Ăn để khỏe

Vị thuốc từ lá gia vị Tây

PNO - Trong món Âu, gia vị Tây cũng có công dụng tương tự lá gia vị Việt, vừa được dùng làm rau nêm vừa là vị thuốc chữa bệnh.

Lá gia vị Tây vừa là rau nêm vừa là vị thuốc. Ảnh minh họa: Internet 

Tương tự như món Việt, lá gia vị Tây cũng rất đa dạng, gồm các loại ngò (parsley), húng quế (basil), kinh giới (oregano), xạ hương (thyme),... Ngoài dùng để tăng hương vị, những loại rau này còn có nhiều công dụng đối với sức khỏe.

Parsley (ngò)

Có 2 loại là lá xoăn (curly parsley) và lá thẳng (flat parsley, gần giống cần tây). Flat parsley vị đậm hơn, hay dùng cho các món súp, hầm, sốt, salad, bánh mì bơ tỏi, khoai tây nghiền... Parsley thường được xắt nhỏ, rắc lên món ăn mới chế biến.

Tuy là rau nêm nhưng parsley lại rất giàu vitamin (hơn cả cam), sắt, canxi, nên khi dùng loại rau này, bạn đã bổ sung cho cơ thể được nhiều vitamin và khoáng chất. Ngoài ra, parsley còn có tác dụng lợi tiểu, tăng cường chức năng thận và gan.

Bay leaf (nguyệt quế) - basil (húng quế)

Đây là hai loại lá gia vị quen thuộc trong các món Âu. Bayleaf thơm dai, thường dùng để ướp hoặc cho vào các nấu lâu như hầm, ragu, đút lò... Basil rất hợp vị với cà chua và chỉ ngon nhất khi dùng tươi, nên thường cho vào sau cùng để tránh mất hương vị, đây là gia vị quen thuộc trong các món Ý, như spaghetti, pizza, xốt pesto...

Basil và bayleaf vị cay, tính ấm, có tác dụng kích thích tiêu hóa, kháng khuẩn. Basil chứa nhiều khoáng chất, nhất là magiê, tốt cho xương khớp, tim mạch, giúp giảm đau nhức, viêm nhiễm. Ngoài ra, tinh dầu basil còn có chất chống oxy hóa nên thường được dùng để dưỡng da, làm đẹp.

Thyme (cỏ xạ hương)

Lá thyme có vị cay nồng, thường dùng để ướp thịt cừu, thịt bò, các món cá nướng. Thyme có thể dùng dạng tươi hoặc khô, loại gia vị này thơm dai nên thích hợp với các món hầm, súp...

Ngoài dùng làm gia vị, thyme cũng là một loại thảo dược có tính kháng khuẩn, khử trùng hiệu quả, giúp chữa các bệnh ngoài da và ngăn ngừa những bệnh về đường hô hấp.

Rosemary (hương thảo)

Đây là gia vị không thể thiếu của món nướng, đặc biệt thích hợp với thịt gà, thịt bò. Rosemary vị thơm mạnh, lan tỏa và bền lâu, dùng để khử mùi thịt cừu rất tốt. Vì thơm lâu nên rosemary thường dùng cho các món súp, hầm, chế biến xốt...

Rosemary có khả năng xoa dịu những cơn đau và là một vị thuốc bổ não, giúp cải thiện trí nhớ, giảm căng thẳng, mệt mỏi. Chị em phụ nữ rất ưa chuộng rosemary vì tinh dầu của nó đặc biệt tốt cho tóc, có tác dụng trị gàu, bổ sung dưỡng chất cho da đầu. Ngoài tóc, rosemary cũng rất tốt cho da, giúp da mịn màng, trắng sáng.

Oregano - Marjoram (kinh giới)

Oregano là gia vị quen thuộc của pizza, vị thơm nồng, cay ấm, đặc biệt hợp với các món đi kèm với xốt cà chua kiểu Ý. Marjoram vị nhẹ hơn, hơi ngọt, thường dùng để thêm hương cho các loại thịt, cá, rau và các món súp.

Tinh dầu oregano và marjoram có tác dụng khử trùng, sát khuẩn, hỗ trợ tiêu hóa, giúp trị ho, giảm đau. Ngoài ra, oregano còn là thảo dược trị mụn rất hiệu quả.

Peppermint (bạc hà)

Hình dáng giống húng lũi, vị cay đậm, thơm mát. Đây là hương vị quen thuộc của các loại thức uống, nhất là cocktail. Peppermint thường dùng làm kem, siro, sốt, ướp thịt gà, cá...

Peppermint có thể chữa cảm sốt, nghẹt mũi, nhức đầu, ăn uống khó tiêu. Đặc biệt, peppermint được biết đến nhiều nhất là tinh dầu, được ứng dụng rộng rãi trong các ngành mỹ phẩm, thực phẩm, dược phẩm...

Tinh dầu peppermint dùng trị các bệnh về hô hấp rất hiệu quả, như ho, hen suyễn, khó thở... Trong làm đẹp, tinh dầu peppermint giúp làm sáng da, đẹp tóc, trị các vết thâm, mụn, khô môi...

Sage (xô thơm)

Sage có vị thơm nồng, the, hơi đắng, thích hợp với các loại thịt gia cầm, thịt heo, cà tím... Sage thường dùng cho các món nướng, làm phô-mai, nước sốt, xúc xích, ướp thịt.

Sage có tác dụng kháng viêm, trị khó tiêu, rối loạn đường ruột, đau nhức. Loại lá gia vị này cũng giúp tăng cường trí nhớ, giảm căng thẳng thần kinh. Cũng như peppermint, sage còn có thể lấy tinh dầu, dùng chăm sóc sắc đẹp, trị liệu các vấn đề về sức khỏe.

Lavender (oải hương)

Nói đến lavender, người ta sẽ nghĩ ngay đến những cánh đồng oải hương tím biếc và các loại nước hoa, sữa tắm có hương thơm quyến rũ. Nhưng thật ra lavender không chỉ để ngắm hay ngửi mà còn có thể chế biến món ăn, dùng làm bánh, mứt, trà, rau trộn, gia vị tẩm ướp...

Không chỉ có hương và sắc, thảo mộc lavender còn có tính sát trùng, kháng khuẩn, giúp mau lành vết thương, giảm đau, suy nhược thần kinh. Hương thơm của lavender cũng có tác dụng đuổi côn trùng rất hiệu quả.

Minh Anh

www.phunuonline.com.vn

lá gia vị Tây, ăn để khỏe, món ăn bài thuốc


      © 2021 FAP
        122,311       911