Công nghệ - Sản phẩm

Linksys WRT32X: Router Wi-Fi cho game thủ, tốc độ và hiệu năng vượt trội

Điểm mạnh của dòng sản phẩm này không chỉ dừng lại ở khả năng cung cấp hiệu suất Wi-Fi tốc độ cao, ổn định, mà còn là ‘nhạc trưởng’ tài ba trong việc điều phối băng thông cực kỳ thông minh cho tất cả thiết bị kết nối với router.

Từ khi chính thức ra mắt cách đây vài tháng, Linksys WRT32X đã khẳng định đây là gương mặt khá nổi trội trong dòng sản phẩm router Wi-Fi cao cấp vì được sản xuất riêng cho cộng đồng game thủ.

Với hàng loạt công nghệ hiện đại, WRT32X hứa hẹn mang đến khả năng đáp ứng được nhu cầu sử dụng dữ liệu mạng “nặng đô” của game thủ cũng như cung cấp hệ thống mạng không dây ổn định dành cho gia đình cũng như văn phòng vừa và nhỏ.

WRT32X về cơ bản được phát triển từ dòng sản phẩm WRT vốn cũng là biểu tượng một thời của Linksys. Tuy nhiên, điểm nhấn của sản phẩm mới chính là sự pha trộn thêm nhiều chi tiết hiện đại, thời thượng hơn thích hợp cho gần như mọi môi trường lắp đặt.

Ấn tượng nhất khi nhìn vào ngoại hình chính là kích thước khổng lồ của thiết bị cùng 4 an-ten hầm hố in chìm logo Linksys dễ dàng tháo rời và điều chỉnh. Trong khi đó, các khe thoát nhiệt bố trí xung quanh thân máy lại mang đến cảm giác mạnh mẽ, đồng thời tăng cường sự thoát nhiệt trong quá trình hoạt động của thiết bị.

Một điểm nhấn khác về ngoại hình chính là dãy đèn LED tín hiệu ở mặt trước với kiểu dáng rất hiện đại, vừa giúp người dùng dễ dàng quan sát tình trạng của tín hiệu mạng Wi-Fi, các cổng kết nối, vừa đảm bảo sự tương thích với nội thất khi tận dụng router này làm vật trang trí trên bàn làm việc, góc "chiến" game hoặc cạnh tivi,...

Cạnh sau của máy bao gồm các cổng kết nối bao gồm 5 cổng chuẩn Gigabit (4 LAN và 1 WAN), cổng USB 3.0, cổng USB 2.0 - eSATA, công tắc nguồn và nút Reset.

Với mục đích mang đến sự trải nghiệm tuyệt với nhất dành cho game thủ cũng như có thể đáp ứng mạnh mẽ mọi nhu cầu của người dùng cá nhân và doanh nghiệp, Linksys WRT32X “khoác” trên mình hàng loạt công nghệ hiện đại cùng các tính năng cao cấp nhất.

Cụ thể, router này được trang bị công nghệ Wi-Fi thế hệ mới với băng tần kép 2,4GHz và 5GHz, hỗ trợ chuẩn 802.11AC và công nghệ MU-MIMO thời thượng, có tốc độ lý thuyết lên đến 3,2Gbps, trong đó 600Mbps cho băng tần 2,4GHz và 2,6Gbps cho băng tần 5GHz, chắc chắn thích hợp với mọi nhu cầu của người dùng trong việc truyền tải dữ liệu tốc độ cao qua mạng Wi-Fi như giải trí đa phương tiện với nội dung chuẩn 4K, chơi game online hạng nặng, streaming…

Không chỉ vậy, WRT32X còn được tích hợp một số tính năng vượt trội như Beamforming - làm tăng phạm vi phủ sóng và chất lượng đường truyền nhờ tập trung tín hiệu hướng đến các thiết bị nhận thay vì tỏa ra xung quanh, Optimized Packet Aggregation – gia tăng hiệu suất lên mức cao nhất bằng hai kỹ thuật A-MSDU và A-MPDU, và Tri-Stream 160 - hỗ trợ ba luồng không gian trên một kênh rộng 160MHz, cho phép router gửi nhiều dữ liệu không dây với tốc độ nhanh…

Đáng chú ý, Linksys WRT32X được tích hợp tính năng Killer Prioritization Engine (KPE) của Rivet Network, cho phép router tự xác định máy tính có tích hợp phần cứng Killer Networking và phần mềm Killer Control Center (KCC) – vốn có mặt trên những dòng laptop chuyên game như Ailenware, Gigabite, MSI, RAZER, đồng thời ưu tiên cho thiết bị đó với hiệu suất mạng tốt nhất, thậm chí có thể giảm lag, ping lên đến 77%.

Trong khi đó, đối với các dòng laptop thông thường, KPE sẽ tự động chuyển chế độ ưu tiên mạng cho các hoạt động cần sử dụng dữ liệu mạng lớn như Gaming Online, Streaming, Video, Video Call, Download dung lượng lớn và một số hoạt động mạng khác.

Về mặt lý thuyết, khi người dùng bắt đầu trò chơi, phần cứng Killer Networking trên máy tính (đối với những dòng máy tính có hỗ trợ) sẽ “giao tiếp” router và yêu cầu xử lý dữ liệu với mức ưu tiên cao hơn. Và nếu xảy ra tình trạng nghẽn băng thông trong hệ thống mạng, WRT32X có thể giữ cho trò chơi luôn mượt mà, trơn tru nhất. Trong khi đó, nếu PC kết nối với router khi hoạt động ít quan trọng hơn (chẳng hạn như chờ download dữ liệu), router sẽ can thiệp nhằm tránh gây ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng khác.

Theo đó, Test Lab đã thử kết nối Linksys WRT32X với chiếc laptop chuyên game Razer Blade Stealth.

Một khi được kết nối, phần mềm Killer Control Center (KCC) trên laptop sẽ tự động nhận diện, kết nối để kiểm soát router. Trong khi đó, khi truy cập vào giao diện điều khiển quản trị (Dash Board) của router và Test Lab nhận thấy chiếc laptop chuyên game được router tự động nhận dạng và ưu tiên trên các thiết bị khác.

Về mặt phần cứng, Linksys WRT32X được trang bị phần cứng khá mạnh mẽ với bộ xử lý lõi kép có với xung nhịp tối đa lên đến 1,8GHz, RAM DDR3 dung lượng 512MB và bộ nhớ Flash 256MB, chắc chắn sẽ đáp ứng tối đa khả năng xử lý Internet đa tác vụ cho cùng lúc nhiều người dùng.

Ngoài ra, sản phẩm này cũng được tích hợp mã nguồn mở (Open WRT) tương tự những dòng sản phẩm WRT của Linksys.

Giao diện cực đẹp nhưng thiếu tính năng quản lý

Qua trải nghiệm thực tế, Test Lab nhận thấy, WRT32X không trang bị khả năng cấu hình nhanh qua phần mềm quen thuộc LinksysSmartWi-Fi như EA7500, EA8300 hay EA9300, tuy nhiên, Linksys vẫn trang bị cho router này một giao diện Quick Start Guide khá tiện lợi, giúp người dùng nhanh chóng đưa thiết bị này vào trạng thái sẵn sàng chỉ với vài thao tác đơn giản.

Một khi đã “lên sóng”, Test Lab thực sự rất ấn tượng với giao diện quản lý cực kỳ hiện đại của WRT32X. Thậm chí có thể nói rằng Dashboard của sản phẩm này đã vượt xa khỏi các giao diện truyền thống vốn đã rất nhàm chán trên các router hiện đại ngày nay. Tại đây, người dùng có thể dễ dàng theo dõi tình trạng hoạt động của thiết bị như thông số về kết nối, kết quả kiểm tra tốc độ, băng thông,...

Giao diện Dashboard của WRT32X

Test Lab nhận thấy WRT32X không được tích hợp các tính năng quản lý người dùng như trên một số router thông dụng hiện nay. Cụ thể hơn, người dùng chỉ có thể tìm thấy trên router này những thiết lập cơ bản về mạng Wi-Fi, kích hoạt Guest Wi-Fi, quản lý băng thông Prioritization (như đã nhắc đến ở phần trên), SpeedTest, và một số tính năng nâng cao dành cho người quản trị chuyên nghiệp như Port Forwarding, DMZ, VPN….

Hiệu năng

Để kiểm thử khả năng cung cấp hệ thống mạng Wi-Fi của WRT32X, Test Lab đã tiến hành 2 bài kiểm nghiệm riêng biệt thông qua việc đặt router tại 2 môi trường khác nhau, gồm khu vực quán café đông người và khu vực văn phòng để kiểm tra vùng phủ sóng.

Theo đó, đối với môi trường là quán café, Test Lab đã tắt mọi chế độ hỗ trợ trên WRT32X, đồng thời không đặt ưu tiên băng thông cho bất kỳ thiết bị nào có kết nối với router.

Kết quả cho thấy, với số lượng kết nối thực tế lên đến tầm 20-30 thiết bị cùng lúc (chủ yếu là smartphone và một vài laptop), tuy nhiên, theo như số liệu về tốc độ được đo bằng công cụ SpeedTest mặc định của router và việc truy cập mạng thực tế, Test Lab nhận thấy WRT32X rất ổn định và không xảy ra tình trạng nghẽn băng thông.

Bên cạnh đó, Test Lab cũng tiến hành khảo sát nhanh đối với một số chủ thiết bị di động có kết nối với WRT32X. Họ cho biết việc truy cập mạng diễn ra “mướt” và nhanh chóng hơn so với trước đây (nghĩa là kết nối với moderm có sẵn của quán). Đáng chú ý, một số chủ thiết bị còn cho biết, khoảng cách có thể kết nối cũng được cải thiện rõ rệt, thậm chí họ có thể xem video trên Facebook, YouTube dễ dàng, mượt mà hơn – vốn không thể thực hiện trước đây.

Đối với bài kiểm tra về vùng phủ sóng, Test Lab cũng thực hiện các thao tác kiểm nghiệm tương tự các bài đánh giá router trước đây đó là tiến hành lắp đặt router với modem cấp trên thuộc nhà cung cấp VNPT dùng gói cước lý thuyết 30Mb/s, tại một không gian tương đối rộng và thoáng, đồng thời tăng dần khoảng cách đo sóng bằng công cụ đo chất lượng sóng Wi-Fi Analyzer (mặc định thấp nhất là -40dbm) kèm theo công cụ Speedtest.

Kết quả kiểm nghiệm, khoảng cách tối đa mà thiết bị cuối có thể kết nối WRT32X và truy cập Internet sẽ ở mức từ 20 đến 25 mét, dĩ nhiên là việc truy cập Internet sẽ rất chậm chạp.

Ngoài ra, Test Lab cũng kiểm tra thêm một bài test khác về khả năng truyền dữ liệu qua mạng Wi-Fi nội bộ của WRT32X bằng cách ghim một ổ cứng di động vào cổng USB 3.0, sau đó chạy công cụ đo tốc độ đọc/ghi chuyên dụng LAN Speed Test trên một laptop chạy Windows 10 (kết nối vào theo đường Wi-Fi). Kết quả cho thấy, với tốc độ đọc/ghi trung bình ở mức 49/69Mbps, chứng tỏ WRT32X hoàn toàn có thể đáp ứng mọi nhu cầu giải trí cá nhân và gia đình thông qua việc chia sẻ dữ liệu bằng hạ tầng mạng Wi-Fi. 

Thay lời kết

Nhìn chung, Dù còn chút thiếu sót làm mất đi điểm số tối đa cho sự tiện dụng, nhưng thiết nghĩ Linksys WRT32X vẫn là lựa chọn hợp lý cho người dùng đang tìm kiếm một chiếc router Wi-Fi có hiệu năng cao, khả năng quản lý băng thông tối ưu. Trong khi đó, nếu là người dùng sở hữu dòng laptop chuyên game của Ailenware, Gigabite, MSI, RAZER, bạn sẽ “hưởng lợi” nhiều hơn từ chiếc router này trong việc trải nghiệm game online cần dữ liệu mạng “nặng đô”.

Sản phẩm có giá thành ở mức 300USD (khoảng 6,8 triệu đồng).

PCWorld

đánh giá router, Đức Tiến, Linksys, Test Lab


      © 2021 FAP
        2,573,326       454