Công nghệ - Sản phẩm

Làm thế nào để doanh nghiệp khởi nghiệp tranh thủ được cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0?

Sáng 11/9, diễn ra bên lề Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018), diễn đàn mở chủ đề “ASEAN 4.0 cho tất cả? Làm thế nào để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tranh thủ cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đã thu hút gần 1.000 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự.

Với Việt Nam cũng như các nước trong khu vực ASEAN, việc tiếp cận tầm nhìn chiến lược, xác định cơ hội và thách thức trong bối cảnh cuộc cách mạng này là con đường nhanh và hiệu quả để lựa chọn những định hướng, giải pháp quốc gia tạo bước phát triển đột phá, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển với các nước trên thế giới. Cuộc cách mạng cũng tạo ra cơ hội để giới trẻ ASEAN có thể phát huy năng lực trí tuệ, sáng tạo, để biến thách thức thành thời cơ, chuyển hóa ý tưởng thành sản phẩm và gặt hái thành công trong quá trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Phát biểu tại diễn đàn Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã chia sẻ về tầm quan trọng của cuộc cách mạng 4.0 đối với các quốc gia trong đó có Việt Nam. Cuộc cách mạng này đang làm thay đổi sâu sắc đời sống xã hội. Bộ trưởng cho biết, Chính phủ Việt Nam xác định doanh nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là trung tâm của nền kinh tế, khoa học, công nghệ. Đây cũng là thành phần động lực góp phần tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Đến nay, Việt Nam đã hình thành, phát triển được hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, bước đầu thu hút được nguồn lực phát triển trong nước và quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu tại diễn đàn mở.

Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn được trao đổi, đối thoại và nhận được sự chia sẻ, ủng hộ, hợp tác từ các nhà lãnh đạo, chuyên gia, doanh nghiệp của WEF, đặc biệt là cá nhân Chủ tịch điều hành WEF, Giáo sư Klaus Schwab về các giải pháp, chương trình hành động thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ trong ASEAN.Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đề xuất các đại biểu tập trung thảo luận những ý tưởng, sáng kiến nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các nước ASEAN và các đối tác toàn cầu, đưa Đông Nam Á trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cụ thể, các nước trong khu vực cần chủ động kiến tạo, làm chủ và khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bộ trưởng khẳng định Việt Nam luôn mong muốn được hợp tác và đồng hành cùng với WEF và các nước ASEAN, sẵn sàng kết nối các doanh nghiệp, các nguồn lực về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nước với mạng lưới hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong toàn ASEAN và trên toàn thế giới.

Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia Syed Saddiq chia sẻ tại diễn đàn.

Sau phần khai mạc các chuyên gia công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp quốc tế đã có phần thảo luận, trao đổi sôi nổi với đại diện doanh nghiệp khoa học công nghệ, sinh viên Việt Nam về cơ hội việc làm cũng như kinh nghiệm để tiếp cận nghề nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cũng đã có buổi gặp mặt với Giáo sư Klaus Schwab. Tại buổi tiếp, Giáo sư Schwab đã đánh giá cao vai trò của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc thiết lập cơ chế chính sách cho việc tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy môi trường kinh doanh, khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đặc biệt là tạo môi trường sẵn sàng thay đổi với các công nghệ mới, làm chủ và phát triển các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, robot... 

Giáo sư Schwab cũng cho biết, WEF hiện đã mở trung tâm về cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Singapore, và sẽ tập trung xây dựng tại Việt Nam trong vòng 12 tháng tới. 

PCWorld

ASEAN, Nguyễn Thúc Hoàng Linh


      © 2021 FAP
        1,824,842       42