Xã hội

Gia tài của sự nghèo khó

PN - Những ngày qua, kỳ thi đại học (ĐH) đã thu hút sự chú ý của hàng triệu gia đình. Trong số những thí sinh đi thi, có những câu chuyện thế này:

Tình nguyện viên tại TP.HCM hướng dẫn thí sinh và phụ huynh về địa điểm, phòng thi... ngày 8/7.

- Em Hoàng Văn Bình (xã Như Khuê, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) mất cha, mẹ bỏ nhà đi, mười tuổi Bình cùng em gái được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh. Bốn năm học cấp II, Bình đều đạt học sinh giỏi. Em là trẻ đầu tiên của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn (nơi nuôi trẻ mồ côi, vô thừa nhận) đỗ vào trường chuyên của tỉnh. Em mặc quần áo cũ bạn bè tặng, học sách cũ và dùng đồ dùng cũ do trung tâm xin. Trường miễn học phí cho em, Bình đền đáp lại những gì đã nhận được bằng nhiệt tình lao động (dù em rất còi cọc). Bình là thầy giáo tự nguyện cho 12 bé có hoàn cảnh như em ở trung tâm. Hành trang Bình mang theo thi ĐH là 600.000đ và một ba lô sữa vỉ do các cô chú ở trung tâm cho. Bình quyết tâm đỗ ĐH để có điều kiện nuôi em gái và báo đáp những người đã thương yêu em. Em hy vọng sẽ tìm lại được mẹ, vì nỗi khao khát tình mẫu tử chưa bao giờ nguôi.

- Người cha Hoàng Văn Tuyên (xã Nam Tuấn, Hòa An, Cao Bằng) đã mất bốn ngày leo ngược các vách núi đá dựng đứng, cao chót vót để bắt chim rừng mang bán, lấy tiền lộ phí cho con trai đi thi ĐH. Hoàng Văn Hạnh, con trai anh Tuyên làm đồng từ bé, mùa thu hoạch, 5g sáng em đã theo bố mẹ ra ruộng rồi mới về đi học. Em theo cha lên rừng bắt chim, bàn tay hai cha con chai sạn vì kéo chiếc ròng rọc dây thừng to bằng cổ tay để đưa một người từ dưới đất lên đỉnh núi, cổ chân sứt sẹo vì va đập vào vách đá. Hạnh quyết tâm học hành “để giúp bố mẹ em thoát nghèo”.

- Nguyễn Việt Dũng (xã Tân Việt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) mồ côi mẹ từ năm một tuổi, bị bố bỏ rơi, bà ngoại bế em khắp làng xin từng giọt sữa, nuôi em với số tiền trợ cấp hộ nghèo 180.000đ/tháng. Năm ngoái, bà qua đời, em bơ vơ. Dũng cấy gặt một sào lúa, tự thu xếp cuộc sống. Tiền em dành dụm được để đi thi ĐH chỉ có 100.000đ. Em nuôi một con mèo và hai con thỏ để bán, cộng với tiền họ hàng cho thêm, “tài sản” Dũng mang theo lên Hà Nội là 500.000đ. Em kể, em luôn nhớ lời dặn của bà: “Giấy rách phải giữ lấy lề con ạ, cuộc sống dù có nghèo đến mấy cũng không được nghĩ đến những thứ của người ta”. Nghèo khó nhưng em vẫn giữ được lòng hào hiệp. Suốt ba năm trung học, em cõng bạn (bị bại liệt) đến lớp, tự nguyện như một trách nhiệm.

Kể đến đây, tôi chợt nhớ trường hợp của Nguyễn Hữu Tiến, thủ khoa ĐH Y Hà Nội năm 2013. Bố của Tiến kiếm sống bằng nghề bơm vá xe đạp. Hơn mười năm ông sống trong ống cống để tằn tiện chút tiền lo cho các con ăn học. Sau đó, có người tạo điều kiện cho gia đình năm người của Tiến ở nhờ trong căn phòng 12m2. Hàng ngày, sau thời gian học ở lớp, Tiến vào thư viện trường, ở đó đến hơn 21g để ôn luyện và đọc thêm sách. Cậu em trai Nguyễn Hữu Tiền học song song hai trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Aptech. Để tiết kiệm, hai anh em đều nhịn đói đến hơn 22g, về nhà ăn cơm với bố mẹ. Tiến và em trai làm gia sư, kiếm được 1,2 triệu đồng/tháng, dành để ăn trưa, mua sách vở và tiết kiệm. Bữa sáng của hai anh em luôn là bát cơm nguội với muối vừng, bữa trưa là suất cơm bụi 15.000đ. Tiến quyết tâm: “Em sẽ học lên thạc sĩ, tiến sĩ sau khi hoàn thành bằng cử nhân Trường ĐH Y. Trước mắt, em phấn đấu đạt học lực giỏi, giành học bổng”.

Các em chỉ là những đại diện ít ỏi trong số vô vàn mảnh đời nghèo khổ quanh ta. Tôi không thấy các em là những trường hợp đáng thương - dù đã tận khổ. Cái cách họ vượt lên hoàn cảnh đầy nghị lực, khiến tất cả chúng ta phải nghiêng mình cảm phục và kính trọng. Tôi nhìn thấy ở họ gia tài lớn mà rất nhiều người đang sống một cuộc sống xa hoa không có được. Nghèo khó đã cho họ một “của cải” khác: lòng tự trọng, ý chí vươn lên, sự can trường trước cuộc sống. Họ như loài xương rồng nhẫn nại và bất khuất, gom từng chút cơ hội để tồn tại bền bỉ và kiêu hãnh, ngay cả trên khô cằn chết chóc. Tôi nghĩ, nỗi khổ và sự nghèo khó có thể dập xuống tận đáy những ai hèn yếu và buông xuôi, nhưng cũng là lò luyện để khi trải qua, ai có nghị lực sống mãnh liệt, ắt sẽ nên người!

Đương nhiên, không ai mong mình sinh ra với “gia tài” là sự nghèo khó; nhưng nếu bạn may mắn sống giữa nhung lụa, thì hãy biết cuộc sống rộng lớn này không hề thiếu những cảnh đời bất hạnh, một vài trải nghiệm đau khổ sẽ giúp bạn mạnh mẽ hơn. Đừng khiếp sợ hay đầu hàng khi cuộc sống thử thách bạn… 

 Quỳnh Hương

www.phunuonline.com.vn

thí sinh, mùa thi, sĩ tử, thi đại học, tuyển sinh đại học 2014


      © 2021 FAP
        812,353       180