“Đổi mới sáng tạo cả về công nghệ, mô hình kinh doanh, mô hình quản trị sẽ giúp miền Trung bứt phá”, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), Phó Trưởng ban Tuyên giáo TW chia sẻ trong phát biểu khai mạc Hội thảo Hợp tác Phát triển CNTT-TT lần thứ 23, năm 2019 tại Phú Yên.
Trong bối cảnh, các tỉnh miền Trung tuy nhiều thế mạnh về cảnh vật thiên nhiên nhưng ứng dụng CNTT chỉ mới triển khai được trong một số lĩnh vực hạn hẹp, hội thảo mang đến nhiều định hướng hay không chỉ cho Phú Yên mà cả vùng miền Trung. Đó là xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi thành trung tâm kết nối hạ tầng số, nghiên cứu phát triển và đào tạo về CNTT.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cuộc cách mạng về công nghệ, nhất là các công nghệ số, cái quyết định không phải máy móc mà là trí tuệ con người. Các tỉnh miền Trung có nhân lực phù hợp để xây dựng các trung tâm NCPT, các trung tâm phát triển công nghệ 4.0. Ví dụ, tại Bình Định, FPT đang đầu tư phát triển AI, TMA đang đầu tư phát triển công nghệ cao. Bởi vậy, tập trung cho đào tạo, từ phổ thông tới đại học, khơi dậy tinh thần ham học, kêu gọi các tập đoàn, công ty lớn tới đây đầu tư NCPT có thể sẽ là con đường đi căn cơ cho miền Trung. Các trường đại học chất lượng cao miền Trung sẽ là nhân tố quan trọng.
Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ trưởng Bộ TTTT, Phó Trưởng ban Tuyên giáo TW Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội thảo. |
Hạ tầng viễn thông-CNTT là nền tảng của kinh tế số và xã hội số, do vậy cần được đầu tư đi trước. Các tỉnh miền Trung lại càng phải dựa vào hạ tầng số, công nghệ số để giải quyết các vấn đề của mình và để phát triển. Đầu tư hạ tầng số chỉ khoảng 1/10-1/20 so với hạ tầng giao thông. Muốn là trung tâm phát triển công nghệ thì điều kiện tiên quyết là hạ tầng VT-CNTT. Các tỉnh miền Trung cần phải đi đầu về VT-CNTT. Bộ TTTT sẽ chỉ đạo xây dựng miền Trung thành một Hub về ICT, kết nối quốc tế.
Ông Phan Đình Phùng, Phó chủ tịch UBND Phú Yên trình bày tại buổi làm việc cùng đoàn công tác từ Bộ TTTT và các Hội, các doanh nghiệp. |
Với chuyên đề “Chuyển đổi số: Nông nghiệp, Du lịch và Biến đổi khí hậu, môi trường thông minh”, các nhà quản lý, chuyên gia CNTT trao đổi các nội dung: Thực tiễn tại Đà Nẵng; Giải pháp giám sát đô thị thông minh bằng AI Camera; Quan trắc chất lượng nước nuôi trồng thủy sản và môi trường ở Phú Yên; Bảo mật và Chiến lược an toàn thông tin cho TP thông minh; Chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Việt Nam; IoT và AI trong trồng trọt...
Tại phiên khai mạc Hội thảo, các nhà quản lý và chuyên gia chia sẻ một số kinh nghiệm về: Xu thế “Chuyển đổi số” – cơ hội và thách thức với Việt Nam; Đề án Chuyển đổi số Quốc gia; Đề xuất giải pháp thúc đẩy nhanh Chuyển đổi số Quốc gia; Thúc đẩy cách bạn sống và làm việc (Accelerating the way you live & work); Xu hướng an toàn thông tin trong chuyển đổi số Các giải pháp đồng bộ xây dựng hệ thống kho dữ liệu dùng chung; Hệ thống ứng dụng CNTT phục vụ điều hành không giấy tờ VNPT-eCabinet; Bộ giải pháp ứng dụng công nghệ AI chuyển văn bản thành giọng nói.
TS Nguyễn Thiện Nghĩa (ngồi ngoài cùng bên trái), Vụ phó Vụ CNTT, Bộ TTTT và Giám đốc Sở TTTT Phú Yên, ông Trần Thanh Hưng điều phối phiên thảo luận chuyên đề 2. |
Chuyên đề “Chuyển đổi số: Nâng cao hiệu quả Chính quyền điện tử” có sự chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng trung tâm dữ liệu lớn; triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử; kinh nghiệm triển khai tại Bình Dương; Bưu chính Công ích; Cloud Based E-Government Architecture...
Được biết, trục liên thông văn bản quốc gia do Tập đoàn VNPT xây dựng với công nghệ tiên tiến đã được Văn phòng Chính phủ chính thức khai trương hoạt động vào ngày 12/3/2019. Đây là tiền đề hình thành một Chính phủ không giấy tờ giúp liên thông gửi nhận văn bản điện tử giữa Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương và giữa các bộ phận này, nâng cao hiệu suất công việc và tiết kiệm chi phí cho xã hội với trên 1.200 tỷ mỗi năm.
Các yếu tố nền tảng của chuyển đổi số là thể chế, hạ tầng, đổi mới sáng tạo, an ninh an toàn mạng, doanh nghiệp ICT và đào tạo. Bộ TTTT cũng trình bày Đề án Chuyển đổi số tại Hội thảo và ghi nhận các ý kiến đóng góp.
Theo Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ trưởng Bộ TTTT, Phó Trưởng ban Tuyên giáo TW Nguyễn Mạnh Hùng, hạt nhân của quá trình chuyển đổi số là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam và các doanh nghiệp ICT Việt Nam. Phải phát triển 100.000 doanh nghiệp ICT, nhất là các doanh nghiệp tại các tỉnh/thành phố, tập trung làm tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, triển khai ứng dụng công nghệ vào mọi lĩnh vực KT-VH-XH. “Đổi mới sáng tạo cả về công nghệ, mô hình kinh doanh, mô hình quản trị sẽ giúp miền Trung bứt phá”, ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ trong phát biểu khai mạc Hội thảo Hợp tác Phát triển CNTT-TT lần thứ 23, năm 2019 tại Phú Yên.
Hội thảo lần thứ 23, 2019 là cơ hội để tỉnh Phú Yên học tập kinh nghiệm từ các địa phương ứng dụng hiệu quả CNTT trong quản lý, phát triển kinh tế - xã hội; ngành TTTT Phú Yên kết nối, hợp tác với các chuyên gia, các doanh nghiệp trong ứng dụng... và có bước phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Qua hội thảo, Phú Yên quảng bá hình ảnh của một địa phương có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, có nền văn hóa, ẩm thực phong phú, đa dạng, con người thân thiện và mến khách. Đặc biệt là tiềm năng, thế mạnh của Phú Yên để phát triển du lịch, kinh tế biển, nông nghiệp công nghệ cao, chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Theo khampha
Không gian triển lãm quy tụ các đơn vị viễn thông như VNPT, Viettel, Mobifone... cùng nhiều nhà cung cấp giải pháp, sản phẩm CNTT: HPE, DTG, Dell, Fujitsu, Panasonic, NTS, FSI... có cả giải pháp ngân hàng của Liên Việt Bank...
đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ