Công nghệ - Sản phẩm

Mong gì ở Mac 2017

2016 không phải là năm thành công của Apple, lần đầu tiên MacBook Pro không được khuyên dùng, các dòng Mac khác vẫn thế. Liệu có thể mong chờ gì trong năm 2017.

Năm qua, Apple không gây được ấn tượng trong lĩnh vực máy tính, ngoài việc ra mắt MacBook Pro mới, cải tiến một chút cho dòng MacBook và đổi tên hệ điều hành OS X thành macOS. Mac để bàn vẫn thế, và MacBook Pro 2016 đáng thất vọng khi không lọt vào danh sách sản phẩm nên mua của Consumer Reports - tạp chí uy tín chuyên về sản phẩm công nghệ. 

Dù sao thì fan Mac vẫn kỳ vọng Apple sẽ có những cải tiến với các dòng máy Mac trong năm 2017 này.

Mac Pro: Đổi mới hay vứt bỏ

Năm 2013, Mac Pro được thiết kế lại, hoàn toàn lột xác trong kiểu dáng hình trụ rất ấn tượng. Máy chạy êm với một quạt làm mát cho toàn hệ thống. Apple lấy làm tự hào về cuộc cách mạng máy tính để bàn này khi trình làng một cỗ máy mạnh mẽ trong lớp vỏ hợp kim nhôm hào nhoáng chưa từng thấy.   

Rồi từ đó đến nay Mac Pro chẳng có gì thay đổi, kể cả giá. Thậm chí, có những thời điểm Apple còn bán cả những mẫu Mac Pro đã quá “đát” với mức giá được đặt ra từ năm 2013. Sau 3 năm ra mắt, Mac Pro đã trở nên nhàm chán, và nếu muốn tiếp tục duy trì dòng sản phẩm này Apple sẽ phải cải tiến về mặt thiết kế hoặc nâng cấp cấu hình phần cứng với bộ xử lý Intel mới nhất. Không được đổi mới, Mac Pro sẽ đối mặt với nguy cơ ế ẩm, chẳng khác gì thùng rác đẹp đẽ nhìn mãi cũng chán mà công dụng có hạn.

Mac Pro là dòng máy trạm dành cho những người chuyên dùng những ứng dụng biên tập video, hình ảnh, xử lý 3D, tính toán nhiều đòi hỏi khả năng xử lý mạnh mẽ của máy. Đặc biệt các bộ xử lý Xeon 4 hoặc 6 nhân của Mac Pro phát huy hiệu quả rất cao khi xử lý video 4K hay nội dung 3D. Vì thế khó có thể hình dung Apple sẽ kết liễu dòng máy cao cấp này. 

Mac mini: tồn tại hay không tồn tại

Trong các dòng máy Mac thì Mac mini chạy chậm nhất, chẳng mấy ấn tượng và số phận xem chừng hẩm hưu nhất. Apple hầu như không nâng cấp Mac mini suốt cả một thời gian dài. Dẫu bị bỏ quên, chưa hề gây “sốt” trên thị trường, nhưng với đặc điểm gọn nhẹ dễ di chuyển, chiếm ít khoảng không, Mac mini là một sản phẩm hữu ích trong một số lĩnh vực như dùng trong trường học, có thể làm máy chủ hay gắn với TV để giải trí tại gia. 

Người dùng gia đình nếu không quá quan tâm tới công nghệ cao, thờ ơ với những bộ xử lý Intel mới nhất, chỉ cần máy cho các tác vụ thông thường như lướt web, truy cập mạng xã hội, email, chạy các ứng dụng văn phòng, giải trí nhẹ nhàng thì Mac mini là một lựa chọn hợp lý. Máy cũng phù hợp cho công việc quản lý bán hàng tại các cửa hàng nhỏ.

Tuy nhiên, nếu Apple quan tâm tới việc nâng cấp Mac mini, trang bị bộ xử lý mới mạnh hơn thay vì Intel Core thế hệ thứ tư như hiện tại thì có lẽ sẽ thuyết phục được nhiều đối tượng người dùng hơn.

MacBook Pro nên có thêm lựa chọn màu 

MacBook Pro phiên bản mới 2016 là cải tiến đáng kể nhất của Apple đối với các dòng sản phẩm máy tính Mac trong năm qua. Ngoại trừ dòng 13-inch giá 1.499 USD, MacBook Pro 2016 trang bị Touch Bar với dãy phím cảm ứng độc đáo cùng cảm biến vân tay Touch ID. Tuy nhiên, tất cả chỉ có vậy. Cổng kết nối đều là Thunderbolt 3 (2 hoặc 4 cổng) tương thích USB-C có thể khiến nhiều người dùng phiền lòng vì phải mua thêm phụ kiện chuyển đổi.

Thời lượng pin của MacBook Pro mới ban đầu bị chê là thiếu ổn định, không lâu như Apple tuyên bố. Nhưng sau đó Apple đã giải quyết vấn đề bằng bản cập nhật phần mềm. Thêm nữa, chỉ hai lựa chọn màu xám và bạc là quá ít ỏi. Nên chăng có thêm màu vàng và vàng hồng như dòng MacBook.

MacBook Pro 2016 bị chê thời lượng pin không ổn định, nhưng sau khi Apple cập nhật phần mềm Consumer Report công nhận đã hết lỗi pin.

MacBook thế hệ mới

MacBook 12-inch ra mắt cách đây 2 năm, chỉ mới được nâng cấp cấu hình tối thiểu và thêm màu vàng hồng. Phiên bản 2016 vẫn giữ nguyên thiết kế siêu nhẹ, vỏ nhôm sang trọng, màn hình Retina ấn tượng, nhưng khiếm khuyết lớn ban đầu chưa được khắc phục. Đó là chỉ có một cổng đa năng USB-C để kết nối cho đủ loại, từ sạc cho đến màn hình ngoài. Cổng này cũng chỉ hỗ trợ giao tiếp USB 3 mà chưa hỗ trợ Thunderbolt 3 là điều khá lạ. Thêm nữa, giá khởi điểm 1.299 USD cũng là quá cao. Hy vọng tới đây sẽ có những thay đổi.

iMac đổi mới, giã từ HDD

iMac là chiếc máy tính tất cả-trong-một mang tính biểu tượng của Apple với thiết kế vỏ nhôm cực kỳ sang trọng trên bàn làm việc. Sau khi có những cập nhật lớn vào hai mùa Thu trước, 2014 và 2015, năm qua iMac không được Apple làm mới.

Dù chưa sánh được với Mac Pro, dòng máy iMac cũng có hiệu năng thuộc vào hàng “khủng”, nhất là khi dùng ổ lai Fusion Drive (SSD kết hợp HDD) hoặc SSD. Tuy nhiên đây là tùy chọn (1TB Fusion Drive hoặc 256GB/512GB SSD), còn theo mặc định thì iMac trang bị ổ cơ truyền thống HDD 5.400 vòng/phút. Ổ SSD chưa phải là rẻ, nhưng phương án Fusion Drive đã có thể chấp nhận được. Trong khi đó HDD làm giảm hiệu suất hoạt động của máy, nhất là với lựa chọn màn hình Retina 4K/5K.

Về kết nối, máy vẫn dùng các cổng kết nối USB 3 truyền thống và Thunderbolt 2 lỗi thời, đã đến lúc phải được tăng cường cổng Thunderbolt 3 theo chuẩn mới USB-C. 

iMac cũng có thể tích hợp nút quét vân tay Touch ID để đăng nhập như MacBook Pro mới, nhưng việc thêm Touch Bar là không hợp lý. Có chăng Touch Bar sẽ được tích hợp với bàn phím ngoài. Liệu chúng ta có thể trông chờ Magic Keyboard vốn đã được ưa chuộng thêm một lần nữa được làm mới đem lại cảm giác tuyệt vời hơn. 

macOS cần nhận biết mạng và quản lý pin tốt hơn

Hầu hết các tính năng mới cập nhật cho macOS những năm gần đây đều lấy cảm hứng từ iOS. Vì vậy chúng ta có thể kỳ vọng macOS mới sẽ thông minh hơn về quản lý mạng và thời lượng sử dụng pin.

Hệ điều hành iOS và các ứng dụng (app) di động trên nó có khả năng hoạt động phù hợp với tình trạng kết nối mạng. Nếu bạn đang kết nối mạng Wi-Fi, một ứng dụng podcast có thể tải về nhiều tập phim, nhưng nó sẽ hạn chế tải về nếu nhận thấy thiết bị đang kết nối mạng viễn thông di động. Điều này hết sức hữu ích cho các kết nối mạng viễn thông với băng thông hạn chế, cũng đồng thời giúp tiết kiệm tiền truy cập mạng.

Mac thì chưa thông minh như vậy. Cho dù đang kết nối Wi-Fi hay mạng viễn thông di động thông qua kết nối chia sẻ 3G/4G của một chiếc iPhone thì Mac vẫn tải dữ liệu nhiều nhất có thể, vì nó không tự nhận biết đang sử dụng kiểu mạng nào. Ngược lại, iPhone được thiết kế để luôn nhận biết kiểu mạng nó đang kết nối. Bạn cũng có thể truy cập ứng dụng Settings, chủ động thiết lập chặn ứng dụng không cho sử dụng mạng di động 3G/4G. Người dùng có nhiều quyền hạn và kiểm soát các ứng dụng di động tốt hơn so với khi dùng Mac.

Đã đến lúc Apple cần tăng trí thông minh cho máy Mac của hãng, bởi người dùng Mac khi hoạt động ngoài vùng phủ sóng Wi-Fi đã quen dùng mạng viễn thông qua kết nối chia sẻ từ iPhone. Mac không hỗ trợ khe cắm Sim cũng không tự nhận biết mạng viễn thông nên macOS không thể hành xử hợp lý.

Thêm nữa, với mạng viễn thông, người dùng Mac cũng rất cần chế độ tiết kiệm năng lượng - Low Power Mode, như khi dùng thiết bị iOS. Low Power Mode sẽ báo cho hệ điều hành và các các ứng dụng biết rằng người dùng đang cố gắng kéo dài thời gian làm việc càng lâu càng tốt trước khi pin cạn kiệt năng lượng. 

PC World VN 02/2017

PCWorld

Apple, chip Xeon, Kỳ Hà, Macbook Pro 2016, MacOS, Thunderbolt 3, Touch Bar, Touch ID


      © 2021 FAP
        2,614,802       1,709