất giống của Trạm dược liệu Trà Linh để cung ứng nguồn giống cho phát triển gây nuôi bền vững. Theo đó, đến năm 2015, sẽ có hơn 87.000 cây có khả năng cho hạt và đến năm 2020 sẽ là 280.000 cây. Trong 7 năm tới, Trạm dược liệu Trà Linh sẽ sản xuất 9 triệu cây giống…

Theo đề án được UBND tỉnh Quảng Nam trình lên HĐND, các hộ gia đình đăng ký trồng sâm theo nhóm hộ được Nhà nước hỗ trợ mua cây giống tại Trạm dược liệu Trà Linh với mức bằng 80% giá thành (tương đương tiền hỗ trợ là 20.000 đồng/cây), mỗi hộ không quá 500 cây/năm. Các đối tượng được hỗ trợ giống sẽ được hướng dẫn kỹ thuật và tạo điều kiện thuận lợi trong quản lý nhà nước về giống của cơ quan có thẩm quyền để tự tổ chức sản xuất giống phục vụ cho đầu tư phát triển vùng sâm nguyên liệu.

Ngoài ra, ngân sách tỉnh hỗ trợ phần chênh lệch lãi suất giữa mức lãi suất vay hộ nghèo, hộ cận nghèo của các ngân hàng theo thực tế phát sinh trong thời gian không quá 7 năm và mức vay được hỗ trợ không quá 30 triệu đồng/hộ….

UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, với đề án này, hi vọng việc bảo tồn và phát triến sâm Ngọc Linh sẽ đạt hiệu quả cao. Cây sâm sẽ trở thành cây xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân, nhất là người dân tộc thiểu số ở vùng cao.

Thanh Minh

www.phunuonline.com.vn

sâm Ngọc Linh, huyện Nam Trà My, vùng cao Quảng Nam, núi Ngọc Linh


      © 2021 FAP
        841,930       115