Xã hội

Bình Định: Phụ nữ thoát nghèo nhờ làm kinh tế rừng

PNO - Canh Hòa (Vân Canh, Bình Định) là nơi tập trung nhiều đồng bào Bana, Chăm H’roi sinh sống. Nhờ sự tư vấn, hỗ trợ của Hội LHPN xã, huyện, nhiều chị em hội viên đã mạnh dạn vay vốn làm ăn, chuyển đổi mô hình kinh tế.

Trồng rừng thoát nghèo

Chị Sô Y Thị Khuê (37 tuổi) - Chi hội trưởng Chi hội PN làng Canh Lãnh, xã Canh Hòa, huyện Vân Canh (Bình Định), nói: “Trước đây làm rẫy, trông chờ vào mấy rẫy lúa, ngô… chẳng đủ cái ăn, cái mặc. Năm nào cũng làm quần quật mà vẫn thiếu ăn. Qua những lần sinh hoạt PN các cấp, thấy nhiều chị em mạnh dạn làm kinh tế thoát nghèo, mình cũng học theo. Mạnh dạn vay vốn từ ngân hàng chính sách tại địa phương, gia đình mình trồng rừng. Năm 2006, mình bắt đầu trồng keo lai trên vùng đất rẫy của gia đình trước đây. Với gần 5 hecta keo lai, mỗi năm gia đình mình thu nhập hơn 50 triệu đồng. Trồng xen keo cùng với ngô, mì, lạc… có thêm nguồn thu từ nông sản. Nhờ đó, mình có tiền trả nợ, tích cóp xây được nhà mới khang trang, kiên cố, chăm con đi học”.


Chị em xã Canh Hòa lên phát rừng keo lai

Làng Canh Lãnh, xã Canh Hòa có 102 hộ, trong đó có 85 hộ là chị em hội viện Chi hội PN. Gắn kết với nhau qua các buổi sinh hoạt, chị em ở Canh Lãnh hỗ trợ nhau phát triển kinh tế. 100% gia đình hội viên làm kinh tế rừng. Làng Canh Lãnh, một trong 3 làng (Canh Lãnh, Canh Thành, Canh Phước) phát triển nhất nhờ thế mạnh kinh tế rừng. “Nhờ trồng rừng, giữ rừng mà mình có cơm ăn, áo mặc, con mình được đi học. Không lo thiếu thốn như trước đây, nhà nào cũng có nhà kiên cố, có nhà sàn… mình ưng cái bụng lắm. Cảm ơn hội PN luôn tạo điều kiện cho mình làm ăn” - Chị Đinh Thị Thu, Hội viên PN làm kinh tế giỏi của làng Canh Lãnh, chia sẻ.

Kinh tế phát triển, thay đổi lối sống, cách nghĩ

Đi liền với sự phát triển về kinh tế là thay đổi trong lối sống, cách nghĩ của đồng bào dân tộc thiểu số Canh Hòa. Chị Nguyễn Thị Tín ( làng Canh Phước, Canh Hòa, Vân Canh), nói: “Có tiền, trước tiên là nâng cao mức sống gia đình, cho con đi học. Được học hành mới thoát nghèo, thoát khổ, nên tôi cố gắng cho các con học hành đến nơi, đến chốn. Một điều dễ nhận thấy, kinh tế phát triển, cuộc sống thoải mái, vợ chồng con cái không còn lo đói, nghèo. Nhờ vậy, những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống ít xảy ra hơn”.


Nhờ trồng keo lại, đời sống của nhiều gia đình ở xã Canh Hòa khấm khá thấy rõ 

Theo nhận xét của chị Sô Y Thị Khuê (dân tộc Bana), từ ngày làm kinh tế rừng, có tiền, nhiều chị em làng Canh Lãnh đều thay đổi trong cách giáo dục và chăm sóc con cái, xây dựng tổ ấm. Chị Khuê nói: “Trẻ con trong làng giờ đã biết đọc, biết viết, ở làng không còn nạn tảo hôn như ngày xưa. Nhận thức của chị em thay đổi rồi, nhiều chị còn chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, giữ hạnh phúc gia đình cho chị em khác. Mọi người hào hứng hơn với những buổi sinh hoạt phụ nữ, học tập được nhiều cái mới hơn”.

Những năm qua, hội viên PN Canh Hòa nỗ lực phát triển chi hội PN xã, xây dựng nhiều CLB, mô hình có ích như CLB thể dục thể thao, CLB không hút thuốc lá, CLB không sinh con thứ 3, mô hình gia đình bền vững…

Chị Đinh Thị Liên - Chủ tịch Hội PN xã Canh Hòa, cho biết: “Nhìn chung suy nghĩ, nhận thức của chị em ở xã có những thay đổi tích cực. Nhờ đó, chi hội PN ở Canh Hòa ngày càng phát triển, là chỗ dựa vững chắc cho chị em. Tại địa phương, những hủ tục lạc hậu bị xóa bỏ, thay vào đó là những cách làm mới, suy nghĩ hay của hội viên phụ nữ, hạn chế được bạo lực gia đình, tình trạng thất học…”.

DỊU DỊU

www.phunuonline.com.vn

Bình Định, phụ nữ thoát nghèo, kinh tế rừng


      © 2021 FAP
        857,880       757