PN - Vụ em trai cắt chân chị xảy ra tại Bệnh viện (BV) Xanh Pôn (Hà Nội) khiến dư luận một lần nữa xôn xao về vấn đề an ninh ở các BV. Không chỉ bệnh nhân mà cả đội ngũ y bác sĩ
Những con dao dùng gọt trái cây tại bệnh viện có thể trở thành hung khí nguy hiểm
Vào bệnh viện dễ như vào chợ
Ngày 4/1, tại các Bệnh viện (BV) Ung Bướu TP.HCM, BV Bình Dân, các khoa, phòng bệnh đều có khá đông người. Điều đáng nói là những “người lạ” như chúng tôi vẫn vô tư ra vào phòng bệnh mà không gặp bất cứ một trở ngại nào. Tại BV Ung Bướu, chúng tôi có thể thoải mái đi từ tầng trệt lên các khoa nội 4, nội 3 cùng với nhiều người thăm bệnh khác, dù khi đó tại một số phòng vẫn có nhân viên y tế.
Tương tự, BV Chấn thương chỉnh hình, BV Thống Nhất, BV Nhân Dân 115… chúng tôi cũng lang thang từ khoa này sang khoa kia, phòng này sang phòng khác mà không thấy nhân viên của BV hỏi han gì. Không chỉ vậy, ngoài người nhà, bệnh nhân thì trong khuôn viên BV còn có đội ngũ bán hàng rong, người ăn xin, người lượm ve chai len lỏi vào các hành lang, khuôn viên ghế đá BV để “hành nghề”. Chúng tôi thử vào BV Thống Nhất (Q.Tân Bình, TP.HCM). Tại Khoa Cấp cứu, một bảo vệ đang ngồi bên cạnh trụ ATM gần cửa ra vào khoa, thỉnh thoảng có bệnh nhân thì phụ đẩy băng ca. Chúng tôi dễ dàng lẻn vào phòng cấp cứu lúc này có sáu bệnh nhân và một bác sĩ (BS), hai điều dưỡng. Nhiều BV niêm yết công khai quy định thăm bệnh nhân nhưng chỉ để… cho vui.
Tại BV Cấp cứu Trưng Vương lúc 18g tối 4/1, rảo qua nhiều khoa, chúng tôi ghi nhận chỉ có hai bảo vệ trực ở hai cổng đường Lý Thường Kiệt và Tô Hiến Thành; không thấy bảo vệ đi lại giữa các khoa phòng, thậm chí là Khoa Cấp cứu. Tại Khoa Nội tiết - tổng hợp, nhiều phòng có đông người nhà nhưng có phòng rất yên ắng. Ở phòng số 7, một cụ bà sức khỏe yếu đang nằm trơ trọi. Tại Khoa Cấp cứu, bệnh nhân đang nằm la liệt, còn người nhà thì đi lại tự do, bát nháo. Khu tiếp nhận cấp cứu của BV Cấp cứu Trưng Vương nằm ngay mặt tiền đường Tô Hiến Thành. Điều này sẽ thuận lợi trong công tác cấp cứu, nhưng nếu nhóm giang hồ truy lùng “con mồi” sẽ dễ dàng thực hiện, còn nhân viên y tế khó phản ứng kịp.
Tại nhiều BV ở TP.HCM như BV Ung Bướu, BV Chấn thương chỉnh hình, BV Nguyễn Tri Phương, BV Nhân dân 115, BV Từ Dũ, BV Chợ Rẫy… chúng tôi phát hiện nhiều người đưa dao Thái Lan vào BV để gọt, cắt trái cây. Tuy nhiên, lẽ ra khi sử dụng xong họ phải cất vào tủ vừa gọn gàng, vừa kín đáo, an toàn thì họ vứt lăn lóc trên tủ, trên giường bệnh hay bất cứ vị trí nào mà họ tiện tay. Với các ca bệnh nặng, bệnh nhân rất dễ bị sang chấn tâm lý, khi đó những con dao gọt trái cây này sẽ dễ dàng trở thành hung khí sát thương.
Không chỉ có người nhà, người bán hàng rong ra vào BV tự do mà còn có những băng nhóm, kẻ xấu lợi dụng tình trạng mất cảnh giác trong BV để vào “hành nghề”, gây rối an ninh trật tự. Thời gian qua, đã có những băng nhóm xông vào BV để tấn công bệnh nhân, BS. Gần đây nhất vào cuối năm 2013, hai nhóm người sau khi “nói chuyện” với nhau bằng hung khí ngoài phố lại tiếp tục kéo nhau vào BV Chợ Rẫy để “hơn thua”. Trước đó, vào tháng 9/2013, hơn 30 người cầm dao, mã tấu xông vào BV Nhân dân Gia Định hăm dọa nếu ai điều trị cho đối tượng chúng đang truy lùng thì sẽ bị chém. Do sự an toàn ở các BV không được đặt nặng nên đã có nhiều trường hợp nhân viên y tế bị tấn công, như vụ BS Phạm Đức Giàu (BV huyện Vũ Thư, Thái Bình) bị người nhà bệnh nhân đâm tử vong tại phòng làm việc; bốn y - BS ở BV đa khoa Hà Tĩnh bị hành hung; các BS tại Cà Mau, Bạc Liêu bị côn đồ tấn công...
Nhiệm vụ bất khả thi?
Dù các BV đã tăng cường nhiều biện pháp để hạn chế côn đồ lộng hành, thế nhưng các BS vẫn lo lắng vì nhiệm vụ chuyên môn của BV là cứu người, chăm lo cho người bệnh chứ không thể kiểm soát nổi những vụ việc khác như lực lượng công an.
BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV Q.Thủ Đức (TP.HCM) chia sẻ: “BV Q.Thủ Đức tiếp nhận nhiều vụ đâm chém, va chạm tai nạn giao thông nên chuyện các băng nhóm hay đến BV thanh trừng nhau cũng thường xảy ra. Để hạn chế mất an ninh, BV tăng cường lắp camera ở các khoa phòng, riêng ở những khoa thường xảy ra các vụ hành hung, BV sẽ lắp đến hai camera. Đồng thời, chúng tôi phối hợp chặt chẽ hơn với công an phường để hỗ trợ kịp thời khi BV cần ứng cứu. BV còn tăng thêm lực lượng bảo vệ và tăng cường nghiệp vụ bảo đảm an ninh nên số vụ ẩu đả giảm so với trước”.
Tuy nhiên, không phải BV nào cũng làm được như BV Q.Thủ Đức. Ban giám đốc ở một BV trên địa bàn Q.5 than thở: “Chúng tôi đã nhiều lần báo cáo những đối tượng thường xuyên tụ tập, buôn bán, “cò” khám bệnh… trước cổng BV nhưng công an phường vẫn không nhiệt tình phối hợp ngăn chặn; trừ những lúc TP có chủ trương ra quân để giữ gìn mỹ quan đô thị thì phường làm tích cực theo phong trào. Riêng về lực lượng bảo vệ thì không thể tuyển thêm vì biên chế giới hạn; do đó chúng tôi chỉ tuyên truyền để người bệnh cảnh giác”.
BS Nguyễn Ðức Vũ, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Nhân dân Gia Ðịnh thẳng thắn: “Thực tế, chúng tôi đã tăng cường lực lượng bảo vệ canh giữ từng khoa phòng, nhất là Khoa Cấp cứu, Chấn thương chỉnh hình. Ngoài ra, BV tăng cường giữ gìn an ninh trật tự như: tuyên truyền, cảnh báo trên loa, cung cấp số điện thoại đường dây nóng, trực bảo vệ, lập sổ theo dõi các đối tượng có tiền án tiền sự, tăng cường đội ngũ bảo vệ, tuần tra, cài cắm thêm các chốt bảo vệ công khai - mật, hạn chế và quản lý danh sách người nuôi bệnh… Tuy nhiên, dù camera gắn khắp nơi nhưng không thể nào quản lý nổi kẻ có ý đồ xấu”.
Hiện, mô hình quản lý khu nội trú dịch vụ tại BV ĐH Y Dược TP.HCM được nhiều người đánh giá cao bởi người thân, người thăm nuôi bệnh khi tới đây thì trước hết phải đến liên hệ với lễ tân, nhân viên quản lý khoa phòng để khai báo về mục đích, lý do tìm gặp bệnh nhân… Sau khi kiểm tra thông tin thấy phù hợp thì người vào BV phải để lại giấy chứng minh nhân dân, số điện thoại. Thân nhân người bệnh được cấp thẻ ra vào. Giờ thăm bệnh cũng được quy định và áp dụng rõ ràng, chặt chẽ.
Một số chuyên gia y tế cho rằng, ngành y tế cần tiến tới mô hình chăm sóc toàn diện. Người nhà, người thân chỉ cần ở dưới trại để theo dõi người bệnh trong phòng điều trị qua camera giám sát, như vậy sẽ giảm thiểu được tình trạng lộn xộn tại các phòng bệnh. An ninh trật tự sẽ tốt hơn, người bệnh an toàn hơn.
Vinh Nguyễn - Văn Thanh
Theo thống kê tại BV Chợ Rẫy, trong năm 2013 bảo vệ BV đã phát hiện và xử lý được 696 vụ việc liên quan đến an ninh trật tự. Trong đó, phát hiện và bắt giữ được 29 vụ trộm cắp, bảy vụ lừa gạt tinh vi như giả dạng BS, bệnh nhân và nhà từ thiện. BV cũng ngăn chặn được 48 trường hợp kẻ xấu vào BV “ăn hàng”, xử lý 612 vụ vi phạm nội quy như người bán hàng rong, vé số vào BV để buôn bán, bụi đời vào BV tá túc; chuyển công an phường, quận xử lý 69 vụ việc. Thu hồi cho người bệnh 47.867.000đ, 53 USD, 10.500 riel (tiền Campuchia), một xe gắn máy, hai nhẫn vàng, 16 điện thoại di động. |
An toàn cho bệnh viện, lỗ hổng khó vá