Với nhu cầu sử dụng trong gia đình hay văn phòng nhỏ có số lượng thiết bị kết nối dao động trong khoảng 10-20 thiết bị, D-Link DIR-822 là lựa chọn hoàn toàn hợp lý, trước bởi khả năng cung cấp mạng Wi-Fi mạnh mẽ và quản lý đơn giản, sau nữa là giá thành tương đối mềm hơn so với một số sản phẩm khác trên thị trường.
DIR-822 về cơ bản là dòng sản phẩm được ra đời nhằm mục đích thế chỗ phiên bản cũ của DIR-842.
Cụ thể hơn, đại diện D-Link cho biết, phiên bản mới của DIR-842 sẽ được nhà sản xuất nâng cấp toàn diện, từ phần cứng đến phần mềm với hàng loạt tính năng hiện đại, chẳng hạn như băng tần kép, hỗ trợ chuẩn AC, tích hợp công nghệ đa kênh đa người dùng (MU-MIMO),… nhằm cạnh tranh với các dòng sản phẩm router Wi-Fi chuẩn AC khác đang có mặt trên thị trường.
Và để khỏa lấp lỗ trống của phiên bản cũ (DIR-842) để lại, D-Link đã cho ra mắt dòng sản phẩm DIR-822 mới với toàn bộ thông số kỹ thuật được giữ nguyên từ “người anh”, nhưng giá thành sẽ giảm đi đáng kể nhằm hướng đến nhóm người dùng đang tìm kiếm giải pháp mạng Wi-Fi băng tần kép tốc độ cao, hỗ trợ chuẩn AC và không quá quan trọng về các công nghệ thời thượng.
Về phần hình dáng, ngay từ khi khui hộp, Test Lab nhận thấy DIR-822 thực sự là một bản sao gần như tuyệt đối của “người anh” DIR-842, từ vỏ hộp, quy tắc đóng gói cho hình dáng sản phẩm. Thậm chí, nếu đặt 2 sản phẩm này nằm cạnh nhau, rất có thể người dùng sẽ chọn nhầm một trong hai thiết bị này nhưng không quan sát kỹ thông số kỹ thuật được in ở mặt sau.
Có lẽ, điểm khác biệt duy nhất trên mẫu router này chẳng qua là nằm trong cấu tạo về phần cứng với một số sự thay đổi linh kiện bên trong nhằm kéo giảm giá thành cũng như phù hợp hơn với phân khúc hiện tại của sản phẩm này trên thị trường.
Như đã nhắc đến ở phần trên, bên cạnh thiết kế về ngoại hình, toàn bộ thông số kỹ thuật trên DIR-822 cũng được nhà sản xuất sao chép gần như toàn bộ từ DIR-842 nhưng có lược bớt đi một vài đặc tính không cần thiết để đạt được mức giá mềm hơn so với đàn anh.
Cụ thể, DIR-822 về cơ bản vẫn hỗ trợ đầy đủ các chuẩn Wi-Fi thông dụng hiện nay như 802.11 a/b/g/n/ac, với tốc độ lý thuyết đạt tối đa ở mức 1.200 GHz (trong đó băng thông tối đa là 300Mbps trên băng tần 2,4GHz và 867Mbps trên băng tần 5GHz).
Tuy nhiên, ở dòng sản phẩm này, D-Link đã giản lược các cổng vật lý xuống còn chuẩn 10/100Mbps thay vì 10/100/1000 Gigabit Ethernet ở phiên bản cao hơn. Điều này được xem là một bước đi rất đúng trong việc kéo giảm giá thành sản phẩm khi mà phần lớn người dùng Việt Nam chỉ sử dụng các gói cước phổ thông từ mức 100 Mbps trở xuống. Bên cạnh đó, nếu xét về khía cạnh hiệu năng sử dụng trong gia đình thì có lẽ, 4 cổng lan chuẩn này cũng đã khá đủ trong việc chia sẻ tài nguyên mạng.
Chưa hết, DIR-822 cũng không được trang bị các cổng USB 2.0, 3.0 như một số dòng router Wi-Fi khác. Đây thực sự được xem là một thiếu sót lớn khi mà không thể tận dụng hết được nguồn lực của mạng Wi-Fi trong việc giải trí gia đình.
Về phần hiệu suất, mặc dù đã “hy sinh” một số linh kiện phần cứng nhằm kéo giảm giá thánh sản phẩm, nhưng qua trải nghiệm trực tiếp, Test Lab cảm thấy hài lòng DIR-822 khi cho ra cường độ và chất lượng sóng khá ổn định, ít bị nhiễu sóng cũng như cung cấp độ phủ sóng tương đối rộng.
Và theo như kết quả trả về từ công cụ đo chuyên dụng Wi-Fi Analyzer trên smartphone, cường độ sóng của DIR-822 ít bị biến đổi quá nhiều trong một khoảng thời gian nhất định. Bên cạnh đó, Test lab nhận thấy tầm phủ sóng của router này khá rộng, có thể bao phủ toàn bộ khu vực thử nghiệm với diện tích khoảng 100 mét vuông và môi trường có giao thoa giữa sóng Wi-Fi từ nhiều thiết bị mạng khác.
Quan trọng hơn hết, vì DIR-822 là router không dây hỗ trợ băng tần kép (2,4GHz và 5GHz), nên đối với các thiết bị thông thường thì sẽ được router này "phục vụ" trên băng tần tiêu chuẩn 2,4GHz. Trong khi đó, đối với thiết bị di động có hỗ trợ băng tần 5GHz, DIR-822 sẽ lập tức ưu tiên băng tần 5GHz để "phục vụ" nhằm tránh hiện tượng xung nhiễu kênh sóng cũng như cạn kiệt băng thông. Qua đó, mặc dù có nhiều thiết bị đang kết nối mạng Wi-Fi cùng lúc, nhưng DIR-822 vẫn đảm bảo cho người dùng có thể trải nghiệm lướt mạng, xem YouTube, streaming phim HD, chơi game trực tuyến, chia sẻ tập tin dữ liệu kích thước lớn hay thoại hình ảnh luôn mượt mà nhất.
Về cách cấu hình, nếu đã xem qua bài đánh giá chi tiết của Test Lab đối với phiên bản cũ của DIR-842, chắc chắn bạn sẽ không mất quá nhiều thời gian để thiết lập DIR-822 đúng theo ý muốn của mình.
Nhắc lại một chút về thao tác cấu hình, sau khi kết nối cổng Wan với nguồn ra Internet cấp trên và xem qua tài liệu hướng dẫn đi kèm, người dùng chỉ cần truy cập vào đường dẫn chung http://dlinkrouter.local/ hoặc thông qua địa chỉ IP cứng (tức 192.168.0.1). Trong lần đầu tiên sử dụng, chế độ Easy Setup sẽ được tự động kích hoạt, hỗ trợ người dùng nhanh chóng thiết lập nhanh các thông số cơ bản của DIR-822.
Giao diện Home của DIR-822 khá trực quan và đơn giản với đầy đủ thông tin cơ bản nhất. |
Bên cạnh đó, DIR-822 cũng được trang bị tính năng quản lý thông qua smartphone với bộ ứng dụng QRS Mobile trên cả 2 hệ điều hành iOS và Android. Qua đó, bạn sẽ dễ dàng, nhanh chóng hơn trong việc chỉnh sửa các thông số kỹ thuật của router mà không cần phải lỉnh kỉnh thao tác trên máy tính.
Về phần tính năng, vì là mẫu router thuộc dòng phổ thông nên DIR-822 không được D-Link trang bị nhiều tính năng thời thượng, chẳng hạn như quản lý từ xa qua ứng dụng Mydlink, tuy nhiên sản phẩm này vẫn được trang bị đầy đủ những tính năng cơ bản và thông dụng nhất, chẳng hạn như Guest Access, QoS Engine, Schedule, Parental Control,…
Tuy nhiên, Test Lab nhận thấy DIR-822 cũng bị “lây bệnh” từ người anh DIR-842 cũng như một số mẫu router D-Link khác chính là việc không hỗ trợ tính năng đa SSID (Multi SSID). Thay vào đó, nếu muốn tạo thêm SSID dành cho một khu vực riêng biệt, người dùng không còn cách nào khác ngoài việc kích hoạt Guest Zone bằng cách trượt thanh kích hoạt Enable tương ứng với băng tần 2,4GHz hoặc 5GHz tùy ý mình muốn.
Nhưng ngay cả khi người dùng có kích hoạt toàn bộ SSID Guest Access trên cả 2 băng tần 2,4GHz và 5GHz đi chăng nữa, thì thực chất DIR-822 chỉ cung cấp 2 SSID riêng biệt.
Chính vì điều này, nếu đặt lên bàn cân giữ DIR-822 với các dòng router WiFI chuẩn AC phổ thông khác thì có lẽ, thiết bị này thực sự sẽ gặp bất lợi lớn khi một khách hàng khó tính nào đó “soi” thẳng vào khả năng cung cấp đa SSID với mục đích tăng cường việc mở rộng mạng Wi-Fi dành cho gia đình hoặc văn phòng cỡ nhỏ.
Ngoài ra, tương tự DIR-842 và các mẫu router khác của D-Link, Test Lab nhận thấy các tính năng cơ bản khác trên DIR-822 như QoS Engine, Schedule, Parental Control,… hoạt động mượt mà và đạt hiệu quả cao khi mà cho phép người dùng cải thiện khả năng quản lý router và các thiết bị kết nối vào mạng Wi-Fi ngay từ giao diện Home mà không cần quá nhiều thao tác rườm rà.
Theo đó, với tính năng QoS Engine, bạn có thể dễ dàng quản lý băng thông cho các thiết bị đang kết nối với DIR-822. Thậm chí, router này cũng được trang bị tính năng lọc web khá hữu ích với khá năng chặn truy cập đến các website định sẵn, thay vì phải sử dụng các ứng dụng/phần mềm như trước.
Tính năng QoS |
Trong khi đó, tính năng Schedule, Parental Control,… sẽ cho phép cấu hình thời gian hoạt động của thiết bị cũng như áp dụng một số quy tắc (rule) cụ thể cho từng người dùng.
Ngoài ra, DIR-822 cũng được trang bị đầy đủ chuẩn mã hóa WAP/ WPA2 hiện đại, kết hợp cùng tính năng tường lửa (Firewall) được kích hoạt mặc định, giúp tăng cường khả năng bảo mật cho mạng WiFi cũng như các thiết bị kết nối vào router này luôn an toàn trước kẻ xấu.
Nói tóm lại, theo đánh giá chủ quan của thử nghiệm viên Test Lab, mặc dù là bản thay thế của DIR-842 và không trang bị các tính năng thời thượng, nhưng D-Link DIR-822 vẫn có thể trở thành một trong những sự lựa chọn đáng giá trong việc mở rộng mạng Wi-Fi cũng như đáp ứng hiệu quả nhu cầu truyền tải dữ liệu tốc độ cao qua mạng của nhóm người dùng là gia đình hoặc văn phòng cỡ nhỏ.
Hiện tại, DIR-822 có giá bán vào khoảng 1 triệu đồng (tham khảo amazon.com), thấp hơn so với phiên bản cũ DIR-842 (khoảng 1,3 triệu đồng, tham khảo lazada.vn).
D-Link, Đức Tiến, router D-Link, Router Wi-Fi, Test Lab