Xã hội

Đổi mới dạy nghề bắt đầu từ các đơn vị đào tạo GV

PNO - Sáng 14/3, Viện Sư phạm kỹ thuật thuộc Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM (HCMUTE) đã tổ chức hội thảo “Giáo dục nghề nghiệp trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện”.

 Hơn 100 đại biểu đến từ các viện nghiên cứu, trường ĐH, CĐ, TC nghề, THPT, THCS và doanh nghiệp đã dự hội thảo.

PGS.TS Thái Bá Cần phát biểu tại hội thảo

Các đại biểu đã trao đổi xoay quanh các chủ đề: Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục bắt đầu từ đâu? Mục tiêu của giáo dục ĐH trong tương lai sẽ như thế nào? Những vấn đề nào cần đổi mới trong giáo dục nghề nghiệp? Những giai pháp cho các trường TCCN?…

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng HCMUTE, việc đổi mới nên bắt đầu từ các đơn vị chịu trách nhiệm đào tạo ra đội ngũ giáo viên dạy nghề có truyền thống, đủ tiềm lực về cơ sở vật chất và những cơ quan nghiên cứu hoạch định chính sách giáo dục nói chung, đó là các trường Đại học SPKT trọng điểm với vai trò tiên phong nghiên cứu chuyên sâu về giáo dục kỹ thuật nghề nghiệp và triển khai ra thực tế.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Thái Bá Cần, nguyên Hiệu trưởng HCMUTE đề cập đến một trong những mặt yếu kém nhất của giáo dục đại học là quản trị, đây không phải là quản lý nhà nước mà là quản lý đào tạo nói chung.

“Hiện nay, đầu vào của loại hình liên kết đào tạo với các trường nước ngoài là thấp nhất, đào tạo chất lượng cao ở giữa, chính quy đại trà có đầu vào cao nhất. Tuy nhiên, đầu ra của loại hình liên kết đào tạo với nước ngoài vẫn có những vị trí cao trong xã hội” - PGS Cần đưa ra ví dụ.

Để có một lộ trình đào tạo khoa học, PGS Cần cho rằng, cần rà soát lại nền kinh tế của chúng ta cần những dạng lao động nào. Trong xu thế mới, mô hình đào tạo hệ TCCN sẽ không còn phù hợp, nên đưa hệ TCCN về với dạy nghề, còn nếu trường nào mạnh thì phát triển lên thành trường CĐ.

Lam Phương

www.phunuonline.com.vn

hội thảo, Đổi mới dạy nghề


      © 2021 FAP
        743,305       51