Ăn để khỏe

8 lợi ích tuyệt vời của cây sả

PNO - Với nguồn dinh dưỡng dồi dào, cung cấp nhiều vitamin, folate, ma-giê, kẽm, đồng, sắt, kali, phốt-pho, canxi, mangan, sả mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

 

Với hương và mùi vị khá nồng, phần thân sả thường được sử dụng trong chế biến món ăn. Phần ngọn sả nhiều xơ tuy không dùng nấu ăn nhưng có thể ép lấy nước hoặc pha trà. Thức uống từ sả đặc biệt hữu dụng, nhất là trong việc giúp cơ thể đào thải chất độc, tái lập cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột. Hơn nữa, dầu sả được chiết xuất từ lá và thân có thể dùng làm thuốc chống côn trùng, làm xà phòng, nước hoa và hương liệu.

Cây sả mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhờ khả năng kháng khuẩn, chống oxy hóa, kháng viêm và chống ung thư.

1. Hỗ trợ tiêu hóa

Với đặc tính kháng khuẩn, sả giúp điều hòa chức năng đường ruột, tiêu diệt vi khuẩn có hại và ký sinh trùng, phục hồi lại các vi khuẩn tốt. Từ đó cải thiện các vấn đề liên quan đến tiêu hóa như: khó tiêu, táo bón, tiêu chảy, đầy hơi, co thắt dạ dày, nôn mửa, đau bụng...

2. Chống ung thư

Một nghiên cứu cho thấy sả có chứa chất citral, thành phần kháng ung thư giúp tiêu diệt tế bào ung thư, bảo vệ các mô khỏe mạnh. Nhưng không có nghĩa là chỉ uống nước ép sả hoặc trà sả bạn có thể không mắc bệnh ung thư mà cần có chế độ ăn uống và chăm sóc sức khỏe hợp lý.

3. Ngăn ngừa thiếu máu

Nhờ hàm lượng chất sắt cao - chất cần thiết cho sự tổng hợp hemoglobin, giúp vận chuyển oxy cho các tế bào trong cơ thể, sả có công dụng điều trị nhiều loại bệnh thiếu máu, nhất là thiếu máu do thiếu sắt.

4. Trị các bệnh về viêm nhiễm

Do đặc tính kháng viêm và chống nhiễm khuẩn, nước ép từ sả có thể dùng như một loại thuốc hỗ trợ điều trị viêm khớp, gout và viêm đường tiết niệu.

Cũng nhờ đặc tính kháng khuẩn, trà sả có tác dụng loại bỏ các vi sinh vật gây hại cho cơ thể, trị các bệnh về nấm, nhiễm trùng nấm men.

5. Thanh lọc cơ thể

Một trong những công dụng lớn nhất của sả là thanh lọc cơ thể. Với nhiều chất chống oxy hóa, chống nhiễm khuẩn, sả giúp làm sạch và thanh lọc gan, thận, bàng quang, tuyến tụy, tăng cường lưu thông máu. Tác dụng lợi tiểu của sả cũng giúp loại bỏ độc tố hiệu quả.

6. Cải thiện hệ thần kinh

Thành phần ma-giê, phốt-pho và folate trong sả là những dưỡng chất thiết yếu cho hệ thần kinh, giúp cải thiện sự tập trung, trí nhớ và khả năng xử lý thông tin của não.

Ngoài ra, tác dụng làm dịu và tinh chất tự nhiên của sả cũng giúp cải thiện giấc ngủ.

7. Thông hơi đường hô hấp

Tinh dầu dễ bay hơi trong sả rất có lợi cho đường hô hấp, giúp điều trị các triệu chứng liên quan đến bệnh cúm, cảm lạnh hoặc sốt.

8. Làm đẹp da 

Thường xuyên uống trà sả sẽ giúp cải thiện các vấn đề về da như mụn trứng cá, chàm và bệnh vẩy nến. Ngoài ra, với tác dụng thanh lọc, sả cũng giúp giảm cân hiệu quả.

Cách dùng sả

Cả lá, thân và củ sả đều sử dụng được. Khi chế biến món ăn, để sả phát huy công dụng, bạn nên đập dập hoặc băm nhuyễn, dùng để phi thơm hay cho vào các món ăn như súp, canh, cà ry, nước chấm...

Đơn giản và hiệu quả nhất là uống trà sả. Thành phần dinh dưỡng trong sả không bị phá hủy bởi nhiệt mà còn tiết ra những tinh dầu thiết yếu khi cho vào nước sôi. Bạn có thể ép sả lấy nước (hoặc đập giập, đun sôi sau đó cho túi trà vào.

Để nấu nước sả, đập giập sả cho vào nước nấu sôi, tùy thích thêm gừng hay lá dứa vào cho thơm, nêm bằng đường phèn, mật ong. Trà sả khi uống có thể vắt thêm chanh vào.

NGUYỄN HIẾU 

(Theo juicing-for-health.com)

www.phunuonline.com.vn

cây sả, tinh dầu sả, công dụng sả


      © 2021 FAP
        145,925       1,221