Công nghệ - Sản phẩm

Đặt hàng nghiên cứu cơ giới hóa thu hoạch muối cho diêm dân Cần Giờ

Trong vài năm trở lại đây, Sở KHCN TP.HCM đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cho huyện Cần Giờ thay đổi quy trình sản xuất thủy hải sản, nâng cao năng suất chất lượng, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí và nhãn hiệu hàng hóa.

Nhằm tìm hiểu thực tế và nắm bắt nhu cầu ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất nông nghiệp ở huyện Cần Giờ, Phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ Cơ sở (thuộc Sở KHCN TP.HCM) ngày 15/3/2018 đã có buổi làm việc với Phòng Kinh tế và Hội Nông dân huyện.

Tại buổi làm việc, đại diện Hội Nông dân huyện Cần Giờ cho biết nuôi tôm vẫn là nghề chủ lực trong sản xuất nông nghiệp tại huyện. Dù các đơn vị khuyến nông và thủy sản đã thử nghiệm nhiều mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ, cũng như triển khai các đề tài nghiên cứu hạn chế dịch bệnh ở tôm trên địa bàn huyện, nhưng vấn đề dịch bệnh ở tôm chưa được tháo gỡ triệt để, bởi qua đánh giá thì mô hình tốt nhất vẫn còn đó tỷ lệ đến 20% rủi ro tôm chết, từ đó chưa thể khai thác hiệu quả kinh tế bền vững từ con tôm.

Thực tế, chưa có đơn vị nào nghiên cứu sâu hơn về dịch bệnh ở tôm và điều kiện nuôi bởi có quá nhiều điều kiện phức tạp, như biến đổi môi trường nước, hoàn cảnh nuôi, thành phần đất, thời tiết… Vì vậy, người nuôi tôm đang rất cần các nhà khoa học tham vấn phương pháp – quy trình nuôi tôm phù hợp với tình hình địa phương.

Nuôi tôm là nghề chủ lực trong sản xuất nông nghiệp tại Cần Giờ.

Theo ông Nguyễn Đức Tuấn – Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ Cơ sở, để có đánh giá khách quan về hiện trạng con tôm, sẽ cần phải đặt hàng chuyên gia thực hiện khảo sát nghiên cứu, ghi nhận số liệu cụ thể dài hơi về các nguyên nhân gây bệnh, lịch sử bệnh… đồng thời xem xét thêm tình hình ở những địa phương khác. Trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng kết hợp với quy hoạch về năng suất – chất lượng con tôm, các chuyên gia mới có thể để đề xuất và thử nghiệm mô hình nuôi trồng sát với thực tế, tháo gỡ khó khăn cho người nuôi.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đức Tuấn cũng đề nghị các bên kiểm soát chặt chẽ quy hoạch nuôi trồng để sản xuất hiệu quả, đảm bảo khả năng xử lý dịch bệnh đúng theo yêu cầu của chuyên gia, tránh lây lan ra môi trường xung quanh, đảm bảo nguồn lợi thủy sản lâu dài.

Gần 10 năm qua, những hỗ trợ từ Sở KHCN TP.HCM triển khai ở huyện Cần Giờ đã phát huy tính hiệu quả cao và ngày càng thu hút sự quan tâm bởi đã “đánh trúng” nhu cầu thực tế của người dân nơi đây, chẳng như việc triển khai các mô hình thí điểm nâng cao năng suất chất lượng bằng tiến bộ công nghệ, hay đăng ký sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu cho sản phẩm – dịch vụ ở các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.

Cách đây 8 năm, một cơ sở sản xuất từng quyết liệt từ chối đăng ký nhãn hiệu khi cán bộ Phòng Kinh tế huyện vận động, với lý do “sản xuất bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu”.

Tuy nhiên, sau những chuyển biến tích cực về danh tiếng lẫn doanh thu của một số cơ sở đã tham gia đăng ký nhãn hiệu, thì cơ sở này hiện tích cực cùng Phòng Kinh tế huyện triển khai lấy và phân tích chất lượng mẫu, làm cơ sở để đăng ký nhãn hiệu.

Đây là tín hiệu tích cực rất đáng mừng khi triển khai hoạt động hỗ trợ ở địa phương”, đại diện Phòng Kinh tế huyện Cần Giờ khẳng định.

Bên cạnh đó, hiện có 2 cơ sở chế biến muối tôm có tiềm lực kinh tế cũng chủ động liên hệ với Phòng Kinh tế huyện để được hỗ trợ hoàn thiện quy trình chế biến và nghiên cứu thiết bị sấy nhằm nâng cao năng suất chất lượng. Được biết, các cơ sở này sẵn sàng đối ứng kinh phí khi triển khai.

Tiếp nối mô hình máy sấy (cá) ứng dụng năng lượng mặt trời đã thử nghiệm thành công, trong năm 2018, Phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ Cơ sở dự kiến nhân rộng mô hình máy sấy này cho 2 cơ sở chế biến thủy sản theo đề xuất của UBND huyện Cần Giờ.

Bên cạnh đó, Phòng cũng sẽ chủ động tham mưu Sở KHCN TP.HCM đặt hàng nghiên cứu vấn đề cơ giới hóa thu hoạch muối trên bạt nhằm giúp người nông dân giảm bớt công lao động.

PCWorld

đổi mới sáng tạo, Hoàng Kim, Sở KHCN TP.HCM, truyền thông khoa học công nghệ


      © 2021 FAP
        2,542,882       572