Xã hội

Phải chăng cánh cửa sáng tạo đã mở ra?

PNO - Có thể nói, đề thi năm 2014 đã mở ra được cánh cửa sáng tạo cho học sinh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Bộ GD&ĐT

Về cấu trúc, đề thi môn Ngữ văn năm 2014 chưa có gì mới. Đề thi gồm hai câu: Một câu nghị luận xã hội và một câu nghị luận văn học. Nhìn tổng quan trên cơ sở so sánh với đề thi năm 2013 và những năm trước thì đề thi năm nay ngắn gọn mà sâu sắc, nhẹ nhàng mà tính sáng tạo rất cao. Học sinh có “đất” để “diễn” những trải nghiệm sống, những tư duy sáng tạo của mình.

Đề thi năm nay, tuy không có sự đổi mới về hình thức nhưng rất sáng tạo về nội dung. Có thể nói, đề thi năm 2014 đã mở ra được cánh cửa sáng tạo cho học sinh.

Kỳ thi HSG quốc gia THPT hàng năm do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức là một trong những kỳ thi cấp quốc gia quan trọng, không chỉ có tác dụng phát hiện, bồi dưỡng, vinh danh nhân tài mà còn có ảnh hưởng xã hội rất rộng lớn.

Để tổ chức tốt kỳ thi thì khâu ra đề có tính chất rất quan trọng. Mỗi đề thi đều có những yêu cầu khác nhau nhưng đều hướng đến kiểm tra năng lực tư duy sáng tạo của học sinh. Riêng môn Ngữ văn ngoài kiểm tra tư duy sáng tạo, cảm xúc thẩm mỹ nó còn có tác dụng định hướng những giá trị, kỹ năng sống và thị hiếu thẩm mỹ.

Đề thi HSG quốc gia THPT năm 2013 đã tạo ra một cuộc tranh luận, phản biện khá sôi nổi, trung thực, dân chủ và thẳng thắn trên Phụ Nữ Online. Điều đó chứng tỏ sự quan tâm sâu sắc của bạn đọc đến cuộc thi này.

Câu 1 của đề thi “Phải chăng, sống là toả sáng?”. Rất ngắn gọn nhưng độ mở là rất lớn và độ sâu là thăm thẳm. Ngoài ra, đề cũng không đưa ra một yêu cầu cụ thể về một thao tác lập luận nào, không đưa ra một nhận định, một ý kiến hay một phán đoán logic như vẫn thường thấy. Do đó, độ mở, độ sáng tạo của đề càng lớn.

Đề thi đã đặt ra hàng loạt vấn đề: Con người sống có cần phải toả sáng hay không? Chúng ta phải toả sáng như thế nào? Toả sáng rực rỡ hay toả sáng âm thầm, toả sáng bằng mọi giá? Chúng ta phải toả sáng bằng cái gì? Bằng đôi chân của mình hay đôi chân của người khác? Chúng ta phải toả sáng vì cái gì? Vì riêng bản thân của chúng ta, hay của cộng đồng, hay cả hai? Để trả lời cho hàng loạt câu hỏi trên đòi hỏi các em phải có vốn sống, sự trải nghiệm và bản lĩnh. Từ đó, học sinh phải có chính kiến, có một thái độ tình cảm rõ ràng với những giá trị của cuộc sống, và một kỹ năng lập luận sắc bén.

Tính sáng tạo của đề cho phép các em học sinh có một cái nhìn dân chủ hơn, một cảm quan sâu sắc hơn về cuộc sống. Hy vọng rằng không chỉ đề thi HSG mà cả đề thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh cao đẳng, đại học cũng nên ra theo hướng như vậy. Nó bắt buộc giáo viên phải dạy khác đi và học sinh phải học khác đi.

Thời gian qua, đề thi HSG của một số địa phương có xu hướng đi vào những vấn đề khá nhạy cảm, mà chưa đi được vào những giá trị vĩnh hằng của cuộc sống. Đề thi năm nay đã làm được điều đó.

Tuy nhiên, (có lẽ do người viết là một giáo viên Ngữ văn nên hơi khắt khe) đề thi trên là một câu đặc biệt, câu hỏi tu từ không có chủ thể. Thực vật, động vật (mà động vật bậc cao là con người) đều có quyền sống toả sáng hay không toả sáng. Có thể hiểu rộng như thế vì đề ra một câu hỏi tu từ. Nếu như đề ra với một câu rõ ràng hơn, tỉ như “Phải chăng, con người sống là toả sáng?” thì sẽ toàn vẹn cả lý lẫn tình, vừa đáp ứng được những khắt khe của ngôn ngữ vừa thể hiện được sự sáng tạo. Bởi vì, dù nói thế nào đi nữa, đã là đề thi thì phải chặt chẽ, khoa học.

Đề thi HSG quốc gia môn ngữ văn năm 2014

Câu 2 của đề thi có hình thức khác với câu 1. Đề đưa ra một nhận định “Văn học chân chính ngay cả khi nói về cái xấu, cái ác cũng chỉ nhằm thể hiện khát vọng về cái đẹp, cái thiện” và một yêu cầu về thao tác lập luận “Suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên”.

Cả hình thức, nội dung đề tuy không mới nhưng độ mở, độ sáng tạo rất lớn. Thứ nhất đề thi cho phép học sinh vận dụng mọi kiến thức, kỹ năng mà mình có được (không rập khuôn như đề năm 2013). Thứ hai, đề thi bàn về một vấn đề mà cả học sinh và giáo viên đều hứng thú (khát vọng về cái đẹp, cái thiện của văn chương). Từ việc được tự do trình bày về tác giả, tác phẩm mà mình yêu thích, từ sự hứng thú của bản thân, học sinh có thể bộc lộ những suy nghĩ, cảm nhận của mình một cách tinh tế, sâu sắc và chân thành nhất.

Đề thi này không chỉ bàn về một vấn đề căn bản của văn chương mà còn bàn về một phạm trù của mỹ học: cái đẹp, cái thiện. Ở đây, cả hai đều đòi hỏi học sinh phải hiểu thấu đáo: Văn học chân chính là văn học như thế nào? Khát vọng về cái đẹp, cái thiện được thể hiện trong nội dung hay hình thức của tác phẩm văn chương? Hay thể hiện ở cả nội dung và hình thức? Từ giải quyết một phạm trù của mỹ học đến hiểu thấu đáo những quan niệm văn chương tiến bộ, đòi hỏi học sinh phải thực sự giỏi, phải có vốn kiến thức vừa rộng vừa sâu, có một năng lực cảm thụ văn chương tốt và một tư duy ngôn ngữ sáng tạo.

Rõ ràng, đây là một đề thi không hề dễ nhưng vẫn hay, vẫn lý thú bởi sự hài hoà giữa lý trí và tình cảm. Tuy nhiên (vẫn là hơi khắt khe) nếu câu nhận định, tác giả đề thi đặt thêm một dấu phẩy sau cụm từ “Văn chương chân chính” thì sự diễn đạt sẽ rõ ràng hơn, mạch lạc hơn và chắc chắn hơn.

Rõ ràng, so với đề thi môn Ngữ văn HSG quốc gia THPT năm 2013 thì đề thi môn Ngữ văn năm 2014 đã có sự đổi mới, cải tiến đáng phấn khởi. Nhìn những em học sinh giỏi môn Ngữ văn bước ra khỏi phòng thi với tâm trạng phấn chấn, tôi tin cảm nhận của mình là đúng. Hy vọng đây là những bước đầu tiên trên con đường “Đổi mới căn bản, toàn diện” nền giáo dục nước nhà.

Nguyễn Hữu Chính
(Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Bạc Liêu)

www.phunuonline.com.vn

Đề thi học sinh giỏi quốc gia, môn Ngữ văn


      © 2021 FAP
        857,659       759