Người phụ nữ bắt cóc trẻ sơ sinh ra đầu thú. Bé Hoài được trả về với mẹ... Một “bàn thắng đẹp” trong việc phối hợp giữa công an với người dân để phá án.
Thượng tá Nguyễn Văn Thanh, đội trưởng đội cảnh sát hình sự Công an quận 7 (TP.HCM), khẳng định nhờ vào bức phác họa chân dung thủ phạm, các chiến sĩ công an đã nhanh chóng tìm ra nơi lẩn trốn của thủ phạm bắt cóc bé Trương Văn Hoài.
Và để có bức phác họa chân dung thủ phạm đã có sự góp sức của rất nhiều người, đặc biệt từ “cơn bão” lan truyền về hình ảnh của thủ phạm trên Facebook. Nhiều người đã chung tay để bằng mọi cách phải đưa bé Hoài trở về vòng tay mẹ.
Đại diện Công an Q.7 và Bệnh viện Q.7 trao trả bé Hoài về cho chị Tâm. Ảnh: Đức Thanh.
Từ bức phác họa chân dung
Khi bức ảnh thủ phạm Lê Thị Bích Trâm được đưa lên các trang mạng, nhiều người đã thốt lên ngạc nhiên do gần như không khác mấy so với bức phác họa chân dung trước đó chỉ thông qua lời kể của gia đình bé Hoài. Người đã phác họa chân dung thủ phạm là họa sĩ Phan Vũ Linh - giảng viên khoa đồ họa ĐH Mỹ thuật TP.HCM, chỉ mất gần 20 phút để vừa nghe ba mẹ và dì ruột bé Hoài kể vừa vẽ và hoàn tất bức phác họa.
Anh Linh cho biết từ lời kể của gia đình, ba chi tiết trên khuôn mặt thủ phạm được anh Linh chọn làm điểm nhấn là: đôi môi dày, hơi vẩu lên; đôi mắt khá đẹp, hai mí, có mang kính cận có tròng rộng và tóc được chải ngược ra sau, có màu nâu nhạt. Thông thường các họa sĩ sẽ chọn đôi mắt làm điểm nhấn mạnh nhất khi phác họa chân dung, tuy nhiên do thủ phạm đeo kính nên anh Linh quyết định không chọn mắt mà mô tả kỹ đôi môi vẩu lên khá đặc biệt để làm điểm nhấn. Khi anh vẽ xong, anh Trương Văn Hên (ba bé Hoài) đã khẳng định: “Giống 90%”.
Anh Linh chia sẻ khi phác họa xong bằng bút chì và đồ họa lại bằng hình 2D chân dung, anh cũng khá tự tin là sẽ không khác nhiều với thủ phạm vì được cả ba người thân bé Hoài khẳng định là rất giống với thủ phạm. Tuy nhiên, nhìn lại bức ảnh thủ phạm khi bị bắt, anh Linh cũng không khỏi bất ngờ vì ảnh chụp và phác họa lại giống nhau đến vậy. Để phác họa được bức chân dung, ngoài việc hỏi rất kỹ các chi tiết về mắt, môi, khuôn mặt... anh Linh còn hỏi đi hỏi lại về phong thái, giọng nói, tính cách trong giao tiếp của thủ phạm. “Tôi đã vẽ nhiều bức ký họa, truyền thần. Nhưng trước nỗi niềm của gia đình bé Hoài, có rất nhiều sự xúc động thôi thúc tôi phải phác họa được bức chân dung giống và có thần nhất” - anh Linh chia sẻ.
Đến sức mạnh của cộng đồng
Là người đã phác họa nên chân dung thủ phạm bắt cóc bé Hoài nhưng anh Linh lại từ chối không nhận là mình giữ vai chính nhất trong việc này. Anh Linh nói người đã góp công lớn nhất là chị T. (nhân vật đề nghị giấu tên - PV), một giáo viên tại TP.HCM. Anh Linh cho biết chị T. là người đầu tiên gọi điện cho anh để nhờ phác họa chân dung thủ phạm. Khi anh Linh đồng ý sẽ giúp vẽ miễn phí hoàn toàn, chị T. đã thông tin lại cho Công an quận 7 và sau đó anh Linh được các chiến sĩ công an đưa đến tiếp xúc gia đình bé Hoài để thực hiện việc phác họa chân dung thủ phạm.
Tuy nhiên khi phóng viên liên lạc với chị T., chị nhất mực đề nghị không đưa thông tin về bản thân lên báo mà cho biết đây là đóng góp của rất nhiều người trong cộng đồng. Chị T. chia sẻ: “Tôi nảy ra ý tưởng vẽ chân dung thủ phạm qua lời kể vì nhớ khi học ở nước ngoài cũng từng chứng kiến những sự việc tương tự và vì tôi cũng là một người mẹ, điều đó thôi thúc tôi”. Sau khi nảy ra ý tưởng, chị T. nhờ một số bạn bè đang làm trong ngành quảng cáo, mỹ thuật tìm giúp một người có khả năng thực hiện việc này và được giới thiệu anh Phan Vũ Linh. Khi anh Linh đồng ý, chị T. đã chủ động liên hệ với Công an quận 7 và giới thiệu anh Linh để Công an quận 7 liên hệ. “Cho đến giờ tôi cũng chưa gặp anh Linh, chỉ mới trao đổi qua điện thoại. Tôi cũng không ngờ anh Linh quá nhiệt tình và hoàn tất bức phác họa tốt đến như vậy” - chị T. chia sẻ.
Nhưng câu chuyện chưa dừng ở đó, ngay khi anh Linh hoàn tất bức phác họa chân dung thủ phạm bằng bút chì và đồ họa bằng tranh 2D, chị T. đã cùng bạn bè lập một nhóm trên Facebook để chia sẻ hai bức phác họa này và tìm đến các báo điện tử để cung cấp bức chân dung. Nhờ đó bức chân dung thủ phạm lan truyền mạnh mẽ.
Và rồi câu chuyện nhân hậu của cộng đồng đã kết thúc có hậu: trưa 12/1, một người phụ nữ đã gọi điện đến trực ban Công an quận 7 cho biết vừa mới xem hình chân dung về nghi phạm bắt cóc bé Trương Văn Hoài trên báo và khẳng định đã gặp người phụ nữ ấy chưa lâu trước cổng Bệnh viện Từ Dũ. Thông tin quý giá ấy đã được các chiến sĩ công an lần theo và phát hiện ra nơi nghi phạm và bé Hoài đang ẩn náu ngay tối hôm đó.
Kế hoạch giải cứu em bé Chiều 13/1, thượng tá Nguyễn Văn Thanh kể theo thông tin của người cung cấp thì nghi can có địa chỉ ở quận 8 và một số điểm khác. Tuy nhiên qua xác minh, nghi can không còn ở những điểm trên. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, đội cảnh sát hình sự Công an quận 7 đã xác định nghi can đang cư ngụ tại một căn nhà ở ấp 1, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ban chỉ huy Công an quận 7 ngay lập tức lên kế hoạch giải cứu em bé. Hàng chục trinh sát đã được triển khai bao vây các nẻo đường ra vào căn nhà của nghi can đang cư ngụ. Các trinh sát được lệnh ngụy trang, mặc thường phục và trực chiến 24/24 giờ. Cuộc giải cứu bắt đầu lúc 20g ngày 12/1. Theo thượng tá Thanh, việc hàng chục trinh sát phải vất vả đứng chốt chặn ở các nẻo đường mà không đột kích thẳng vào ngôi nhà trên để giải cứu cháu bé là vì an toàn của em bé. “Rất có khả năng nghi can sẽ ra tay thủ tiêu cháu bé nếu lực lượng giải cứu có sơ suất” - thượng tá Thanh nhận định. Sau 14 giờ liên tục vận động gia đình, đến hơn 10g ngày 13/1, nghi can đã bồng bé trai ra trình diện lực lượng trinh sát. Tổ trinh sát đã đưa nghi can về trụ sở Công an quận 7 làm việc. Tại đây, nghi can được xác định là Lê Thị Bích Trâm (25 tuổi, ngụ khu phố 4, P.Tân Hưng, Q.7, tạm trú xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh). Hiện bé Trương Văn Hoài (tên cháu bé) và chị Nguyễn Thị Minh Tâm (mẹ cháu bé) đang được theo dõi sức khỏe tại Bệnh viện quận 7. Đại tá Nguyễn Hoàng Tuấn, trưởng công an Q.7, cho biết đã ra quyết định tạm giữ hình sự nghi can Lê Thị Bích Trâm để điều tra, xử lý về hành vi “chiếm đoạt trẻ em”. Khi Trâm được cán bộ điều tra đưa từ phòng lấy lời khai ra phòng họp để tiếp xúc báo chí, Trâm khóc nức nở, nói: “Em hối hận lắm rồi, em sợ chồng bỏ nên em mới làm chuyện đó (bắt cóc - PV)”. Trâm cho biết mình tổ chức đám cưới với anh V.T.L. (27 tuổi, ngụ xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) được hơn một năm. Trâm làm nhân viên điều hành xe buýt. Còn anh L. trông coi tiệm Internet tại nhà. Trâm kể trong thời gian chung sống, cô đi khám và được chẩn đoán có thai một bé gái. Khi thai nhi đến tháng thứ ba thì bị hư thai. Trâm lo sợ sẽ bị chồng la rầy và sẽ bỏ mình. Để qua mắt, Trâm dùng vải độn ở vùng bụng, đồng thời ăn uống nhiều hơn để gia đình và chồng vẫn nghĩ là Trâm đang mang thai. Thời gian này Trâm nảy sinh ý định bắt cóc một bé trai để thế vào cái thai đã bị hư trước đó. Chiều 8/1, Trâm đến khoa sản Bệnh viện Q.7 nói với chị Tâm là đưa chị dâu đi chờ sinh và trò chuyện thân mật. Sau đó Trâm ngủ lại phòng với chị Tâm. Đến sáng 9/1, lợi dụng lúc chị Tâm đi pha sữa, Trâm đã bế bé Hoài đi mất. Khi Trâm bế bé Hoài về gia đình và nói vừa đi bệnh viện sinh em bé về thì gia đình và chồng đều mừng vui vì tưởng là con cháu ruột thịt. Đến khi Trâm được Công an quận 7 vận động ra đầu thú thì gia đình và chồng mới vỡ lẽ mọi chuyện. ĐỨC THANH - MINH MẪN |
Theo V.SỰ - Đ.THANH - M.HOA (Tuổi Trẻ)
trẻ sơ sinh bị bắt cóc, bắt cóc trẻ sơ sinh, một ngày tuổi, bệnh viện quận 7