Mô hình nhà trồng nấm tự động ứng dụng công nghệ IoT có khả năng giám sát và tự động điều chỉnh các thông số môi trường, qua đó giúp các hộ nông dân có thể canh tác quanh năm với năng suất ổn định.
Nấm là loại thức ăn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, nhưng quá trình trồng và chăm sóc cần có kỹ thuật cũng như thời gian. Nhằm cải thiện năng suất nấm, AgriConnect - công ty chuyên cung cấp các giải pháp công nghệ và chuyển giao quy trình sản xuất nông nghiệp - đã đưa ra mô hình nhà trồng nấm ứng dụng công nghệ IoT (Internet of Things) có khả năng tự động điều chỉnh ánh sáng, độ ẩm, nhiệt độ, lượng khí,… giúp nông dân có thể canh tác đều đặn quanh năm.
Mô hình nhà trồng nấm IoT được phát triển bởi AgriConnect cung cấp giải pháp giám sát và điều khiển tự động các thiết bị nhằm đảm bảo môi trường tối ưu cho từng giai đoạn sinh trưởng và phát triến của nấm. Công nghệ này cho phép người trồng nấm thiết lập quy trình trồng cho cả mùa vụ. Nhà trồng sẽ có các cảm biến không dây để truyền thông tin về cây nấm, ghi nhận các thông số về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, nồng độ khí CO2,…
Mô hình trồng nấm dựa trên nền tảng IoT của AgriConnect |
Các lợi ích do công nghệ này mang lại bao gồm tiết kiệm công lao động chăm sóc trong suốt quá trình sinh trưởng của nấm; giúp ổn định về năng suất và chất lượng cho sản phẩm đầu ra; không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết bên ngoài và có thể điều chỉnh thời điểm thu hoạch nấm. Ngoài ra, mô hình có thể dễ dàng thu thập và phân tích dữ liệu.
Người dùng có thể quan sát và theo dõi thông tin bên trong nhà trồng nấm qua giao diện trang web, IP camera. Dữ liệu sẽ được cập nhật liên tục lên hệ thống đám mây Cloud. Người dùng có thể đọc, thiết lập thông số và điều khiển hệ thống qua các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại. Từ dữ liệu thu thập được, AgriConnect cùng với các chuyên gia sẽ phân tích và đưa ra giải thuật cho các thiết bị để điều khiển môi trường nhà trồng phù hợp với từng giai đoạn.
Nhóm 1: Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã thực hiện ý tưởng kinh doanh trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, có thành tích nổi bật, đem lại lợi ích kinh tế, xã hội cho Thành phố. Tiêu chí xét chọn: 1) Tính sáng tạo 2) Hiệu quả kinh tế 3) Tác động xã hội |
Hiện AgriConnect đã có hơn 20 khách hàng sử dụng sản phẩm nhà trồng nấm IoT. Mỗi nhà trồng có diện tích khoảng 72m2, chứa được 10.000 phôi nấm và đầy đủ thiết bị có giá vào khoảng 80 triệu đồng. Ngoài ra, AgriConnect còn cung cấp mô hình cho phép nuôi trồng với mật độ cao hơn truyền thống (trên 10.000 bịch phôi/60m2). Với những nông dân đã có sẵn nhà trồng, AgriConnect sẽ cung cấp hệ thống thiết bị để việc giám sát, điều chỉnh dễ dàng hơn.
Trong năm 2018, hệ thống AgriConnect sẽ phát triển thêm tính năng nhật ký canh tác giúp nông dân giám sát quy trình kỹ càng hơn, từ đó rút ra kinh nghiệm trồng trọt. Không chỉ vậy, với tiện ích truy xuất nguồn gốc bằng mã code, người tiêu dùng khi mua có thể biết được xuất xứ nấm từ xưởng phôi và nhà vườn nào.
AgriConnect hiện là giải pháp sản phẩm tham gia bình xét Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM năm 2018 (I-Star 2018) ở nhóm giải dành cho Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Được tổ chức lần đầu tiên từ năm 2017, Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM từ năm 2018 đã chính thức trở thành Giải thưởng thường niên của TP.HCM với tên gọi I-Star nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trên địa bàn Thành phố nói riêng và cả nước nói chung với sự hỗ trợ trực tiếp từ Sở KHCN, cũng như nhiều Sở ban ngành, trường viện khác của Thành phố. Điều đặc biệt của Giải thưởng này là, thứ nhất, thông tin về các đối tượng dự giải sẽ được đăng tải rộng rãi trên Cổng thông tin Đổi mới sáng tạo (www.doimoisangtao.vn/giaithuong2018) để cộng đồng có thể theo dõi, chia sẻ, bình chọn trong suốt thời gian diễn ra giải thưởng. Thứ hai, giải thưởng được xét chọn không chỉ trên cơ sở đánh giá của hội đồng chuyên môn mà còn có sự tham gia bình chọn của cộng đồng. |
đổi mới sáng tạo, Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, Huy Thắng, IoT, I-Star 2018, nông nghiệp công nghệ cao