PNO - Bụp giấm giàu canxi, niacin, riboflavin, vitamin C... Bạn có thể trồng loại hoa này trong vườn nhà để lấy đài hoa làm nước uống hoặc ngâm làm thuốc chữa bệnh.
Bụp giấm (hibicus) giàu canxi, niacin, riboflavin, vitamin C, chất sắt, thường được sử dụng như phương thuốc nhuận tràng, lợi tiểu, tốt cho mật, thận cũng như trong điều trị ung thư.
Tại khu vực Đông Phi, trà Sudan làm từ bụp giấm được dùng như một phương thuốc chữa ho dân gian. Ở Senegal, bụp giấm được chiết xuất làm thuốc giảm huyết áp. Tại Ấn Độ, châu Phi và Trung Mỹ, dịch truyền làm từ hạt bụp giấm là một loại thuốc lợi tiểu, kích thích sản xuất mật và để điều trị sốt.
Nhờ công dụng giải khát hiệu quả, đồng thời bài tiết các chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể, bụp giấm còn có thể dùng làm thức uống cho những người chơi thể thao.
Hạ huyết áp
Bụp giấm chứa nhiều bioflavonoids, một chất chống oxy hóa có tác dụng ngăn cản quá trình oxy hóa lipoprotein, giúp hạ huyết áp. Một nghiên cứu được thực hiện tại đại học Tufts (Mỹ) trên 70 người cho thấy, một nửa trong số họ đã uống trà bụp giấm mỗi ngày một lần và một nửa khác uống 25mg thuốc chống cao huyết áp mỗi ngày hai lần. Sau một tháng, 79% những người uống trà cùng giảm huyết áp như những người uống thuốc.
Không chỉ giảm huyết áp hiệu quả, bụp giấm còn có tác dụng lợi tiểu, nhuận tràng, an thần, kháng viêm…
Giảm cân
Khi một người tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu carbohydrate, cơ thể có nhiều khả năng sẽ tăng cân. Bụp giấm có tác dụng ức chế men amylase, một loại enzyme có thể phá hủy nhanh lượng tinh bột thừa. Do vậy người thường xuyên uống trà bụp giấm có thể ngăn chặn sự hấp thụ quá nhiều carbohydrate và đạt được hiệu quả giảm cân.
Giảm ho và cảm lạnh
Hoa bụp giấm tươi chứa khoảng 6,7mg acid ascorbic, một dạng của vitamin C, giúp tăng sức đề kháng. Cùng với lợi ích này, bụp giấm còn được biết đến với đặc tính chống viêm và kháng khuẩn nhẹ. Sử dụng trà bụp giấm thường xuyên được xem như một cách hữu hiệu để ngừa ho và cảm lạnh.
Giàu dinh dưỡng
Bụp giấm được xem như một thực phẩm bổ sung năng lượng tuyệt vời đồng thời giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể khi chứa đủ chất béo, protein, chất xơ, canxi, phốt pho, sắt, carotene...
Cách dùng bụp giấm
Bụp giấm có thể làm trà, mứt, si-rô... Si-rô bụp giấm có vị chua thanh tự nhiên, rất thích hợp khi pha trộn với một ít mật ong, đường, đá hoặc kết hợp với các loại nước ép trái cây như dứa, nước cam… để làm thức uống bổ dưỡng.
Không chỉ ở Việt Nam, bụp giấm còn được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực thế giới. Ở Miến Điện bụp giấm thường được ăn sống, xào với tỏi, tôm và ớt xanh hoặc nấu với cá. Ở Ấn Độ hoa bụp giấm được nấu cùng thịt gà, cá, cua hoặc thịt lợn. Tại châu Phi, trà bụp giấm thường được bán trên đường phố và những bông hoa khô có thể được tìm thấy ở khắp các chợ. Giới trẻ Thái Lan lại thích rưới si-rô bụt giấm ngọt lịm lên đá bào.
Tại Mỹ và châu Âu, bụp giấm được sử dụng làm chất tạo màu thực phẩm. Ngoài ra, bụp giấm còn là một thành phần yêu thích trong các loại trà thảo dược hỗn hợp châu Âu.
Lưu ý khi sử dụng bụp giấm
Trà hoa bụt giấm là một bổ sung tốt cho bất kỳ chế độ ăn uống nào, có tác dụng duy trì mức cholesterol, giảm huyết áp và là một phương thuốc tự nhiên hiệu quả cho một số vấn đề sức khỏe.
Nếu có kế hoạch sử dụng loại trà này như một thức uống giải khát hằng ngày, bạn nên dùng hai tách trà mỗi ngày, với liều lượng 250mg bụp giấm sấy khô mỗi lần. Thức uống này được coi là an toàn cho hầu hết mọi người, nhưng nó không được khuyến khích trong khi mang thai hoặc phụ nữ đang nuôi con, bởi các nhà khoa học tin rằng trà bụp giấm có thể dẫn đến sẩy thai.
NGUYỄN AN
(Theo esgreen.com)
hoa bụp giấm, si-rô bụp giấm, hibicus