Đang dấy lên hàng loạt lời kêu gọi CEO Facebook Mark Zuckerberg từ chức sau khi trang mạng xã hội lớn nhất hành tinh này được tường thuật đã bị lợi dụng để thu thập trái phép thông tin cá nhân cử tri trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Hồi tuần trước, tờ New York Times bất ngờ cho đăng tải được đánh giá là "gây sốc" về vụ rò rỉ thông tin cá nhân lớn nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook.
Cụ thể, Cambridge Analytica - công ty phân tích dữ liệu có văn phòng tại Anh và Mỹ, đã được thuê vào tháng 6/2016 để phân tích thông tin cá nhân của hơn 50 triệu tài khoản Facebook - tương đương 25% số cử tri Mỹ trước giai đoạn bầu cử.
Công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica, nổi tiếng cùng với chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Donald Trump, đã thu thập nhiều thông tin từ một ứng dụng gọi là "thisisyourdigitallife" do TS. Aleksandr Kogan (Strategic Communication Laboratories) tạo ra.
Ứng dụng "thisisyourdigitallife” được đánh giá là một bài kiểm tra nhân cách và đã được khoảng 270.000 người tải về. Bằng cách tải xuống ứng dụng, người dùng đã cho phép nhà phát triển ứng dụng truy cập một số thông tin liên quan đến thành phố họ sống, loại nội dung họ thích trên Facebook và nhiều thông tin chung khác.
Ảnh minh họa. |
Theo tờ New York Times, thông qua việc “đánh hơi” danh sách bạn bè và các mối quan hệ bạn bè dắt dây, Strategic Communication Laboratories đã có thể thu thập thông tin từ khoảng 50 triệu người dùng, mà không ai trong số họ cho phép công ty phân tích này quyền truy cập dữ liệu cá nhân của họ. Điều này có thể không phải là vi phạm dữ liệu cá nhân, nhưng mong muốn của người dùng chắc chắn đã không được tôn trọng.
Trong khi TS. Kogan thu được thông tin về 270.000 người dùng ban đầu hợp pháp và phù hợp với các quy tắc của Facebook, ông ta đã vi phạm các quy tắc này bằng cách chia sẻ chúng với bên thứ ba - trong trường hợp này là Cambridge Analytica.
Paul Grewal - Phó chủ tịch Facebook cho biết sau khi phát hiện hành vi kể trên vào năm 2015, Facebook đã xóa ứng dụng của TS. Kogan khỏi mạng xã hội này và yêu cầu xác nhận từ Kogan và tất cả các bên mà ông ta đã cung cấp dữ liệu rằng tất cả những thông tin đó đã bị hủy. Strategic Communication Laboratories, Cambridge Analytica và TS. Kogan sau đó đều đã chứng nhận với Facebook rằng họ đã phá hủy hết dữ liệu.
Tuy nhiên, hồi tuần trước, Facebook đã nhận được báo cáo rằng không phải tất cả dữ liệu đã bị phá hủy như đã hứa, nên đã quyết định cấm các tài khoản của Strategic Communication Laboratories, Cambridge Analytica và TS. Kogan trong khi điều tra các cáo buộc.
Trong khi đó, các mối đe dọa về hành động pháp lý đang bắt đầu xuất hiện. Thứ bảy tuần trước, bà Maura Healey - Tổng chưởng lý bang Massachusetts (Mỹ) yêu cầu cả Facebook lẫn Cambridge Analytica trả lời cho cư dân Massachusetts và tuyên bố mở cuộc điều tra.
Tờ The Guardian còn cho biết thêm Ủy ban Bầu cử Anh (British Election Commission) cũng đang điều tra các tình huống dữ liệu cá nhân người dùng Facebook có thể bị mua và sử dụng bất hợp pháp, trong đó có việc sử dụng dữ liệu cho các mục đích chính trị do các công ty phân tích số liệu và các phương tiện truyền thông xã hội ở Anh thực hiện, trong đó có cả trường hợp bỏ phiếu để rời khỏi Liên minh châu Âu.
Bản thân Facebook đang phải đối mặt với những câu hỏi về cách xử lý dữ liệu người dùng.
Dự án 1 triệu USD?
Một chuyên viên phân tích dữ liệu từng làm việc tại Cambridge Analytica là Christopher Wylie thậm chí còn tiết lộ công ty này đã chi khoảng 1 triệu USDS để triển khai chiến dịch khai thác nói trên, trong đó nhiệm vụ "then chốt" là thu thập hồ sơ của hàng triệu người dùng Mỹ và xây dựng những nội dung nhắm vào tâm lý của họ.
Ngay sau bài viết của New York Times được đăng tải, giới truyền thông Mỹ nhận định đây là một trong những vụ rò rỉ thông tin lớn nhất trên mạng xã hội. Ngược lại, Facebook phủ nhận việc "rò rỉ thông tin" bởi người dùng đã biết và chấp thuận những thông tin mà họ cung cấp trên ứng dụng, chứ hệ thống không bị thâm nhập hay mật khẩu bị lộ.
Vụ bê bối này có thể khiến CEO Mark Zuckerberg hoặc COO Sheryl Sandberg phải điều trần trước Quốc hội Mỹ.
Ngay trong ngày thứ Hai đầu tuần 19/3, giá cổ phiếu Facebook đã nhanh chóng lao dốc 7%, và chỉ tính riêng CEO Mark Zuckerberg thì đã "đi tong" 5 tỷ USD, còn hàng chục tỷ USD khác liên quan đến cổ phiếu Facebook cũng đã bốc hơi sau scandal này.
Theo đài CNBC, hiện có nhiều áp lực buộc Mark Zuckerberg phải từ chức bởi chàng tỷ phú trẻ dường như đã im lặng một cách đáng sợ trong vụ vi phạm dữ liệu người dùng.
Nhà đầu tư công nghệ nổi tiếng Jason Calacanis thậm chí còn buông lời cho rằng khả năng ứng phó với khủng hoảng của Zuckerberg là cực dở, và khuyến nghị Markk nên rời khỏi ghế CEO để nữ tướng COO Sheryl Sandberg lên thay.
Mark ơi, anh đang ở đâu?
an toàn dữ liệu, Dữ liệu cá nhân, Facebook, Mark Zuckerberg