Các sản phẩm phức tạp như robot hay máy CNC đều được trang bị hệ điều hành 'Made in Vietnam' nhằm mục tiêu 'tăng thông minh, giảm cơ khí', tăng cao năng suất lao động dù thao tác vận hành vô cùng đơn giản.
Bản sắc riêng của một doanh nghiệp khoa học công nghệ
Từ nguồn kinh phí tài trợ của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, kỹ sư Lê Anh Kiệt và nhóm chuyên gia ở Công ty TNHH Chế tạo máy A.K.B đã nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thành công bộ điều khiển số đa năng. Đây chính là nền tảng kỹ thuật cơ bản để A.K.B hoàn thiện hệ thống điều khiển máy riêng của mình. Trong đó, phần cứng tích hợp trên bảng mạch điện tử có kết cấu như một hệ thống nhúng cực mạnh, có khả năng điều khiển giống 1 PLC thông dụng, đồng thời có thể giao tiếp qua nhiều kết nối khác nhau như RS232, RS485, USB, Bluetooth.
Song hành với bảng mạch điện tử nói trên là hệ điều hảnh AKB do chính A.K.B nghiên cứu phát triển. Hệ điều hảnh này cho phép điều khiển từ các loại máy cơ điện tử thông dụng như máy đóng gói, máy chiết rót tự động, máy siết nắp, cân định lượng... cho đến các sản phẩm công nghệ cao như Robot, máy CNC hay máy in 3D.
Quá trình trên được A.K.B mô tả là “tăng thông minh, giảm cơ khí”, xuất phát từ ý tưởng tạo một hệ điều hành NC thay thế cho một tủ PLC rối rắm. Trong đó, thiết bị cơ điện tử được tối ưu hóa sao cho cấu trúc cơ khí đơn giản, nhưng lại hoạt động thông minh thông qua bộ phận điều khiển bằng máy tính. Điều này cho phép người sử dụng có thể tự cài đặt các thông số và lưu lại trong bộ nhớ của máy, sau đó có thể điều chỉnh tức thời dù máy đang chạy, không cần phải điều chỉnh cơ khí phức tạp. Thêm vào đó, nhờ bộ phận điều khiển linh hoạt nên thiết bị dễ dàng “mềm hóa" hoạt động, có thể được sử dụng cho nhiều loại nguyên vật liệu hơn.
Kỹ sư Lê Anh Kiệt – phụ trách nhóm nghiên cứu và phát triển ở A.K.B cho biết, nhờ sử dụng bảng mạch điện tử nên khi sản phẩm gặp hỏng hóc ở bộ phận điều khiển, người dùng chỉ cần tháo bảng mạch cũ và thay bảng mạch mới vào là có thể sử dụng ngay, không mất nhiều thời gian sửa chữa như các loại máy thuần cơ khí khác.
Kỹ sư Lê Anh Kiệt giới thiệu về bảng mạch điện tử của A.K.B. |
Trong thời gian qua, nhiều trang - thiết bị sở hữu "bản sắc” riêng của A.K.B đã được các doanh nghiệp nổi tiếng trong nước sử dụng rất nhiều, chẳng hạn như Vinamilk, Acecook Việt Nam, công ty In Hàng không Việt Nam.
Không chỉ thế, A.K.B còn xuất khẩu máy sang Úc, Myanmar, Campuchia cùng một số quốc gia châu Phi, đạt được sự tin tưởng lớn của khách hàng.
Làm robot không phải để chơi, mà là để bán
Đó là khẳng định của Ban giám đốc Công ty TNHH Chế tạo máy A.K.B khi nói về năng lực tham gia hoạt động sản xuất quy mô lớn của các dòng sản phẩm robot công nghiệp do doanh nghiệp này nghiên cứu và chế tạo, như Palletizing Robot (robot xếp hàng lên pallet), hay mới đây nhất là robot 6 bậc tự do (có khả năng thực hiện nhiều thao tác cơ khí).
Đặc biệt hơn nữa, trong cấu tạo của robot 5 bậc tự do hay sau này là robot 6 bậc tự do, thì bảng mạch điện tử đã tích hợp sẵn nhiều bộ điều khiển (driver) tương ứng cho các lệnh điều khiển, vì thế mà tủ điện của robot rất nhỏ, nhờ đó robot trông rất gọn và linh hoạt. Không chỉ thế, người sử dụng còn có thể điều khiển robot từ xa thông qua ứng dụng chạy trên điện thoại di động hoặc máy tính bảng (Android).
Nói về sản phẩm robot 5 bậc tự do phục vụ giảng dạy, kỹ sư Lê Anh Kiệt cho biết đây là sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa lên đến gần 95%. Quan trọng hơn cả, chip điều khiển dù là hàng nhập ngoại nhưng bản thân chỉ là chip trắng, mọi dữ liệu trên chip đều do A.K.B cài đặt và kiểm soát nên đảm bảo về mặt an toàn thông tin. Vì vậy, A.K.B dễ dàng hỗ trợ cài đặt thêm phần mềm mô phỏng AKB Robot 3D cho phép học viên có thể học lập trình mô phỏng robot trên máy tính (không cần phải có robot thật ngay lúc học), rồi tạo file điều khiển để thực hành trên robot thật.
"Chính vì điều này mà các cơ sở đào tạo sẽ không cần mua nhiều robot", kỹ sư Kiệt tự tin chia sẻ.
Robot 5 bậc được điều khiển bằng máy tính bảng. |
Với giá bán 200 triệu đồng trọn gói (chỉ bằng 50% sản phẩm nhập ngoại tương ứng, lại không có phí bản quyền hằng năm), có thể nói điểm yếu duy nhất ở mẫu robot này so với đối thủ là… vẻ ngoài không đẹp bằng.
Bù lại, nền tảng công nghệ tốt chính là thế mạnh tuyệt vời ở robot 5 bậc tự do, bởi ngoài tài liệu nghiên cứu lập trình robot, A.K.B còn sẵn sàng cung cấp miễn phí thuật toán và chương trình điều khiển (với nhiều loại ngôn ngữ lập trình khác nhau như Visual Basic, Delphi, C#, MathLab) để sinh viên – nghiên cứu sinh có thể tự do nghiên cứu và học tập.
Nhờ đó, robot 5 bậc tự do phục vụ giảng dạy đã thuyết phục được những chuyên gia đầu ngành khó tính và xuất hiện ở nhiều cơ sở đào tạo như Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Việt Đức, Trường Cao đẳng nghề 20, Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao…
Dù số lượng bán mới chỉ đạt 12 bộ, nhưng kết quả ban đầu này càng củng cố quyết tâm “làm robot là để bán” của A.K.B, là động lực thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn cho hoạt động nghiên cứu - phát triển các sản phẩm công nghệ cao.
Robot 6 bậc (ảnh nhỏ) đang trong quá trình hoàn thiện. |
Bà Võ Thị Ngự Bình - Giám đốc Công ty TNHH Chế tạo máy A.K.B cho biết dù tỷ lệ nội địa hóa robot đã rất cao, nhưng doanh nghiệp vẫn tích cực hướng đến đổi mới sáng tạo giải pháp công nghệ nhằm tăng thêm tỷ lệ nội địa hóa nhằm góp phần giảm chi phí, khai thác triệt để tiềm năng thị trường về nhu cầu tự động hóa trong sản xuất công nghiệp ở Việt Nam với loạt sản phẩm công nghệ cao như robot và máy CNC.
Bên cạnh đó, A.K.B cũng sẵn sàng chuyển giao công nghệ và tiến hành lắp đặt thiết bị dùng thử tận nơi (tại tận xưởng sản xuất của doanh nghiệp), giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong đổi mới trang thiết bị, hiện đại hóa năng lực sản xuất tùy theo năng lực tài chính và nhu cầu thực tế. Bởi lẽ, không chỉ vì chi phí sản xuất robot công nghiệp không hề rẻ, mà thực tế nhiều doanh nghiệp lớn vẫn còn tồn tại tâm lý chuộng sản phẩm ngoại, chưa đặt niềm tin vào sản phẩm cùng loại được sản xuất trong nước dù chúng có giá thành và tính năng ưu việt hơn.
Hoàng Kim, istar 2018, truyền thông khoa học công nghệ