Công nghệ - Sản phẩm

Đổi mới sáng tạo - Linh hồn của Thành phố Hồ Chí Minh

Nhận định được đồng chí Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ, Môi trường của Quốc hội nêu lên trong khuôn khổ buổi giám sát tại UBND TP.HCM về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển KHCN giai đoạn 2016-2018 diễn ra vào chiều ngày 16/8.

Tiếp và làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội, về phía lãnh đạo UBND TP.HCM có đồng chí Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND Thành phố.

Một số sản phẩm khoa học công nghệ đã thương mại hóa

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở KHCN Thành phố Nguyễn Việt Dũng cho biết trong giai đoạn 2016-2018, Thành phố đã triển khai thực hiện 329 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tập trung phục vụ các ngành, lĩnh vực như cơ khí - tự động hóa; công nghệ thông tin và điện tử viễn thông; hóa dược, công nghệ thực phẩm, vật liệu mới; quản lý và phát triển đô thị; y tế, an ninh quốc phòng.

Kết quả nghiên cứu từ các nhiệm vụ KHCN có 61,9% hướng đến tạo sản phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Doanh thu sản phẩm phát triển từ kết quả nghiên cứu KHCN là 78,4 tỷ đồng; một số sản phẩm đã thương mại hóa như dây chuyền tự động dập nắp nhựa, máy ép viên nhiên liệu Pellet BP - 600, hệ thống băng tải đai tự động vận chuyển bao gói…

Đồng thời, Thành phố đã ban hành chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn Thành phố. Trong đó, hỗ trợ DN thực hiện sáng tạo, nghiên cứu phát triển, chuyển giao, đổi mới công nghệ và sản phẩm trên cơ sở có sự tham gia của DN cùng đầu tư thực hiện và hỗ trợ DN có dự án đầu tư thuộc các ngành trọng yếu được tham gia chương trình vay kích cầu đầu tư của Thành phố để đổi mới công nghệ. Đến nay Thành phố hỗ trợ nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ và sản phẩm cho 179 dự án thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu và quản lý năng lượng.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu kết luận buổi giám sát.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo chưa tương xứng với tiềm lực và kỳ vọng của lãnh đạo Thành phố, còn có những khó khăn, thách thức như: Trình độ công nghệ, đổi mới sáng tạo của khu vực DN có tiến bộ nhưng còn chậm, chủ yếu ở mức trung bình khá; hoạt động nghiên cứu, phát triển thương mại hóa chưa tạo đột phá để thúc đẩy phát triển khu vực DN...

Tại buổi giám sát, UBND Thành phố kiến nghị Bộ KHCN và các Bộ, ngành liên quan xem xét, sớm ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các trường, viện trong việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học và thương mại hóa. Trong đó, có cơ chế tài trợ cho các chương trình nghiên cứu KHCN mục tiêu mang tính dài hạn; cần xem xét lại quy định về giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và cơ chế thu hồi kinh phí theo hướng thông thoáng hơn; cần ban hành quy định về việc thành lập doanh nghiệp KHCN trong trường đại học và viện nghiên cứu để thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học hiệu quả hơn.

Đồng thời, cần đơn giản hóa thủ tục thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học; chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp KHCN phải rõ ràng; có giải pháp hỗ trợ cho đơn vị sự nghiệp KHCN công lập… 

TP.HCM là đầu tàu khoa học công nghệ của cả nước

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng TP.HCM là một môi trường sáng tạo, cũng như Thành phố có đặc thù nếu không đổi mới sáng tạo là không được. Bởi vì, nguồn lực đổi mới sáng tạo của Thành phố rất lớn, nhất là nguồn lực sinh viên, đội ngũ chuyên gia. Vì vậy, Thành phố tập trung khai thác nguồn lực này. Đồng thời, Thành phố là một thị trường cho đổi mới sáng tạo, cũng như phát huy sự sáng tạo của DN.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Vĩnh Tuyến cho biết thêm rằng, vừa qua, Thành phố có đề án thu hút các chuyên gia, nhà khoa học tham gia thực hiện các đề tài, làm việc các dự án cụ thể của Thành phố với mức thu nhập khá cao. Cùng với đó, Thành phố còn dành nguồn quỹ đất lớn cho đổi mới sáng tạo như Khu Công nghệ cao Thành phố. Đồng thời, Thành phố có quyết định về hỗ trợ lãi suất đối với những dự án đầu tư tại Thành phố có áp dụng những giải pháp công nghệ mới để khuyến khích DN tăng cường đầu tư thiết bị khoa học công nghệ cao. Đối với các dự án đầu tư công, Thành phố khuyến khích các chủ đầu tư ưu tiên sử dụng sản phẩm của DN trong nước thông qua đấu thầu.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến phát biểu tại buổi giám sát.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, hiện nay Thành phố có 2 mục tiêu chiến lược là phát triển đô thị sáng tạo trên cơ sở kết nối 3 quận gồm: 2, 9, Thủ Đức; xây dựng đô thị thông minh nhằm giúp giải quyết những vấn đề tắc nghẽn của Thành phố bằng việc áp dụng các giải pháp công nghệ.

Phát biểu kết luận buổi giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường Phan Xuân Dũng đánh giá: TP.HCM thực sự là một đầu tàu kinh tế, đầu tàu khoa học công nghệ của cả nước. TP.HCM luôn đổi mới sáng tạo, đổi mới sáng tạo liên tục, coi đổi mới sáng tạo là linh hồn của Thành phố. Cùng với đó, Thành phố cũng đã rất quan tâm việc ban hành các văn bản để quản lý đẩy mạnh hoạt động KHCN; đầu tư cho KHCN; quan tâm hệ sinh thái khởi nghiệp. Mặt khác, các hoạt động KHCN của Thành phố đã thực sự hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế của Thành phố; không những thế mà các hoạt động của Thành phố còn hỗ trợ cho các tỉnh lân cận.

Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường Phan Xuân Dũng đề nghị TP.HCM luôn luôn đổi mới sáng tạo, chọn những việc làm dài hạn. Đồng thời, Thành phố nghiên cứu đề xuất Trung ương cho thí điểm về cơ chế, chính sách cho KHCN. “Không ở đâu thuận lợi bằng TP.HCM, cơ chế năng động, con người và tiềm lực KHCN vô cùng lớn nên Thành phố phải là nơi sinh ra những nhiệm vụ KHCN khác hẳn các nơi khác” - đồng chí Phan Xuân Dũng mong muốn.

* Tựa bài do TGVT đặt lại

 Nguồn: Thanhuytphcm.vn

PCWorld

Châu Tấn, đô thị sáng tạo, đô thị thông minh, đổi mới sáng tạo, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, truyền thông khoa học công nghệ


      © 2021 FAP
        1,826,873       31