Công nghệ - Sản phẩm

Hướng đi nào cho Ngành Công nghiệp Vi mạch bán dẫn?

Thị trường linh kiện và thiết bị tự lắp ráp, thay thế trên thị trường hiện chiếm chưa đến 20%, theo báo cáo của HSIA. Đó là con số chưa hấp dẫn nhà sản xuất, kinh doanh điện tử, vi điện tử dạng linh kiện. Vậy hướng đi nào tại Việt Nam để phát triển ngành sản xuất linh kiện thông minh chính là công nghiệp vi mạch bán dẫn?

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được thúc đẩy bởi các tiến bộ bao gồm sản xuất thông minh, robot, trí tuệ nhân tạo và Internet of Things (IoT). Đối với các công ty công nghệ cao thì chất lượng nguồn nhân lực luôn là yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững. Muốn phát triển thị trường linh kiện thông minh, cần tiến tới xây dựng ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn với các bước đi đồng bộ từ các khâu đào tạo chuẩn bị nguồn nhân lực đến nghiên cứu thiết kế và sản xuất thử nghiệm; từ phát triển thị trường đến thương mại hóa và sản xuất quy mô công nghiệp các sản phẩm vi mạch bán dẫn; xây dựng cơ chế chính sách phù hợp và tuyên truyền phổ biến cho ngành vi mạch bán dẫn.

Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TPHCM, Ông Nguyễn Thế Nghĩa trao hoa chúc mừng Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HSIA tái đắc cử Nhiệm kỳ II

Nhìn thấy tầm quan trọng và nhu cầu phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn, UBND TPHCM đã ban hành và chỉ đạo các Sở ban ngành thành phố tập trung triển khai đẩy mạnh việc thực hiện “Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2030".

Trong gian đoạn 2013-2018, Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TPHCM (HSIA) đã tích cực tham gia xây dựng dự thảo Chương trình vi mạch quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ và phân công của Ban chỉ đạo chương trình vi mạch thành phố nhằm huy động toàn lực của cả nước trong phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của đất nước, tạo ra thị trường lớn của cả nước.

Bà Công Tằng Tôn Nữ Thuỳ Trang, Tổng Giám đốc ITO Việt Nam phát biểu phương hướng phát triển dây chuyền lắp ráp tự động và thiết kế tại Việt Nam các vi mạch cảm biến trong chuỗi sản xuất điện thoại di dộng.

Các Hội viên của HSIA là những cá nhân, đơn vị có uy tín và nguồn lực lớn trong lĩnh vực vi mạch điện tử, giữa các Hội viên có mối quan hệ mật thiết, có sự đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau với mong muốn phát triển ngành công nghiệp vi mạch và đóng góp cho sự phát triển chung của thành phố.

Theo báo cáo của HSIA tại Đại hội đại biểu Nhiệm kỳ II diễn ra ngày 27/06/2019, giai đoạn tới đây các thương hiệu lớn của Nhật bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu và trong nước đã và đang khẳng định và chiếm lĩnh trị trường, thu hút nguồn nhân lực –kỹ sư, kỹ thuật viên có trình độ cao và có nhiều hợp tác với các trường/viện về đào tạo, tập huấn và nghiên cứu- chuyển giao công nghệ.

Số lượng sinh viên theo học các ngành về công nghệ thông tin, điện - điện tử, viễn thông, khoa học vật liệu... ngày càng tăng về số lượng và điểm đầu vào vì đầu ra được thu hút lớn (vị trí và thu nhập cao, công việc có hàm lượng chất xám cao, điều kiện học tiếp sau đại học tốt, có thể start up...).

HSIA ra mắt Ban chấp hành - Ban Kiểm tra HSIA nhiệm kỳ II

Đó là những mặt thuận lợi để HSIA tiếp tục phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Phương hướng nhiệm kỳ II (2019-2024) HSIA sẽ phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan triển khai Đề án phát triển thị trường vi mạch điện tử thuộc ”Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2030”. Hội cũng sẽ tổ chức các cuộc thi thiết kế và ứng dụng vi mạch Việt đến mọi đối tượng quan tâm đến ngành công nghiệp vi mạch trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng, giao thông vận tải và quản lý xuất nhập khẩu.

Liên kết trong lĩnh vực sản xuất giữa các hội viên, tập trung đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp và thu hút đầu tư vào ngành vi mạch bán dẫn và điện- điện tử cũng là hoạt động trọng tâm của HSIA trong giai đoạn 2019-2024.

Tình hình kinh tế toàn cầu và kinh tế Việt Nam trong khoảng thời gian 2019-2024 dự kiến còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Điều này tác động rất lớn đến các hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện tử, vi mạch – bán dẫn. Chương trình đào tạo và nghiên cứu, triển khai ứng dụng của trường/viện và doanh nghiệp đã có bước tiến lớn trong định hướng, cập nhật công nghệ nhưng vẫn chưa thiết lập đước mối quan hệ chặt chẽ với doanh nghiệp. Một số chính sách của chính phủ để thắt chặt mối hợp tác này chưa đủ mạnh và còn quá ít.

Ông Hà Thân, Chủ tịch và Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt phát biểu phương hướng phát triển các hệ thống AI, ML tại Việt Nam.

Nhìn nhận những thách thức này, tại Đại hội đại biểu nhiệm kỳ II, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HSIA tái đắc cử ở nhiệm kỳ này cũng cho biết sẽ chọn hợp tác quốc tế với các đối tác tập đoàn doanh nghiệp, trường/viện làm lực đẩy cho hoạt động trong nước.Đồng thời các doanh nghiệp lớn trong nước sẽ là đầu tàu kéo, cùng các start-up hình thành hệ sinh thái.

HSIA sẽ phối hợp với các hiệp hội ngành vi mạch thế giới đã ký kết hợp tác tổ chức các hội thảo kết nối cung cầu, kết nối kinh doanh, thu hút đầu tư, gia công sản xuất... như: Hội Công nghệ Thiết bị và Vật liệu Bán dẫn Quốc tế (SEMI), Hội đổi mới Công nghệ Điện tử và Bán dẫn KYUSHU (SIIQ), Hội Công nghiệp bán dẫn Singapore (SSIA), Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn Hàn Quốc (KSIA).

Theo khampha

PCWorld

Hội Vi Mạch, khoa học công nghệ


      © 2021 FAP
        2,885,195       613