Giám đốc Sở KHCN Nguyễn Việt Dũng khẳng định rằng, đối với việc thúc đẩy hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo tại TP.HCM, thì hai yếu tố quan trọng chính là năng suất chất lượng và tài sản trí tuệ.
Tại buổi khánh thành và đưa vào hoạt động Văn phòng đại diện tại TP.HCM của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (VIPRI) vào sáng 15/2 vừa qua, Giám đốc Sở KHCN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng cho biết, đối với việc thúc đẩy hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo tại TP.HCM, có hai yếu tố quan trọng là năng suất chất lượng và tài sản trí tuệ.
Về năng suất chất lượng, khảo sát cho thấy, 70% doanh nghiệp ngành công nghiệp trọng yếu của Thành phố đã có hoạt động năng suất chất lượng. Những doanh nghiệp có ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng đạt được doanh số tăng từ 3–7 lần.
Về tài sản trí tuệ, tỷ lệ các doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động quản trị khai thác phát triển tài sản trí tuệ chưa đánh giá được mức độ đóng góp của lĩnh vực này trong sự phát triển kinh tế - xã hội.
Giám đốc Sở KHCN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng |
"Với việc hợp tác này, Sở KHCN kỳ vọng đưa hoạt động tài sản trí tuệ tại TP.HCM bước sang một giai đoạn mới, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố", ông Dũng nhấn mạnh.
Ông Tạ Quang Minh - Viện trưởng VIPRI cho biết rằng TP.HCM và các tỉnh khu vực phía Nam là nơi tập trung nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, cùng với phong trào khởi nghiệp đang diễn ra sôi động.
Dịp này, Viện KHSHTT và Sở KHCN TP.HCM cũng tổ chức trao đổi thỏa thuận hợp tác về sở hữu trí tuệ.
Theo đó, hai bên sẽ phối hợp triển khai các hoạt động tư vấn, thông tin, đào tạo, giám định, thẩm định giá, nghiên cứu khoa học về sở hữu trí tuệ, nhằm phục vụ và hỗ trợ việc phát triển và quản trị tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cũng như hoạt động quản lý nhà nước.
Đồng thời, Viện KHSHTT và Sở KHCN TP.HCM cũng hợp tác với một số cơ quan khác như Cục Quản lý thị trường TP.HCM, Cục Hải quan TP.HCM, Hội Sáng chế Việt Nam, Viện Quản trị tài sản trí tuệ Minh Đức... để triển khai thỏa thuận hợp tác về SHTT.
"Trong khuôn khổ hợp tác với Sở KHCN TP.HCM, sự hiện diện của Văn phòng đại diện VIPRI có ý nghĩa góp phần gia tăng hiệu quả hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tại khu vực phía Nam trong hoạt động phát triển tài sản trí tuệ", ông Minh nói, "VIPRI sẽ triển khai ngay các dịch vụ liên quan đến đào tạo, tư vấn, giám định và thẩm định giá về sở hữu trí tuệ (SHTT), hỗ trợ khai thác thông tin sở hữu công nghiệp và bảo hộ, quản trị tài sản trí tuệ (TSTT),… để thúc đẩy các hoạt động này phát triển mạnh mẽ hơn nữa tại TP.HCM".
Ngay sau lễ khai trương, VIPRI phối hợp với Trung tâm quốc gia về Đào tạo và Thông tin Nhật Bản (INPIT) tổ chức hội thảo “Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp bảo hộ, quản trị TSTT” nhằm trao đổi thông tin, kinh nghiệm của Nhật Bản trong hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp bảo hộ quyền SHTT; giới thiệu hoạt động nghiên cứu, đào tạo, giám định và định giá về SHTT của VIPRI; giới thiệu các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ, thông tin sở hữu công nghiệp do VIPRI cung cấp cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ở khu vực phía Nam. Về dịch vụ tư vấn, hỗ trợ khai thác thông tin, VIPRI đã xây dựng và cung cấp hệ thống cơ sở dữ liệu và dịch vụ thông tin sở hữu công nghiệp. Các nhà khoa học, doanh nghiệp có thể sử dụng chức năng tra cứu, gửi yêu cầu dịch vụ (về nộp đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, theo dõi đơn/bằng sở hữu công nghiệp, tra cứu thông tin sở hữu công nghiệp, theo dõi tình hình đăng ký/bảo hộ, đánh giá khả năng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, giám định sở hữu công nghiệp,…), cập nhật thông tin, sàn giao dịch,… của hệ thống, tạo thuận lợi cho việc khảo sát, nghiên cứu, tìm kiếm thông tin liên quan đến các đối tượng SHTT. Ngoài ra, VIPRI đang chủ trì thực hiện dự án “Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp bảo hộ, quản trị TSTT ở trong và ngoài nước” (từ tháng 9/2018 – tháng 8/2020) với các nội dung hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng về quản trị TSTT; tư vấn về tạo dựng, xác lập và bảo vệ quyền SHTT, thương mại hóa TSTT và quản trị TSTT; khai thác thông tin sở hữu công nghiệp, đăng ký bảo hộ, bảo vệ quyền SHTT, thương mại hóa và quản trị TSTT. Những nội dung này dành cho đối tượng là các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, tổ chức KH&CN, cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức trung gian, hiệp hội,… trên địa bàn cả nước với mức hỗ trợ kinh phí từ 50-100%. |
đổi mới sáng tạo, năng suất chất lượng, tài sản trí tuệ