Sáng ngày 16/8, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội do đồng chí Phan Xuân Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM và doanh nghiệp khoa học công nghệ chuyên sản xuất thiết bị y tế Tiến Tuấn.
Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch công tác năm 2018 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Quốc hội khóa 14) về thực hiện giám sát "việc thực hiện Nghị quyết số 297/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học và công nghệ".
Cùng đi với đoàn, về phía đại diện Bộ KHCN và Sở KHCN TP.HCM, có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ KHCN Bùi Văn Tùng và Giám đốc Sở KHCN Thành phố Nguyễn Việt Dũng.
Tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM (thuộc Sở NN&PTNT Thành phố), đoàn giám sát của Quốc hội đã nghe đại diện Ban giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học báo cáo sơ lược về kết quả hoạt động trong thời gian vừa qua, đặc biệt là 6 tháng đầu năm 2018.
Theo tiến sỹ Hà Thị Loan - Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, trong 5 năm qua, Trung tâm đã triển khai có hiệu quả nhiều đề tài nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng các cấp trong lĩnh vực sinh học, đạt được nhiều thành tựu nổi bật, từ đó tạo ra các sản phẩm khoa học và công nghệ ứng dụng vào thực tế trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi, thú y và y dược.
Báo cáo của Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM gửi đến đoàn công tác của Quốc hội cho biết, đối với hoạt động dịch vụ KHCN, trong 5 năm qua, từ các kết quả nghiên cứu khoa học thì trung tâm đã đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, trong đó những quy trình, công nghệ được chuyển giao, đưa vào sản xuất gồm: các cây giống hoa lan cấy mô và sản phẩm hoa cắt cành, bộ giống hoa nền, kiểng lá đã được nhân giống; chế phẩm sinh học BIMA; bộ chế phẩm phân bón lá hữu cơ sinh học Bio-Trùn quế; bộ chế phẩm vi sinh cố định đạm, phân giải lân; bộ chế phẩm vi sinh xử lý lục bình làm phân bón hữu cơ; Bộ kit PCR phát hiện 4 loại bệnh virus trên tôm; hay Bộ kit PCR phát hiện bệnh virus trên hoa lan,...
Đại diện Trung tâm cho hay, hằng năm, khối lượng hợp đồng tư vấn, chuyển giao công nghệ của Trung tâm có xu hướng tăng đều cả về số lượng và giá trị hợp đồng; tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân hằng năm đạt xấp xỉ 15%. Đơn cử, năm 2015, doanh thu của Trung tâm đạt 4,5 tỷ đồng và trong đó hoạt động dịch vụ, chuyển giao công nghệ chiếm 3,87 tỷ đồng.
"Khoản thu từ hoạt động sản xuất, dịch vụ khoa học và công nghệ là nguồn thu chính đảm bảo một phần kinh phí hoạt động của Trung tâm theo cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, góp phần đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật và nâng cao đời sống của cán bộ, viên chức lao động", báo cáo nêu rõ.
Tuy nhiên, đại diện Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM cũng gửi đến đoàn công tác của Quốc hội một số trăn trở về cơ chế tự chủ về tài chính trong tuyển dụng, trả lương "khung" cho chuyên gia, hay trong công tác mua sắm trang thiết bị - vật tư phục vụ nghiên cứu, cũng như thu hút nguồn nhân sự chất lượng cao vốn dĩ đã và đang tình trạng chảy máu sang khu vực tư nhân vì "có trường hợp lương của một nữ tiến sỹ giữ chức phó trưởng phòng chỉ ở mức 3,9 triệu đồng".
Chia sẻ những khó khăn và thành tựu mà Trung tâm đạt được trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng khẳng định, cùng với các tỉnh thành khác, hiện Chính phủ mong muốn mỗi tỉnh đều có một trung tâm công nghệ sinh học riêng nhằm tập trung phát triển ngành nông nghiệp nói riêng và sinh học nói chung trên địa bàn. Tuy nhiên, Thứ trưởng Tùng cũng lưu ý rằng, các địa phương lẫn TP.HCM cần tập trung và rút bài học kinh nghiệm thực tế từ các quốc gia khác như Nhật Bản và Hàn Quốc, đó là giá trị của nghiên cứu trong lĩnh vực sinh học cũng như nông nghiệp công nghệ cao không phải đến từ vùng nguyên liệu, tức chỉ tập trung vào phát triển cây con giống và mở rộng diện tích sản xuất, thay vào đó cần tập trung công nghệ chế biến.
"Ở Hàn Quốc, sâm tươi ở các chợ rất dễ mua và có giá khoảng 900USD/kg, và đó là sâm tươi, nhưng nếu đó là hồng sâm đã qua chế biến và xử lý thì giá thương mại có thể lên đến 3.000USD", Thứ trưởng Tùng lấy ví dụ.
Đánh giá cao các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, đồng chí Phan Xuân Dũng nhấn mạnh vai trò đầu tàu của TP.HCM trong hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
"TP.HCM phải là trung tâm của trung tâm, là trung tâm của các hoạt động nghiên cứu KHCN", Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội quyết liệt nói, "Thành phố phải nghiên cứu những gì mà các địa phương khác không nghiên cứu được, và Thành phố phải chọn các mảng/lĩnh vực nghiên cứu tiên phong, và cả cơ chế cũng phải tiên phong".
Sau buổi làm việc tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, đoàn đã đến thăm công ty TNHH Chế tạo máy dược phẩm Tiến Tuấn. Đây là một trong những doanh nghiệp KHCN đầu tiên tại TP.HCM.
Nhờ tập trung đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phát triển, sản phẩm của Tiến Tuấn đã đạt được chứng nhận tiêu chuẩn của nhiều thị trường, đặc biệt là khu vực châu Âu, và hiện được xuất khẩu sang 15 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Ông Vũ Anh Tuấn - Giám đốc công ty Tiến Tuấn cho biết các doanh nghiệp trong nước đang gặp phải rất nhiều khó khăn do sự ưu đãi không bình đẳng dành cho các doanh nghiệp FDI cũng như chênh lệch về hàng rào thuế quan giữa Việt Nam với các quốc gia khác.
"Doanh nghiệp như chúng tôi không cần được ưu đãi. Điều chúng tôi mong muốn là sự công bằng để cạnh tranh và những chính sách hướng tới lợi ích chung của đất nước", ông Tuấn bày tỏ quan điểm.
Thay mặt đoàn công tác, đồng chí Phan Xuân Dũng ghi nhận những ý kiến đề xuất của đơn vị và khẳng định sẽ phản ánh, góp ý với Quốc hội và Chính phủ để sớm có những thay đổi phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trên cả nước.
* Theo kế hoạch, vào chiều cùng ngày, đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Quốc hội khóa 14) có lịch làm việc với lãnh đạo UBND TP.HCM cùng các Sở, ban ngành có liên quan.
TP.HCM: Gắn kết nghiên cứu khoa học với tính tiên phong và sự đột phá