Xã hội

Săn tôm nhí

PN - “Từ 26 Tết, tụi tôi đã bắt đầu ra quân, ăn Tết trên biển, đi đến khi nào nước trong thì dừng”. Cái nghề mà cuối năm thiên hạ xếp lưới, thả neo ăn Tết thì một số cư dân ven biển Quảng Nam

Vừa tấp thúng chai vào bờ, anh Nguyễn Thanh Nga, thôn 2, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành liền phân tôm ra bán, nói: “Đêm qua đánh được 40 con, mỗi con 350.000đ, chia đều ra mỗi anh em được hơn hai triệu”. Con tôm lớn nhất cũng chỉ bằng đầu đũa ăn cơm, còn đa phần như que tăm. Đánh được, cho ngay vào thùng xốp, lên bờ vớt ra, phân loại. Họ đi từ 4 giờ chiều đến sáng hôm sau thì vào bờ. Nơi đánh bắt cách bờ chỉ hơn ba hải lý. “Có ăn Tết chi đâu, ở riết trên ghe hơn nửa tháng rồi. Cả đêm thức trắng, ban ngày ngủ bù, chẳng Tết nhứt họ hàng chi, nhưng bù lại thì có tiền", anh Nguyễn Thành Minh nói. Nghề săn tôm nhí rất khỏe, họ nói nghề này "ra biển nằm vạ rồi lấy tiền" bởi lưới khai thác tôm nhí rất nhẹ, thả xuống biển chong đèn rồi kéo lên, sau đó căng mắt ra tìm những con tôm nhí nhỏ như cây tăm hương dính vào lưới. Không nghề nào ở biển thu tiền nhanh bằng săn tôm hùm con. Có người từ 26 đến mùng Tám Tết đã thu được 100 triệu đồng.

Giá con tôm này là 350.000đ

Nhưng không phải năm nào, mùa nào cũng có tôm nhí. Dân đi biển Tam Tiến có hơn 100 phương tiện đánh bắt tôm hùm con, nhưng như đánh bạc với trời. Anh Nguyễn Công Nhật nói: “Năm 2011, hàng chục tàu khai thác tôm hùm con ra đời, nhiều người trúng lớn, nhưng 2012, tuyệt nhiên không được con nào, đói móp… trán, nhiều người chuyển nghề vì nợ ngân hàng. Nguyên nhân là do thời tiết. Khi sóng lớn liên tục vào bờ, tôm mẹ sẽ chạy tìm những rạn đá gần bờ đẻ, còn không thì sẽ không có tôm con. Ít hôm nữa, biển yên, nước trong, lặng trở lại, là hết”.

Con tôm nhỏ tí, nhưng có lúc đến 400.000đ/con. Thương lái chờ sẵn, mua đưa vào Khánh Hòa, vì vùng đó có bè nuôi tôm hùm. Anh Nguyễn Công Nhật giải thích: “Tôm nhí là tôm bông, thịt ngon, nuôi đến khi đưa lên bàn ăn, có con nặng hơn 2kg, giá 1kg gần 2,5 triệu”.

Trung Việt

www.phunuonline.com.vn

Săn tôm nhí


      © 2021 FAP
        821,518       1,669