Công nghệ - Sản phẩm

TP.HCM nâng tầm các tổ chức KHCN theo mô hình tiên tiến

Các tổ chức khoa học và công nghệ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng nằm trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm tại TP.HCM sẽ được hỗ trợ cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, tài chính… để đạt các tiêu chuẩn của một tổ chức tiên tiến.

Sở KHCN TP.HCM chiều ngày 4/4/2017 tổ chức buổi tọa đàm giới thiệu Chương trình phát triển tổ chức KHCN theo mô hình tiên tiến giai đoạn 2016-2020 với sự tham gia của hàng chục đại diện các tổ chức KHCN trên địa bàn TP.HCM.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Việt Dũng – Giám đốc Sở KHCN Thành phố cho biết đã tổ chức khảo sát và thu thập ý kiến của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước về tổ chức KHCN mô hình tiên tiến căn cứ theo nhiệm vụ được giao và định hướng phát triển KHCN của UBND TP.HCM.

Giám đốc Sở KHCN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng phát biểu khai mạc.

Theo đó, Sở sẽ thực hiện chương trình hỗ trợ các tổ chức KHCN theo mô hình tiên tiến suốt 5 năm (2016-2020) ở TP.HCM nhằm tạo sự ổn định trong hoạt động xây dựng đội ngũ nhân sự và liên kết với nhiều tổ chức KHCN khác, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng nhằm phát triển sản phẩm, hỗ trợ các tổ chức KHCN nâng cao khả năng thương mại hóa sản phẩm.

Đại diện Sở KHCN TP.HCM cho biết trong giai đoạn 2016-2020 Sở sẽ tập trung hỗ trợ cho những tổ chức KHCN có lĩnh vực hoạt động phục vụ các ngành công nghiệp trọng điểm và chương trình đột phá của Thành phố, hoặc có tiềm năng trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn. Mặt khác, Sở cũng sẽ trình Thành phố xét hỗ trợ thêm những nghiên cứu khoa học rõ ràng, có tiềm năng cao trong khả năng thương mại hóa sản phẩm.

Cụ thể, theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó trưởng phòng Quản lý Khoa học (Sở KHCN TP.HCM), chương trinh sẽ hỗ trợ các tổ chức KHCN đang hoạt động trên địa bàn có hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các lĩnh vực nằm trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm của Thành phố như Cơ khí – chế tạo; Điện tử - CNTT; Hóa chất, hóa dược – cao su nhựa; Chế biến tinh lương thực, thực phẩm.

Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở KHCN TP.HCM cho biết "các tổ chức KH&CN khi xây dựng kế hoạch phát triển phải đạt các tiêu chí cơ bản của một tổ chức KHCN theo thông tư 38 của Bộ KHCN.

Giải đáp ý kiến về việc có sự phân biệt giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng có thể ảnh hưởng đến hoạt động trong các tổ chức NCKH, ông Nguyễn Việt Dũng khẳng định tuy chương trình mà Sở đang triển khai hiện tập trung hỗ trợ theo hướng phát huy nghiên cứu ứng dụng có khung nhiệm vụ mục tiêu rõ ràng trong thời gian 5 năm, nhưng vẫn hỗ trợ một phần cho nghiên cứu cơ bản.

Bên cạnh đó, ông Dũng cũng đề nghị các tổ chức KHCN trong quá trình nghiên cứu khoa học cần phát triển sản phẩm cụ thể có khả năng thương mại hóa, gia tăng số lượng bằng sáng chế, liên kết với những tổ chức KHCN khác, gắn kết đào tạo nhân lực và nghiên cứu như mô hình NCKH tiên tiến của thế giới.

Cũng theo ông Dũng, quan trọng nhất là các tổ chức KHCN theo mô hình tiên tiến phải tìm ra cách để để có tên và có thể tìm được trên bản đồ KHCN thế giới trong 5 năm tới.  

Các tổ chức KHCN khi tham gia chương trình sẽ được hỗ trợ 3 hợp phần:

Một là, hỗ trợ về nâng cao năng lực nghiên cứu. Theo đó, các tổ chức KHCN sẽ được hỗ về hoạt động đào tạo nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ hoạt động hội thảo (ưu tiên các hội thảo mang tầm quốc tế); hỗ trợ về cơ sở vật chất…

Hai là, hỗ trợ về nâng cao năng lực quản lý. Các tổ chức KHCN sẽ có đơn vị tư vấn đánh giá tổ chức, hỗ trợ áp dụng các hệ thống nâng cao năng suất chất lượng, quản trị tài sản trí tuệ…

Ba là, các hỗ trợ về chứng nhận doanh nghiệp KHCN, tổ chức KHCN.

Các tổ chức KHCN sẽ có những văn bản tự báo cáo và đánh giá về hoạt động của trung tâm mình, cũng như các chương trình mục tiêu phát triển của đơn vị đến năm 2020. Sau đó Sở KHCN TP.HCM sẽ tổ chức xét chọn, ký kết biên bản ghi nhớ và tiến hành thực hiện hỗ trợ

PCWorld

Hoàng Kim, nghiên cứu khoa học, Sở KHCN TP.HCM, truyền thông khoa học công nghệ


      © 2021 FAP
        2,602,464       870