Xã hội

An toàn cháy nổ tại khu nhà trọ sinh viên: Nguy hiểm rình rập

PN - Vụ cháy nổ tại khu phòng trọ trên đường Lý Thường Kiệt (Q.10, TP.HCM) làm bốn sinh viên (SV) tử vong khiến nhiều người giật mình về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các khu nhà trọ.

Vô tư với… tử thần

Tại phòng trọ trên đường Tô Ký (Q.12, TP.HCM), nơi tập trung nhiều SV Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM đang trọ học, theo quan sát của phóng viên Báo Phụ Nữ, hầu hết các dãy phòng trọ này không có bình chữa cháy, không đảm bảo các phương án PCCC được quy định khi kinh doanh phòng trọ.

Phạm Khánh T. (SV năm 2 Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM) thuê trọ tại khu phòng trọ trên đường Tô Ký cho biết, phòng của anh có bốn người, mọi sinh hoạt đều gói gọn trong căn phòng với diện tích khoảng 12m2. Nồi, niêu, soong, chảo và chiếc bếp gas mini cũ kỹ, gỉ sét dùng để nấu ăn của T. cùng những người bạn được để trong một góc nhỏ gần nhà vệ sinh. “Tụi em quen rồi, có sao đâu, đến lượt đứa nào nấu ăn thì những đứa khác tạm lánh. Không phải vì sợ cháy nổ gì đâu, lánh đi nơi khác là do mùi khói, khí gas nồng quá, ngộp thở thôi”, T. vô tư cho biết.

Tại khu phòng trọ số 76/1… P.Linh Tây, Q.Thủ Đức, anh Lê Văn Thành lôi chiếc cưa máy và những bó kẽm, cây nhựa PU trong suốt để cắt thành từng đoạn cung cấp cho các công ty có nhu cầu. Trong tiếng cưa xè xè, tia lửa bắn tứ tung cả khu vực xung quanh mù mịt khói. Điều đáng nói, vị trí Thành đang “làm hàng” nằm giữa khu phòng trọ (sân nhỏ) với gần 30 chiếc xe máy đang dựng ngổn ngang.

Thành, quê Nghệ An, hiện là SV Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM. Những vật liệu mà Thành đang làm dễ gây cháy nổ như: keo, hóa chất, nhựa cao su, mút, giấy… “Được thế này, phần là do mình “biết điều” với anh em phòng bên và chủ nhà trọ nên không ai ý kiến hay làm khó gì” - Thành tâm sự.

Tại các khu nhà trọ, nhiều người vô tư sử dụng bếp gas mini nấu ăn ngay trong phòng  - Ảnh: Phùng Huy

Điếc không sợ súng

Nguyễn Văn H. (SV Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM), trọ tại khu vực đường Dương Quảng Hàm (Q.Gò Vấp) cho biết, do chủ nhà tính tiền điện cao, H. bèn nghĩ ra chiêu câu điện từ ngoài vào. Những chiêu thức câu trộm điện không có gì khó với H. - một SV về điện dân dụng. H. cho biết: “Từ lúc câu được điện, phòng em giảm mỗi tháng hơn trăm ngàn. Bà chủ nhà cũng nghi ngờ nhưng không biết được, bọn em chỉ câu điện buổi đêm thôi”.

Trường hợp các SV thuê trọ nghĩ ra nhiều trò “nghịch dại” đã gây ra hậu quả nghiêm trọng như vụ nổ làm bốn người tử vong tại Q.10 vừa qua, Thượng tá Đinh Văn Ngàn - Trưởng phòng Tham mưu Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết, vụ nổ là do các SV tự mua hóa chất về pha trộn làm thuốc pháo và gây nổ. Khi khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng có thu giữ một số đoạn ống dài, nghi là được dùng để nhồi hóa chất vào tạo pháo hoa. SV Võ Trung Hoàng Văn (SN 1994, là bạn chung phòng trọ với nạn nhân Đoàn Trung Hiếu) tường trình, cách đây khoảng hai ngày Hiếu có lên mạng internet tìm công thức rồi mua hóa chất về chế tạo… pháo hoa, dự tính mang về quê đốt trong dịp Tết.

Theo Thượng tá Ngàn, từ đây đến Tết Nguyên đán, sở này sẽ phối hợp cùng các cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến kiến thức về điều kiện an toàn phòng, chữa cháy; trong đó yêu cầu người dân lưu ý, nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về cấm sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh và sử dụng trái phép các loại pháo nổ, pháo hoa, đốt thả đèn trời… để không xảy ra các vụ đau lòng như trên.

Ngày 12/1, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã đến chia sẻ nỗi đau sau vụ nổ với trường ĐH Bách khoa TP.HCM và gia đình các nạn nhân. Ông Ga khuyến cáo, các trường, các khoa có liên quan đến chế tạo hóa chất, thuốc nổ cần liên tục nhắc nhở, ngăn chặn SV tự ý tìm hiểu, nghiên cứu, chế tạo hóa chất, thuốc nổ để tránh những tai nạn tương tự.

 Phạm Nguyên - Tiến Đạt

www.phunuonline.com.vn

An toàn cháy nổ, khu nhà trọ sinh viên, nguy hiểm rình rập


      © 2021 FAP
        857,464       327